Công chức, doanh nhân cũng thích xăm mình

,
Chia sẻ

Đã qua thời hình xăm được coi là dấu hiệu nhận biết một tay giang hồ, anh chị. Ngày nay, nhiều doanh nhân, công chức cũng thích “chạm trổ” lên người.

Xăm để cầu tài lộc, để giải sầu

Bà Thu Hằng, 52 tuổi, cán bộ một công ty kinh doanh dược phẩm ở phố Ngọc Khánh, Hà Nội, khiến đồng nghiệp, bạn bè ngạc nhiên với bông hoa hướng dương Nhật Bản đen nháy trên làn da còn tấy đỏ ở bờ vai trái. Họ bất ngờ bởi từ trước đến nay, bà là người lầm lì, ít nói, nhất là từ khi chồng mất sau một cơn đột quỵ. Ngoài giờ làm, bà đăng ký một lớp tập thể dục ở công viên Thống Nhất. Trong khi mọi người chỉ tập ca sáng hoặc ca chiều thì bà đi cả hai buổi. Bà nói chỉ muốn tập cho kiệt sức để khi về nhà có thể ngủ lịm, quên đi nỗi cô đơn. Bà Hằng tâm sự muốn xăm một lần để biết cảm giác mạnh, nhưng quan trọng hơn cả là để giải sầu.

Còn chị Lan, chủ một doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở Phương Mai, Hà Nội lại đi xăm ba nốt nhỏ ở viền tai không phải để làm đẹp mà vì muốn có thêm tài lộc. Theo tư vấn của một chuyên gia về tướng số, hình vẽ đó sẽ đem lại cho chị nhiều may mắn.

Ảnh: Corbis.

Chị Lan và bà Hằng không phải là những ví dụ hiếm hoi về sở thích xăm mình của doanh nhân và công chức, đối tượng chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số khách hàng đến các tiệm xăm. Tại cửa hàng xăm hình nghệ thuật Milan ở phố Cửa Nam, Hà Nội, cô nhân viên trẻ không hề ngạc nhiên khi thấy phóng viên, trong vai một khách hàng, đến trong trang phục công sở. Cô cho biết cửa hàng thường xuyên đón tiếp những khách hàng như vậy.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Sáu, khoa Laze - Phẫu thuật, Viện Da liễu Quốc gia, cũng cho biết, nếu như trước đây, hầu hết những người đến xoá hình xăm là thanh niên chuẩn bị đi nghĩa vụ quân sự hay xuất khẩu lao động thì gần đây có nhiều người là công chức nhà nước, và số này ngày một tăng. “Có thể ngày nay, cái nhìn về xăm mình đã rộng rãi hơn, họ coi việc này là một thú vui, hay chỉ vì muốn biết cảm giác mạnh khi bị kim châm vào người”, bác sĩ Sáu nói. Ngoài ra, với nhiều người, hình xăm là cách họ lưu lại một kỷ niệm hay một tâm sự.

Làm đẹp bằng hình xăm

“Xăm mình chẳng có gì là tội lỗi, nó cũng là một nghệ thuật, một cách làm đẹp”, Huyền, nhân viên PR một công ty máy tính tại Hà Nội, nói. Đây cũng là quan điểm của nhiều công chức, nhân viên văn phòng trẻ thích xăm mình. Phần lớn họ chịu đau để “khắc” hình trên người với lý do làm đẹp, thể hiện cá tính. Việc nhiều ngôi sao điện ảnh, thể thao thế giới nghiện xăm cũng góp phần cho xu hướng này.

Huyền xăm một vòng hoa mảnh mai ở cổ chân. Mỗi lần cô mặc quần ngố hay váy, vòng hoa này nổi bật giữa làn da trắng, phía trên đôi xăng đan xinh xắn, trông như một cái lắc chân. “Bạn bè em mê tít nó, khen đẹp và sành điệu. Ngay bà sếp em, khó tính và ‘bôn’ là thế mà vẫn phải thừa nhận là nó đáng yêu, không có vẻ gái hư gì cả”, cô nói.

