Con vẫn học online trong khi công ty yêu cầu quay trở lại làm việc, nhiều phụ huynh TP.HCM có quyết định bất ngờ

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Nhiều phụ huynh đang ở thế "tiến thoái lưỡng nan" khi con chưa được đến trường, trong khi công ty đã bắt đầu những ngày "bình thường mới".

"Bố mẹ đi làm hết, con để cho ai?"

Cách đây 5 ngày, chị Thanh Thủy (quận Phú Nhuận, TP.HCM), nhận được email thông báo đi làm lại vào ngày thứ 2 (4/10). "Mừng quá vì được trở lại những ngày bình thường, nhưng nghĩ tới hai đứa nhỏ không có ai chăm, hai vợ chồng lại đứng ngồi không yên". Ông bà thì ở quê, trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, tìm người trông con để yên tâm đi làm là điều không hề dễ. 

"Tiếc việc, vợ chồng mình đã tính đến phương án cho hai con ở nhà với nhau nhưng thực sự 8 tiếng đồng hồ "tự bơi" với hai đứa nhỏ mới 4 và 6 tuổi trong suốt nhiều tuần là không khả thi, phần sợ con ham chơi, phần lo con bất cẩn với các thiết bị điện. Dịch bệnh phức tạp, xe cộ chưa hoạt động nên ông bà cũng không thể từ quê lên đây. Mình đang cố gắng xin phép công ty cho tiếp tục làm việc tại nhà. Nếu không được, cùng lắm mình sẽ xin nghỉ việc không lương để ở nhà trông con", chị Thủy đưa ra phương án.

Con vẫn học online trong khi công ty yêu cầu quay trở lại làm việc, nhiều phụ huynh TP.HCM có quyết định bất ngờ - Ảnh 1.

Con chị Thủy năm nay học lớp 1.

Với các phụ huynh có con nhỏ, "ai trông con để đi làm" lại một lần nữa trở thành câu hỏi chưa có lời giải đáp. Nhiều phụ huynh cho rằng, họ chấp nhận tốn chi phí để có người chơi với con, tuy nhiên, an toàn sức khỏe mùa dịch mới là điều quan trọng. 

Bé Hiểu Quyên đang học online ở nhà.

Cũng như chị Thủy, phụ huynh bé Hiểu Quyên (Quận 3) cũng lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan vì công ty thông báo nhân viên quay lại cơ sở để làm việc khi thành phố nới lỏng giãn cách. Cuối tháng 8, công ty chồng và cơ quan chị yêu cầu làm việc luân phiên theo ngày chẵn lẻ nên hai người thay nhau ở nhà vừa làm việc, vừa chăm con. Từ ngày 1/10 đến nay đi làm đủ cả tuần, chị phải gửi hai con ở nhà em gái, nhưng được 3 ngày thì cô em gái cũng phải đi làm. 

Hai vợ chồng đăng tin tìm người trông trẻ trên hội tuyển dụng, nhưng sau đó lại xóa đi vì lo chuyện sức khỏe. Trên thực tế, người giúp việc đến nhà hay phụ huynh gửi bé ở nhà người trông trẻ đều cần đảm bảo phòng chống dịch và an toàn thực phẩm, mà những vấn đề này có kĩ đến mấy cũng có phần... hên xui. "Nếu tình hình học online kéo dài, chắc bố mẹ phải xin nghỉ làm luân phiên để trông con và hỗ trợ con học. Thu nhập là một chuyện nhưng không thể vì thế mà mình đánh đổi bằng sự an toàn cho các con được", chị nói.

Để con ở nhà, trăm nỗi lo chung

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng lo lắng, không biết ba, mẹ phải đi làm thì ai sẽ hướng dẫn các bé học, nhất là các bé học lớp 1, khi hiện nay hầu hết phụ huynh đang phải kèm 1-1. Khi hai vợ chồng đều đi làm, mang theo máy tính, điện thoại, con cái sẽ không có thiết bị học online. Còn nếu nhà trường cho các con đi học trực tiếp, khi các con chưa được chích ngừa vắc xin COVID-19 lỡ lây bệnh thì sao? 

Con vẫn học online trong khi công ty yêu cầu quay trở lại làm việc, nhiều phụ huynh TP.HCM có quyết định bất ngờ - Ảnh 3.

Trường hợp bất đắc dĩ phải để con ở một mình, bố mẹ chắc chắn sẽ phải trang bị các kỹ năng cần thiết để con tự bảo vệ mình, phòng chống giật điện, cháy nổ.

Trước tình trạng rối như tơ vò, giải pháp của anh Sơn, phụ huynh bé Kitty là vợ chồng luân phiên đưa con lên cơ quan và dặn con giữ trật tự, cấm ồn ào. "Hết cách mình mới phải làm thế này. Hơi bất tiện nhưng nó thỏa mãn cả hai điều kiện, bố mẹ vẫn làm việc mà vẫn giám sát được con. Chắc là cũng sẽ không được lâu nhưng giờ được ngày nào tốt ngày ấy", anh chia sẻ.

Ông bố này cho biết thêm, nếu tháng 11 học sinh vẫn chưa được trở lại trường, gia đình sẽ phải lắp camera ở nhà để đồng hành cùng con. Con gái 8 tuổi, có thể thực hiện các thao tác cơ bản như bật tắt mic, chủ động nghe giảng và làm bài: "Trường hợp bất đắc dĩ phải để con ở một mình, bố mẹ chắc chắn sẽ phải trang bị các kỹ năng cần thiết để con tự bảo vệ mình, phòng chống giật điện, cháy nổ", anh nói.

Chia sẻ