Công nhân phá núi xây hầm phát hiện một hố đen lạ, chuyên gia mất 3 tháng đào bới tìm ra “kho báu”
“Kho báu” hơn 2.000 năm với nhiều bảo vật không thể sao chép này khiến các chuyên gia vô cùng kinh ngạc.
Tình cờ tìm thấy "kho báu" độc nhất vô nhị hóa ra là có thật. Câu chuyện dưới đây là một minh chứng.
Tại thành phố Bảo Định (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc), có một ngọn núi cao chưa đến 300 mét so với mực nước biển. Dưới chân núi có một ngôi làng nhỏ tên là Lăng. Một số người cho rằng hầu hết những địa điểm có từ "Lăng" đều liên quan tới các ngôi mộ cổ. Làng Lăng cũng không ngoại lệ. Ngôi làng này có nhiều đời canh giữ lăng mộ. Tuy nhiên, vì quá lâu nên những người dân trong làng cũng không biết lăng mộ nằm ở đâu và ai là chủ nhân.
Vào năm 1968, khi xây dựng một hầm trú ẩn ở đây, một nhóm công nhân bắt đầu cho nổ đá trên ngọn núi trên. Tuy nhiên, vụ nổ có vẻ bất thường khi xuất hiện âm thanh chói tai giống như tiếng trống. Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là sau vụ nổ, ngoại trừ một lượng nhỏ sỏi bị bắn tung tóe, những viên đá lớn đã biến mất. Sau khi thuốc nổ tan đi, nhóm công nhân nhìn kỹ hơn và phát hiện có một hố đen lớn ở trên núi. Hóa ra, tất cả những viên đá lớn đều rơi vào trong cái hố này.
Nhận thấy cái hố kỳ lạ này có thể ẩn chứa lăng mộ cổ, nên những người công nhân xây dựng đã lập tức thông báo tới lãnh đạo và các cơ quan chức năng. Ngay sau khi nhận được tin, các nhà khảo cổ học, nhà sử học và thậm chí cả các nhà sinh vật học đã tập trung tại làng Lăng để bắt đầu một cuộc khai quật với quy mô lớn.
Kết quả, sau 3 tháng khai quật, đào bới, các nhà khảo cổ xác định đây là một lăng mộ của nhà Hán, cách thời điểm được tìm thấy hơn 2.000 năm. Lăng mộ này có quy mô và mức độ hoành tráng dành cho hoàng đế. Chủ nhân của lăng mộ là Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng (? - 113 TCN), chư hầu vương đầu tiên của nước Trung Sơn, một nước chư hầu của nhà Hán. Trung Sơn Tĩnh vương còn nổi tiếng khi được nhắc đến là tổ tiên trực hệ của Lưu Bị, vị hoàng đế khai quốc của nước Thục Hán thời Tam Quốc.
Lưu Thắng là con trai thứ 9 của Hán Cảnh Đế Lưu Khải, vị hoàng đế thứ 6 của nhà Hán. Đến năm 154 TCN, Lưu Thắng được Hán Cảnh Đế lập làm Trung Sơn vương, cai quản nước Trung Sơn.
Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy có hơn 10.000 di vật văn hóa, trong đó riêng tiền cổ cũng được ước tính hàng tấn. Trong số này có hơn 4.000 di vật văn hóa được chế tác tinh xảo gồm nhiều đồ dùng làm bằng vàng, bạc, đồng và ngọc.
Tuy nhiên, trong số hàng nghìn di vật văn hóa, có 3 báu vật "độc nhất vô nhị" khiến các chuyên gia vô cùng phấn khích. Những báu vật này thậm chí còn gây chấn động thế giới vì giá trị và gần như không thể sao chép hay tạo ra phiên bản.
Dưới đây là 3 bảo vật hiếm có trong lăng mộ của của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng.
Thứ nhất, Kim Lũ Ngọc Y
Đây là bộ giáp rất quý giá, được coi như là một biểu tượng cho địa vị cao quý của người đã khuất vào thời nhà Hán. Theo những ghi chép trong lịch sử, cách đây hơn 2.000 năm, các hoàng đế của nhà Hán đều tin rằng ngọc có thể giữ cho cơ thể người đã khuất không bị thối rữa. Do đó, ngọc là một vật quan trọng tượng trưng cho địa vị cao quý và là vật tùy táng thường xuất hiện trong những lăng mộ, ngôi mộ xa hoa.
Kim Lũ Ngọc Y là bộ giáp được làm chủ yếu từ vàng và ngọc bích. Trên thực tế, những bộ giáp này còn được phân chia theo địa vị của người mặc để chế tác như sử dụng chỉ vàng, bạc, đồng. Quy trình để làm ra bộ áo giáp bằng ngọc và vàng trên rất phức tạp và mất nhiều tiền bạc và thời gian.
Đến nay, các chuyên gia, nhà khảo cổ đã tìm thấy hơn 20 bộ giáp bằng ngọc. Tuy nhiên, chỉ có bộ Kim Lũ Ngọc Y của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng được coi là có tay nghề tinh xảo nhất. Chính vì vậy, bộ giáp gồm hơn 2.000 miếng ngọc bích của vị vua này được coi là quốc bảo trong số các quốc bảo hiện nay.
Thứ hai, đèn Trường Tín
Đây là một chiếc chân đèn cách đây hơn 2.000 năm. Cổ vật này được đánh giá là có giá trị vượt xa hầu hết những chiếc bình bằng vàng, bạc và ngọc trong lăng mộ Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng. Lý do rất đơn giản là nó được chế tác quá tinh xảo.
Chiếc chân đèn có hình dạng giống như một cung nữ đang quỳ với một tay cầm đèn, một tay giống như đang bảo vệ ngọn đèn khỏi gió. Thiết kế này thực chất vô cùng độc đáo khi có thể hấp thụ khói dầu, ngăn ngừa ô nhiễm không khí, đồng thời nâng cao tính nghệ thuật, sự duyên dáng của chân đèn.
Hơn nữa, kỹ thuật đúc chân đèn bằng đồng cũng vô cùng tinh xảo và độc đáo. Sở dĩ bảo vật này được gọi là "Trường Tín" vì trên chân đèn có khắc 65 ký tự ghi lại công suất, trọng lượng và chủ sở hữu. Trong đó, chữ Trường Tín ám chỉ cung Trường Tín, một cung điện của nhà Hán.
Thứ ba, lư hương bằng đồng dát vàng
Chiếc lư hương bằng đồng trong lăng mộ của Trung Sơn Tĩnh vương được đúc theo hình ngọn núi, rất độc đáo và tinh xảo. Bên ngoài lư hương được dát vàng. Khi các chuyên gia nhìn thấy chiếc lư hương này, tất cả đều ngạc nhiên vì bảo vật này đẹp và quý hiếm đến mức không ngờ. Theo các chuyên gia, lư hương bằng đồng hơn 2.000 năm tuổi được chế tác vô cùng phức tạp. Đây thực sự là một bảo vật rất khó có thể làm giả hay sao chép.
Ba bảo vật này đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Chúng đang được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc).
Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu