Con trai học lớp 3 vẫn tè dầm mà mẹ lại xin lỗi rối rít, nhưng hiểu nội tình câu chuyện thì ai cũng phải phục lăn

ĐX,
Chia sẻ

Sau lời xin lỗi còn bị con chất vấn thêm hàng chục câu hỏi "luận tội" nữa, bà mẹ vẫn kiên nhẫn xin lỗi mà không có bất cứ lời trách móc nào. Điều này khiến nhiều người ngạc nhiên nếu không biết câu chuyện đằng sau đó...

Một bài viết của một bà mẹ kể chuyện con mình dù học lớp 3 nhưng buổi sáng vẫn tè dầm. Theo suy nghĩ của nhiều người thì ắt hẳn là các bà mẹ sẽ cáu lắm và mắng: Lớn đùng ra rồi mà vẫn còn tè dầm, Con nhà người ta đã biết nấu cơm cho mẹ rồi kìa...

Nhưng không, mẩu hội thoại của bà mẹ với con khi cậu bé tè dầm lại hoàn toàn ngược lại. Người xin lỗi không phải là cậu bé mà lại là bà mẹ trong câu chuyện ấy, còn cậu bé thì liên tục hỏi mẹ rằng: Mẹ xin lỗi chưa, mẹ biết lỗi chưa... Còn mẹ thì rất ôn tồn và kiên nhẫn rằng: Mẹ biết lỗi rồi, mẹ sai rồi, mẹ xin lỗi...

Con trai học lớp 3 buổi sáng tè dầm mà mẹ vẫn phải xin lỗi rối rít, nhưng hiểu câu chuyện thì ai cũng phải phục lăn bà mẹ - Ảnh 1.

Cậu con trai liên tục hỏi mẹ rằng: "Mẹ xin lỗi chưa, mẹ biết lỗi chưa...".

Câu chuyện được kể như sau:

"10 rưỡi sáng, Ong mở mắt thấy mẹ nằm ườn bên cạnh ngắm chàng:

- Mẹ có ngửi thấy mùi gì không?

- Không, mùi gì con?

- Mùi... nước tè của con.

Mẹ tất tả lật chăn mỏng ra, thấy quần chàng và ga phủ đệm đổi màu:

- Chắc là tại tối qua mẹ order sữa tươi trân châu đường đen muộn quá đấy mà!

Nó bắt đầu nhăn nhó và tuôn một tràng luận công luận tội rất đúng chất “vip”:

- Đấy có phải lỗi của mẹ không? - Có.

- Mẹ thấy sai chưa? - Mẹ thấy sai rồi.

- Mẹ đã nhận lỗi chưa mẹ? - Mẹ xin nhận lỗi!

(Thay quần áo xong, nghĩ mấy phút, lại tiếp)

- Vì sao mẹ lại làm cho con tè dầm thế? Mẹ không được mua trà sữa khi buổi tối nhớ chưa! Mẹ phải mua trà sữa khi buổi sáng! - Ừ, mẹ nhớ rồi! Mẹ đã xin lỗi rồi mà.

VIP trong sáng, trung thực và rất nguyên tắc, cứng nhắc. Một khi VIP đã quan tâm, tập trung vào vấn đề gì thì sẽ rất lâu mới dứt ra được, nên nếu người thân, thầy cô thiếu kiên nhẫn hẳn sẽ dễ nổi khùng.

Sau 6 năm can thiệp, ngôn ngữ của Ong khá tốt rồi, nên mẹ đỡ “khùng”. Mình biết có những bạn VIP hỏi đi hỏi lại 1 câu 50 lần, mẹ bạn vẫn kiên nhẫn trả lời, để thấy làm mẹ VIP là cơ hội học và tập “thiền” ở đẳng cấp cao nhất rồi".

Người mới đọc còn ngạc nhiên, nhưng với ai đã quen với cặp mẹ con này thì sẽ hiểu được câu chuyện đằng sau.

Bà mẹ trong câu chuyện đó là chị Bạch Thùy Linh và cậu bé lớp 3 chính là bé Ong. Chuyện về hành trình lớn lên cùng cậu con tự kỷ tên thân mật gọi ở nhà là Ong được mẹ Linh thường xuyên chia sẻ đã từng khiến nhiều người khâm phục bà mẹ đặc biệt này.

Con trai học lớp 3 buổi sáng tè dầm mà mẹ vẫn phải xin lỗi rối rít, nhưng hiểu câu chuyện thì ai cũng phải phục lăn bà mẹ - Ảnh 2.

Vợ chồng chị Bạch Thùy Linh và cậu bé Ong.

Mẹ Linh đã rất kiên nhẫn trong suốt quá trình cùng Ong lớn lên và làm mọi điều tốt nhất cho con mình.  Và đây chỉ là 1 câu chuyện trong chuỗi câu chuyện của Ong, một cậu bé mắc hội chứng tự kỷ.

Bản thân trẻ tự kỷ sẽ tự chủ vệ sinh kém hơn nên việc Ong trách mẹ cho cậu uống trà sữa buổi đêm không có gì sai. Và mẹ chủ động nhận lỗi, xin lỗi, thậm chí kiên trì đáp lời truy vấn của Ong đến cùng cũng là điều dễ hiểu.

Như thế, để cho thấy các bà mẹ tự kỷ phải có độ kiên nhẫn và thấu hiểu rất cao như thế nào. Thậm chí, trong câu chuyện này mẹ còn có phần tự hào vì khả năng truy vấn vấn đề của Ong đã đạt được đến trình cao hơn, đấy cũng là sự tiến bộ về tư duy ngôn ngữ của Ong.

Với 1 bà mẹ bình thường, nghe câu chuyện trên có thể khiến họ mất kiên nhẫn, nhưng mẹ của 1 đứa trẻ tự kỷ thì không được cho phép mình thiếu kiên nhẫn và thấu hiểu.

Đặc biệt nữa, những đứa trẻ tự kỷ còn có những suy nghĩ cực kỳ trong sáng, không biết nói bóng nói gió, nói sai hay đùa cợt, vì thế mẹ Linh mới nói: "VIP trong sáng, trung thực và rất nguyên tắc, cứng nhắc. Một khi VIP đã quan tâm, tập trung vào vấn đề gì thì sẽ rất lâu mới dứt ra được, nên nếu người thân, thầy cô thiếu kiên nhẫn hẳn sẽ dễ nổi khùng" (VIP là từ để ông bà, cha mẹ chỉ con (cháu) mắc hội chứng tự kỷ trong nhà).

Qua câu chuyện trên mẹ Ong đã chia sẻ để những bà mẹ có hoàn cảnh như mình thêm kiến thức và sự đồng cảm. Đặc biệt cho những bậc cha mẹ khác chưa hiểu về trẻ tự kỷ có thêm thông tin, có cái nhìn thấu hiểu, biết kiên nhẫn và bao dung hơn với những đứa trẻ dù là bình thường hay trẻ tự kỷ đang mỗi ngày một lớn lên.

Chia sẻ