Con trai gửi tin nhắn cho người cha đã khuất, bất ngờ nhận được hồi âm: Câu chuyện đằng sau quá cảm động

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Mặc dù thế giới này có thể đầy rẫy những điều đau đớn, nhưng thật may mắn là tình yêu vẫn còn tồn tại.

Vào ngày 26 tháng 3 năm 2023, một nam sinh ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) đã gửi tin nhắn cho người cha đã mất ba năm trước và bất ngờ nhận được câu trả lời.

Đứa con này gặp khó khăn trong kỳ thi thạc sĩ và trong tâm trạng buồn bã, rất nhớ cha đã qua đời ba năm trước. Vì vậy, cậu đã gửi một tin nhắn đến số điện thoại cũ của cha và nhận được sự động viên từ một người lạ.

Theo lời anh Cao, người nhận tin nhắn, lúc đầu anh định bỏ qua vì nghĩ rằng đây là tin gửi nhầm. Nhưng sau đó anh nhận ra có lẽ người con này đang rất cần sự khích lệ: "Cậu ấy muốn gửi cho cha mình, nhưng tôi cảm thấy cha của cậu ấy đã không còn nữa. Có thể cậu hiện tại đang gặp khó khăn và cần sự động viên".

Sau khi suy nghĩ kỹ, anh Cao quyết định trả lời tin nhắn, hy vọng có thể nói lời khích lệ, giống như người cha đang giúp con mình lấy lại niềm tin và vượt qua khó khăn.

Khi đứa con nhận được phản hồi từ "cha", cậu không thể kiềm chế được cảm xúc và đã cảm ơn anh Cao, nói rằng sẽ không làm phiền nữa và cậu đã "rơi nước mắt".

Cảnh tượng ấm lòng này thực sự khiến ai nấy cảm động.

Con trai gửi tin nhắn cho người cha đã khuất, bất ngờ nhận được hồi âm: Câu chuyện đằng sau quá cảm động - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Mặc dù thế giới này có thể đầy rẫy những điều đau đớn, nhưng thật may mắn là tình yêu vẫn còn tồn tại.

Tuy nhiên, một vấn đề thực tế trong quá trình trưởng thành của trẻ, sự chia ly là điều không thể tránh khỏi. Đôi khi đó là mất đi món đồ yêu thích, thú cưng mà trẻ đã gắn bó hàng ngày hoặc mất đi những người thân yêu nhất.

Là cha mẹ, chúng ta nên làm thế nào để giúp trẻ đối mặt với cái chết và sự chia ly, và làm thế nào để trẻ trở nên mạnh mẽ hơn khi đối mặt với những cú sốc này?

Đừng tránh né cái chết khi nói với trẻ

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng đối với trẻ nhỏ, cái chủ đề về cái chết là quá nặng nề và khó hiểu. Vì vậy, khi nói về cái chết, nhiều cha mẹ thường sử dụng những mô tả trừu tượng và tiêu cực, khiến trẻ cảm thấy sợ hãi và nghĩ rằng cái chết là điều cần phải tránh.

Tuy nhiên, sự thật lại khác.

Tiến sĩ Giáo dục Đài Loan Zhang Shumei đã viết trong sách của mình rằng: Trẻ em từ khoảng 4 tuổi đã bắt đầu có khái niệm về cái chết, nếu không được cha mẹ hoặc thầy cô hướng dẫn đúng đắn, trẻ rất dễ có sự hiểu biết sai lệch, dẫn đến những cảm xúc tiêu cực và ảnh hưởng cả đời.

Sự dũng cảm và mạnh mẽ thực sự chỉ có thể bắt nguồn từ sự hiểu biết đúng đắn. Vì vậy, chúng ta không cần phải tránh nói về cái chết với trẻ. Thực ra, đây có thể là cơ hội tuyệt vời để giáo dục trẻ về sự sống và cái chết.

Một người kể: "Gia đình tôi từng nuôi một chú chó, khi đứa con của tôi ra đời, chú chó đã hơn 7 tuổi. Theo thời gian, đứa trẻ lớn lên và chú chó cũng dần già đi, cả hai đã cùng nhau trải qua nhiều khoảnh khắc tuyệt vời. Khi đứa trẻ lên 6 tuổi, chú chó 13 tuổi, không còn như xưa. Rõ ràng, chú chó đang dần đi đến cuối cuộc đời.