Huyền cho biết bạn bè cô có không ít người xăm mình, cả con gái lẫn con trai, toàn là những người tử tế, có vị trí tốt trong các công ty, tổ chức: “Nghĩ đến xăm, nhiều người cứ hình dung ra các hình hổ báo đại bàng to tướng, dữ dằn trên ngực hay bắp tay. Thực ra bây giờ đàn ông hay xăm những hình nhỏ, tinh tế, chẳng hạn một chữ Phúc, Lộc bằng chữ Hán, hay một biểu tượng nào đó. Nó không làm người ta nghĩ xấu đi về tư cách của họ”. Huyền cho biết, hình xăm mà phụ nữ hay yêu cầu là bông hoa, con bướm hay các hình dây mảnh tại những vị trí nửa kín nửa hở như vai, gáy, bụng, thắt lưng…, hoặc cổ chân, mu bàn chân.

Rắc rối chuyện xoá xăm

Nhiều công chức trẻ cho biết, một khi đã xăm hình và hài lòng với tác phẩm trên da của mình, họ dễ bị nghiện, bị thôi thúc phải xăm các hình khác. Và việc xăm hình gì, ở vị trí nào không phải bao giờ cũng là quyết định chính xác.

Hải Thu, 23 tuổi, nhân viên một công ty sách ở Hà Nội, kể, cô từng có hình một con bướm ở cổ chân, nhưng đã xoá đi vì mọi người đều chê nó lớn quá. Sau 6 lần xoá bằng laser, tốn hơn ba triệu đồng, con bướm đã biến mất, nhưng ở vị trí của nó là một vết thâm rất rõ. “Em đang tích cực bôi thuốc nhưng chẳng biết khi nào nó mới mờ đi được. Nhưng chả hiểu sao, em vẫn muốn xăm tiếp, đến khi nào có một hình thật chuẩn mới thôi”, Thu nói.

Còn Thành Lương, Trưởng phòng kinh doanh một công ty đồ điện gia dụng ở Cầu Giấy, Hà Nội, lại phải xoá vết xăm hình chữ H rất nhỏ ở vị trí đeo nhẫn của ngón tay áp út bên trái. Đó là chữ cái đầu tên người yêu cũ của anh, mối tình sâu đậm suốt 5 năm. Nay anh có người mới và không muốn để cô phải suy nghĩ nên đành chịu đau để loại bỏ, chấp nhận một vết sẹo.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Sáu cho biết, tia laser sẽ giúp loại bỏ các vết mực xăm. Tuy nhiên, có những trường hợp phải lột lớp da đó đi để ghép da thay thế. Với những hình xăm quá lớn, không có đủ da để ghép, bệnh nhân thường phải chấp nhận vết sẹo xấu xí.

Ngay cả khi không phải xoá, người xăm mình vẫn có thể chịu phiền toái về sức khoẻ, trước hết là tình trạng dị ứng với mực xăm, hay viêm da, tấy đỏ một thời gian dài, tái phát nhiều lần chừng nào mực xăm còn tồn tại. “Tôi từng điều trị cho một bệnh nhân gần 10 năm trời mà không thể lành hai vết xăm khá lớn trên cánh tay”, bác sĩ Sáu nói.  Mặt khác, việc dùng kim để xăm trổ cũng là con đường làm lây bệnh tật nếu không đảm bảo vô trùng, chẳng hạn bệnh viêm gan virus, HIV và các bệnh lây qua đường máu khác.

Do đó, bác sĩ khuyên rằng, dù xăm vì lý do nào, mọi người vẫn nên cân nhắc kỹ mình có thực sự muốn có hình đó mãi mãi hay không. Và nếu đã quyết định, nên đảm bảo việc thực hiện phải thực sự an toàn.

Theo Đức Hiệp - Lam Giang
BaoDatViet
Chia sẻ