Công an khuyên người dân hãy làm ngay 2 điều này khi shipper báo nhận hàng và chuyển tiền
Cơ quan chức năng khuyến cáo người mua hàng không chuyển khoản khi chưa thấy món hàng đã đặt và hãy tra cứu mã vận đơn trước khi nhận hàng.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong những năm gần đây, việc mua sắm trực tuyến trên các sàn giao dịch thương mại điện tử đã trở nên phổ biến và trở thành thói quen không thể thiếu của phần lớn người dân.
Tuy nhiên đây là thời cơ và là môi trường thuận lợi để các đối tượng lừa đảo thực hiện hành vi phạm tội. Bằng những thủ đoạn tinh vi, đánh vào tâm lý chủ quan của người mua, thời gian gần đây vấn nạn kẻ xấu giả mạo shipper lừa đảo chiếm đoạt tài sản lại tiếp tục xuất hiện trở lại và có nhiều diễn biến phức tạp.
Shipper giả mạo lấy thông tin của người mua hàng như thế nào?
Với thủ đoạn này, các đối tượng lừa đảo lấy thông tin khách hàng thông qua nhiều phương thức, như: Mua thông tin khách hàng từ các nguồn bất chính hoặc tham gia các phiên livestream, truy cập vào trang, tài khoản bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội để xác định những khách hàng có đặt mua sản phẩm. Các đối tượng lấy thông tin liên hệ và thông tin đơn hàng của khách hàng đặt mua (như loại hàng, giá sản phẩm…) từ các bình luận hoặc tin nhắn công khai trên livestream và trang bán hàng.
Sau khi thu thập được thông tin trên, các đối tượng giả danh nhân viên giao hàng của các đơn vị giao hàng uy tín để gọi đến số điện thoại của khách hàng và thường chọn thời điểm giờ hành chính khi khách hàng có thể không có mặt tại nhà. Do không thuận tiện để nhận hàng và số tiền thanh toán không lớn nên khách hàng dễ dàng đồng ý với đề nghị để hàng vào trong sân nhà hoặc vị trí khác theo thỏa thuận và chuyển khoản thanh toán đến số tài khoản do đối tượng cung cấp.
Sau khi người dân chuyển khoản thành công, các đối tượng sẽ thông báo có sự nhầm lẫn, số tài khoản trên là số tài khoản đăng ký làm hội viên shipper, khi chuyển tiền đến số tài khoản đó thì hệ thống sẽ kích hoạt gói cước hội viên, mỗi tháng tự động bị trừ 3 triệu đồng đến 3,5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của khách hàng. Khi nạn nhân muốn lấy lại tiền và hủy đăng ký thành viên, đối tượng sẽ gửi đường dẫn liên kết đến trang web và số điện thoại giả mạo của đơn vị giao hàng để liên hệ.
Ngoài số tiền đã chuyển khoản bị chiếm đoạt, khi người dân bấm vào đường liên kết giả mạo và nhập các thông tin cá nhân thì sẽ có nguy cơ điện thoại bị nhiễm mã độc, bị chiếm đoạt thông tin cá nhân quan trọng và mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử.
Thủ đoạn giả mạo shipper giao hàng không phải là mới. Tuy nhiên, thời gian gần đây chiêu lừa đảo này lại được các đối tượng xấu sử dụng trở lại với một số biến tướng. Kẻ xấu lợi dụng những người mua hàng qua các sàn thương mại điện tử, các ứng dụng mạng xã hội (tiktok, facebook…) hoặc trên livestream (phát trực tiếp) để lại số điện thoại và địa chỉ nhận hàng, từ đó các đối tượng thu thập thông tin và thực hiện hành vi lừa đảo.
Thời điểm thực hiện thường là vào lúc nạn nhân không có nhà. Các đối tượng nói rằng chúng đã chuyển hàng và yêu cầu nạn nhân chuyển khoản để trả tiền hàng. Với số tiền không quá lớn, nhiều người sẽ có tâm lý tin tưởng, không kiểm tra kỹ thông tin về đơn hàng và mắc bẫy của những kẻ lừa đảo.
Với mỗi đơn hàng chiếm đoạt, những đối tượng này có thể chiếm đoạt từ vài trăm ngàn cho tới vài triệu đồng. Nhiều người đã mất tiền nhưng vì tâm lý lo ngại phiền phức và số tiền không quá lớn đã không trình báo cơ quan Công an. Vì vậy những đối tượng lừa đảo này ngày càng gia tăng và số tiền chiếm đoạt cũng không hề nhỏ.
Nếu người nhận nói rằng có thể nhận hàng trực tiếp, chúng sẽ lập tức tắt máy. Đối tượng mà nhóm lừa đảo nhắm đến là những người thường xuyên bận rộn, không thể trực tiếp nhận hàng.
Người mua hàng nên làm gì để tránh bị lừa?
Để không trở thành nạn nhân của loại tội phạm này, người dân cần hết sức cảnh giác khi nhận số điện thoại lạ, không chuyển khoản khi chưa thấy món hàng đã đặt; không nên chuyển tiền cho người lạ và cần xác minh thật kỹ các thông tin trước khi chuyển khoản.
Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi đường đi của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng.
Khi bị các đối tượng nêu trên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người dân cần đến Cơ quan Công an gần nhất để trình báo hoặc qua ứng dụng VNeID.