Vậy làm thế nào để giải thích cho một đứa trẻ 6 tuổi hiểu về cái chết và biết rằng "người bạn" gần gũi mỗi ngày, giờ đây sẽ phải ra đi?

Vào đêm chú chó qua đời, đứa trẻ khóc nức nở, la hét giận dữ, cảm thấy rất đau buồn. Tôi vẫn nói với con rằng, chúng ta cần phải chấp nhận thực tế, đó là quy luật tự nhiên, là "số phận" của tất cả sự sống. Chúng ta có thể buồn nhưng cuối cùng phải chấp nhận.

Có thể tưởng tượng được, đứa trẻ vẫn rất buồn, nhưng cuối cùng, nó cũng từ từ vượt qua được. Nó đặt những bức ảnh chụp cùng chú chó trên đầu giường, và trong suốt một thời gian dài, mỗi đêm trước khi ngủ, con đều ôm những bức ảnh đó vào lòng.

Có lẽ sự chia ly đột ngột thực sự khiến đứa trẻ không kịp chuẩn bị, nhưng đó cũng là một cơ hội để trưởng thành, giúp trẻ trân trọng hơn cuộc sống và tình bạn".

Chúng ta nên làm gì để hướng dẫn trẻ đối mặt với cái chết?

Trước khi hướng dẫn trẻ về cái chết, chúng ta cần phải suy nghĩ kỹ về vấn đề này: Làm thế nào để giải thích cho trẻ về một khái niệm sâu sắc như cái chết? Nhà tâm lý học Mariana Gi đã thực hiện nghiên cứu với 378 trẻ em và phát hiện rằng, khả năng hiểu về cái chết của trẻ em ở các độ tuổi khác nhau là khác nhau:

Trẻ em từ 3 - 5 tuổi có xu hướng phủ nhận cái chết là sự kết thúc của cuộc sống. Chúng thường nghĩ rằng người chết sẽ quay lại. Trẻ em từ 5 - 9 tuổi có thể hiểu rằng cái chết là sự kết thúc, nhưng chúng vẫn nghĩ rằng chỉ cần nắm được một số "bí quyết", cái chết có thể tránh được. Trẻ em trên 9 tuổi cuối cùng sẽ hiểu được bản chất của cái chết, nhận ra đó là điểm kết thúc của cuộc sống và bản thân chúng cũng không ngoại lệ.

Vì vậy, khi giải thích về "cái chết", nếu trẻ còn nhỏ, chúng ta không cần quá sâu sắc và toàn diện. Chúng ta chỉ cần thẳng thắn đối diện với sự thật, không lừa dối hay né tránh, nói với trẻ rằng cái chết có nghĩa là sự biến mất, là một cuộc chia ly vĩnh viễn, như vậy là đủ.

Tiếp theo, khi trẻ phải đối mặt với sự chia ly đột ngột, điều mà trẻ thực sự cần là sự quan tâm, tình yêu thương, và sự an ủi chân thành.

Không thể phủ nhận, cái chết của người thân quả thực sẽ mang lại nỗi đau quá lớn đến mức trẻ em khó có thể chấp nhận.

Con người sẽ ra đi, nhưng tình yêu vẫn tồn tại mãi mãi. Nếu chúng ta có thể dành cho trẻ một tình yêu vô bờ bến, và khiến trẻ tin rằng người thân đã ra đi sẽ luôn yêu thương mình, thì trẻ sẽ có khả năng vượt qua nỗi đau của sự chia ly và tiếp tục bước đi mạnh mẽ.

Về cái chết, một nhà văn đã nói: "Cái chết không phải là việc mất đi sự sống, mà là bước ra khỏi dòng thời gian". Trẻ em trong quá trình trưởng thành sẽ phải đối mặt với sự chia ly, dù sớm hay muộn. Là phụ huynh, nhiệm vụ của chúng ta là hướng dẫn trẻ đối diện với cái chết một cách tích cực.

Cái chết, thực sự không đáng sợ.

Chia sẻ