Công an Hà Nội: Các em học sinh phải làm gì để tránh bạo lực học đường?
Sáng 19/10, Công an huyện Gia Lâm phối hợp với các trường học trên địa bàn huyện tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng cho học sinh các cấp.
Đây là hoạt động ý nghĩa của Công an Gia Lâm trước tình trạng một số vụ mâu thuẫn, đánh nhau gây thương tích từ những nguyên nhân vụn vặt cũng như việc học sinh bị kẻ xấu tiếp xúc lừa gạt để thực hiện xâm hại xảy ra trên địa bàn huyện.
Theo Công an huyện Gia Lâm, trong 9 tháng đầu năm 2020 trên địa bàn huyện đã xảy ra 4 vụ liên quan đến việc đăng tải hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội facebook; mâu thuẫn, đánh nhau gây thương tích; vi phạm khi tham gia giao thông và học sinh bị xâm hại tình dục (bị người lạ lừa, hiếp dâm).
Tình trạng bạo lực học đường hiện nay có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. Vấn đề này trở thành vấn đề gây nhức nhối của ngành giáo dục và toàn xã hội.
Bạo lực học đường hiện nay đang trở thành điểm nóng đáng được quan tâm của nhiều phụ huynh, thầy cô và nhà trường, là nỗi trăn trở của toàn xã hội.
Bạo lực không phải là hiện tượng mới, xong thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra liên tục hơn trong các trường học bộc lộ tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.
Điều đáng lo ngại là lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội…
Ví dụ như vụ việc mới đây tại một trường THCS trên địa bàn, chỉ vì một "cái nhìn" mà các em học sinh nữ xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến hai gia đình căng thẳng.
Bên cạnh đó, hiện nay, học sinh sử dụng xe gắn máy, xe máy điện đi học rất nhiều.
Tại sao lại hay xảy ra tai nạn giao thông ở tuổi học trò
Tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông diễn ra phổ biến như: Chưa đủ tuổi điều khiển xe phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, vượt đèn đỏ, phóng nhanh, vượt ẩu, dàn hàng ngang, đèo quá số người…
Việc vi phạm khi tham gia giao thông của học sinh trước hết do các em chưa có ý thức tốt chấp hành pháp luật về giao thông, chưa nhận thức hết những nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Do đặc điểm tâm lý tuổi mới lớn, hiếu thắng, muốn chứng tỏ, một số học sinh còn đi độ xe, rồi đua xe, mà không biết mình đang vi phạm pháp luật.
Những lỗi vi phạm ATGT mà lứa tuổi học sinh hay mắc phải là đi xe và ngồi sau xe không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe không có giấy phép lái xe, dàn hàng trên đường, lạng lách đánh võng…
Học sinh đi xe thường gửi xe gắn máy bên ngoài, nên nhà trường cũng không thể can thiệp được. Một số trường hợp, học sinh bị lực lượng cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý, thì phụ huynh lại đến đóng phạt ngay dẫn đến học sinh đó coi thường việc mình đã làm.
Do đó, các hoạt động tuyên truyền này của Công an Gia Lâm nhằm làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm liên quan đến an ninh học đường trên địa bàn huyện.
Làm gì để tránh bạo lực
Nội dung mà Công an huyện này nhắm đến là phổ biến cho học sinh lưu ý khi sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội một cách khoa học, lành mạnh để tránh bị lợi dụng ở lứa tuổi học sinh.
Đồng thời, hướng các em có thêm cách ứng xử, kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường. Trong đó, đối với học sinh cần tích cực rèn luyện kĩ năng sống, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo; chấp hành tốt nội quy trường lớp; tránh xa bạo lực, nói không với bạo lực.
Nếu thấy hiện tượng bạo lực phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lí. Cần biết kiềm chế cảm xúc và tích cự tham gia vào các hoạt động tình nguyện mà nhà trường tổ chức nhằm tăng tính thiện và tính hướng thiện trong con người các em.
Không được cho người lạ đụng chạm cơ thể
Ngoài ra, hoạt động của Công an Gia Lâm còn hướng tới việc trang bị cho các em có thêm kiến thức, kỹ năng phòng chống nguy cơ bị xâm hại.
Công an huyện khuyến cáo học sinh không đi một mình hoặc hạn chế đi lại, hoạt động ở nơi vắng người, trời tối. Không ở trong phòng kín một mình với người lạ.
Không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do. Không đi nhờ xe người lạ, hoặc sử dụng ăn uống của người lạ đưa. Cần tỉnh táo nhận biết khi người lạ có hành động nghi vấn hoặc đụng chạm cơ thể.
Không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình. Đồng thời, cần có phản ứng phù hợp khi có người tùy tiện động chạm, sờ mó vào chỗ kín của cơ thể hoặc bất kỳ hành động thô lỗ nào với các em.
Cần ăn mặc phù hợp, không gần gũi quá mức với người lạ, kể cả những người thân họ hàng (trừ bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột của mình) .
Tin vào linh tính của bản thân khi thấy điều gì không bình thường cần cảnh giác và chủ động nghĩ cách phòng tránh để thoát ra khỏi tình huống đó.
Để phòng tránh các nguy cơ bị xâm hại tình dục, các em cần tỉnh táo nhận dạng những hành vi xấu như: ép trẻ uống bia, rượu, hút thuốc, sờ mó, vuốt ve bộ phận sinh dục của trẻ, rủ trẻ vào chỗ tối…
Khi thấy người lạ có biểu hiện nghi vấn, các em cần khéo léo ứng phó. Kiên quyết phản đối, có thể la hét, kêu khóc, cắn và kêu cứu hoặc tìm cách để chạy tới nơi đông người.
Trong trường hợp khẩn cấp, gọi đến số điện thoại của cha mẹ, người thân hoặc điện thoại khẩn cấp như 115, 113…để được Công an trợ giúp.