Con trai viết văn tả mẹ nhưng lại nói dối một chuyện to đùng, phụ huynh đọc xong vừa đau lòng vừa ân hận
Chỉ vì hành động này của người mẹ đã khiến con trai cảm thấy tự ti.
Tìm ra phương pháp dạy con đúng đắn và phù hợp chưa bao giờ là dễ dàng đối với các bậc phụ huynh. Mỗi đứa trẻ đều có một thế giới riêng, với những suy nghĩ, cảm xúc và mong muốn khác nhau. Đôi khi điều cha mẹ cho là tốt nhất lại trở thành rào cản, vô tình đẩy con cái xa cách và gây ra những ảnh hưởng không mong muốn.
Mới đây, một người mẹ đã chia sẻ câu chuyện của gia đình mình lên một hội nhóm phụ huynh. Theo đó, trong một lần vô tình xem bài kiểm tra văn miêu tả của con, người mẹ bất ngờ khi thấy con không hề viết đúng sự thật về mẹ và công việc mẹ đang làm. Sự thật đằng sau khiến phụ huynh vô cùng băn khoăn.
Được biết, nữ phụ huynh này có công việc kinh doanh ở nhà là làm bánh và con trai của cô hiện đang học cấp 1. Khi đọc bài văn và thấy con tả mẹ mình là bác sĩ, cô tò mò lý do nhưng con không trả lời. Sau một hồi thủ thỉ hỏi con cảm thấy xấu hổ về mẹ à, cậu bé mới lưỡng lự gật đầu. Phụ huynh này nghe vậy thì rất đau lòng, chị vừa trách con vô ơn nhưng thâm tâm lại rất ân hận và thắc mắc liệu mình đã dạy con sai cách.
Theo lời chia sẻ của chị, dù kinh tế gia đình không mấy khá giả nhưng phụ huynh này chưa bao giờ để con thiếu thốn gì so với các bạn. Chị cũng luôn dạy con phải biết tiết kiệm và biết ơn. Mỗi lần con đòi mua đồ chơi hay đồ dùng ko phục vụ học tập, chị thường không đáp ứng luôn mà hẹn con là tới dịp gì đó đặc biệt hoặc con đạt được thành tích hay việc gì đó tốt mẹ sẽ thưởng, nay mẹ chưa có tiền. Hoặc khi mua món đồ đắt, người mẹ sẽ quy ra bao nhiêu ngày làm việc của bố mẹ, quy ra bán được bao nhiêu hàng mới mua đc thứ đó. Thi thoảng, người mẹ này cũng tâm sự với con về việc bán hàng nay ế ra làm sao, hay kiếm được bao nhiêu để con thấy được rằng bố mẹ kiếm tiền không hề dễ dàng và con nên biết cách tiêu tiền cho đúng.
Thế nhưng, có vẻ như phương pháp dạy con này của phụ huynh lại trở thành con dao hai lưỡi không những không khiến đứa trẻ hiểu và phát triển theo hướng tích cực, mà ngược lại đã tạo áp lực lên đứa trẻ, khiến đứa trẻ cảm thấy vô cùng tự ti và xấu hổ. Và dường như cũng chính điều này đã vô hình trung góp phần đẩy đứa trẻ đến tâm lý ghen tị với những bạn cùng lớp có bố mẹ khá giả hơn và không dám công nhận nghề nghiệp mà mẹ đang làm.
Bên dưới phần bình luận, rất nhiều cha mẹ khác đã bày tỏ quan điểm riêng của mình và đưa ra lời góp ý cho người mẹ:
- Đừng than vãn về công việc của mình, nó sẽ gây áp lực cho trẻ con. Bạn chẳng tự hào về chính công việc của bạn thì trẻ con làm sao nó tự hào được.
- Bé mới ở cấp 1, độ tuổi mà cách ứng xử tư duy phần lớn là từ bản năng, bé nào ít nhiều cũng sẽ thấy ngưỡng mộ những bé có bố mẹ làm các công việc "Có tên, có vị trí" vì đó là bản năng của con người. Bạn là một người trưởng thành, tư duy suy nghĩ của bạn khác với tư duy suy nghĩ của con bạn - một đứa trẻ cấp 1! Có khi nó còn chưa hiểu rõ vô ơn là gì! Thái độ của bạn với con sau khi đọc bài con viết, lại càng củng cố thêm sự tiêu cực trong suy nghĩ của con về bạn và công việc của bạn! Thay vào đó nếu tươi cười hỏi con lý do tại sao con lại thích mẹ làm nghề bác sĩ chứ ko phải các nghề khác. Bạn sẽ có cơ hội bất ngờ vì những quan điểm tư duy "bản năng" mà con đưa ra!
