Công nghệ mRNA: Triển vọng mới cho y học hiện đại

Cao Lực,
Chia sẻ

Cá nhân hóa điều trị ung thư nằm trong số những phương pháp đang được phát triển bằng công nghệ từng bị các hãng dược lớn làm ngơ.

Nhiều nhà khoa học khẳng định cuộc chiến chống Covid-19 chỉ là điểm khởi đầu của mRNA (RNA thông tin), bởi việc ứng dụng rộng rãi công nghệ này có thể mở ra một cuộc cách mạng trong y học hiện đại.

Theo báo The Financial Times, thành công của vắc-xin mRNA Pfizer/BioNTech và Moderna đã thôi thúc giới khoa học cũng như các công ty dược trên toàn thế giới nghiên cứu sâu rộng sức mạnh của công nghệ này để tìm ra phương pháp điều trị cho hàng loạt căn bệnh khác, kể cả ung thư.

Chưa có một loại sản phẩm mRNA nào được các cơ quan quản lý phê chuẩn cho đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Mặc dù đã được nghiên cứu trong nhiều năm, mRNA từng bị nhiều công ty lớn đánh giá là "khó thương mại hóa".

Khi được hỏi tại sao lại chọn mRNA để bào chế vắc-xin Covid-19 dù công nghệ này khi đó chưa nhận được nhiều sự chú ý, Giám đốc điều hành Công ty BioNTech (Đức) Ugur Sahin đáp rằng: "Thông thường, mọi quyết định được thực hiện xoay quanh nhu cầu y tế và tính khả thi".

Công nghệ mRNA: Triển vọng mới cho y học hiện đại - Ảnh 1.

Ảnh chụp tại một cơ sở sản xuất vắc-xin Pfizer/BioNTech ở TP Chesterfield, bang Missouri - Mỹ. Ảnh: REUTERS

Cũng theo ông Sahin, BioNTech luôn tập trung tạo ra những loại vắc-xin riêng biệt, được điều chỉnh để tấn công một loại ung thư nhất định - hướng tiếp cận mà ông tin là sẽ cách mạng hóa nỗ lực điều trị ung thư.

"Cần phát triển vắc-xin ung thư riêng biệt vì mỗi khối u đều khác nhau" - ông Sahin giải thích, đồng thời nhấn mạnh ngay cả các bệnh nhân mắc cùng loại ung thư cũng không có các khối u giống nhau. Điều này đồng nghĩa một phương pháp điều trị cá nhân hóa nhiều khả năng hiệu quả hơn so với hướng tiếp cận "một liệu pháp cho tất cả".

BioNTech đã bắt đầu quá trình thử nghiệm thuốc điều trị ung thư đại trực tràng, ung thư da cùng những loại ung thư khác. Các hãng dược khác, trong đó có Moderna (Mỹ), cũng đang nghiên cứu vắc-xin ung thư sử dụng công nghệ mRNA, với hy vọng có thể chữa trị căn bệnh nằm trong nhóm gây tử vong hàng đầu thế giới.

Ngoài ung thư, các cuộc thử nghiệm liên quan đến công nghệ mRNA cũng được tiến hành để tìm ra phương pháp điều trị cho nhiều căn bệnh khác, trong đó nghiên cứu về vắc-xin cúm nhiều khả năng công bố kết quả đầu tiên.

Virus gây bệnh truyền nhiễm như cúm hoặc Covid-19 đột biến thường xuyên, vì thế vắc-xin phải được cập nhật hằng năm để đối phó với biến thể mới. Những loại vắc-xin cúm hiện hành chỉ có thể cung cấp miễn dịch 40% - 60%, bởi từ thời điểm vắc-xin được bào chế đến thời điểm được tiêm, virus có thể đã đột biến.

Với độ linh hoạt cao, vắc-xin mRNA được kỳ vọng có thể làm tăng đáng kể mức độ hiệu quả của các đợt tiêm phòng trong mùa cúm.

Giám đốc đầu tư Julia Angeles của Công ty Baillie Gifford (Anh) khẳng định công nghệ mNRA sẽ cách mạng hóa nhiều khía cạnh của lĩnh vực dược phẩm. Theo bà Angeles, Moderna nhiều khả năng trở thành công ty công nghệ sinh học đầu tiên trên thế giới đạt mức vốn hóa thị trường 1.000 tỉ USD, có thể là trong 5 năm tới nhờ độ rộng và chiều sâu của các công nghệ sở hữu.

Tập đoàn Sanofi (Pháp) đã thể hiện cam kết đối với tiềm năng của mRNA khi thành lập một trung tâm để tạo ra các loại vắc-xin dựa trên công nghệ này và sẽ rót vào đây 462 triệu USD/năm. Công ty Merck (Mỹ) đã lên kế hoạch mua lại và đang nhắm đến nhiều công ty phát triển phương pháp trị bệnh dựa trên mRNA. Còn tại Anh, Công ty AstraZeneca đã đạt được thỏa thuận RNA đầu tiên vào tháng 9 để bào chế 26 loại thuốc với Công ty VaxEquity.
Chia sẻ