- Mình hiểu là các mẹ muốn dạy con biết quý trọng lao động và biết thương cho sự vất vả của bố mẹ, nhưng mỗi đứa trẻ lại tiếp nhận những thông tin này ở 1 hướng khác nhau. Nuôi con trẻ bây giờ thật khó và mình cũng không biết khuyên bạn như thế nào. Chỉ biết là trẻ bây giờ rất khôn và nó rất hay so sánh, để ý. Vậy nên những gì con chia sẻ mình đừng vội đánh giá vô ơn, mình cũng coi đó là động lực để bố mẹ phải sống 1 đời rực rỡ, cho con nhìn vào và tự hào về mình ạ.
- Mình đọc bình luận xong thì có nghĩ khác với mọi người một chút. Mình đồng ý những gì bạn đang dạy con, dạy con biết ơn những gì đang có, dạy con hiểu và thương bố mẹ, dạy con biết lựa cơm gắp mắm không đua đòi. Chứ xã hội bây giờ nhiều người thấy con người ta có cái này cũng phải cố đủ cách để đáp ứng cho con, nhưng chúng nó ngoài đòi hỏi ra chẳng hiểu được vì đâu mà có được. Và vì thế mới xảy ra nhiều trường hợp con cái báo cha báo mẹ, thậm chí vi phạm pháp luật đó. Tính cách con trẻ còn nông nổi nên bạn đừng nản lòng, cứ kiên nhẫn và cởi mở dạy con sau này con sẽ thấy những gì bạn dạy cho con là xứng đáng.
Một số nguyên tắc dạy con đúng cách cha mẹ nên lưu ý
1. Cho con cảm thấy luôn được yêu thương
Để con luôn cảm thấy tự tin, hãy dành thời gian lắng nghe con chia sẻ về những niềm vui, nỗi buồn, những suy nghĩ ngây thơ của tuổi thơ. Mỗi lời khen ngợi chân thành, mỗi cái ôm ấm áp đều là những viên gạch xây nên tình yêu thương vững chắc giữa cha mẹ và con cái. Hãy trở thành người bạn đồng hành, để con biết rằng dù có chuyện gì xảy ra, bố mẹ luôn ở bên cạnh.
2. Bố mẹ là tấm gương để con noi theo
Con cái luôn dõi theo và học hỏi từ những người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ. Hãy trở thành hình mẫu lý tưởng mà con luôn ngưỡng mộ. Khi bạn tự tin bước đi trên con đường của mình, con cũng sẽ tự tin khám phá thế giới. Hãy để con thấy rằng, cuộc sống là một hành trình thú vị và mỗi người đều có những giá trị riêng.
3. Dạy con những điều phù hợp với lứa tuổi
Dạy con những điều phù hợp với lứa tuổi là một hành trình đồng hành cùng con lớn lên. Thay vì đặt quá nhiều áp lực lên con, cha mẹ hãy tạo một môi trường học tập an toàn và vui vẻ, nơi con được tự do khám phá và phát triển. Việc lắng nghe, tôn trọng ý kiến của con và dạy con về các giá trị sống sẽ giúp con trở thành những người tự tin, sáng tạo và có ích cho xã hội.
4. Khuyến khích con nhìn nhận vấn đề ở vị trí của người khác
Khi biết đặt mình vào vị trí của người khác, trẻ sẽ hiểu được giá trị của sự chia sẻ, sự quan tâm và lòng tốt. Đồng cảm không chỉ giúp trẻ xây dựng những mối quan hệ xã hội lành mạnh mà còn giúp trẻ trở thành một người có trái tim nhân hậu. Đồng thời, trẻ cũng sẽ biết trân trọng và biết ơn những gì mình đang có.
5. Hãy luôn kiên nhẫn và đừng bỏ cuộc
Việc nuôi dạy con là một hành trình dài hơi. Mỗi đứa trẻ đều có một tốc độ phát triển riêng. Việc thúc ép con đạt được những mục tiêu quá sớm có thể gây ra áp lực không cần thiết, đôi khi còn là con dao hai lưỡi ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và cảm xúc của trẻ. Thay vào đó, cha mẹ hãy kiên nhẫn đồng hành cùng con, tạo ra một môi trường an toàn và khuyến khích con khám phá thế giới xung quanh để có thể phát triển một cách toàn diện nhất.
Tổng hợp