Cơn thịnh nộ của nước: Siêu đập Tam Hiệp xả lũ 11 cửa, người dân than 'như cá nằm trên thớt'
Mưa lớn kéo dài khiến mực nước tại đập Tam Hiệp lên cao kỷ lục, buộc nhà chức trách phải xả lũ 11 cửa. Quyết định bất khả kháng này khiến hàng triệu người dân hạ lưu ở trong tình thế "ngồi trên đống lửa".
Người dân sống dọc sông Dương Tử, đặc biệt là khu vực tỉnh Hồ Bắc, đang phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng sau khi đập Tam Hiệp xả lũ 11 cửa.
Hình ảnh dòng nước cuồn cuộn khiến bất kỳ ai chứng kiến cũng phải choáng ngợp. Quyết định xả lũ được đưa ra trong bối cảnh mực nước tại hồ chứa Tam Hiệp đã lên đến mức báo động, đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của con đập lớn nhất thế giới này.
Bà Vương, ở Kinh Châu, Hồ Bắc, bức xúc: "Nghe nói họ mở 11 cửa xả lũ, người dân hạ du chúng tôi giờ như cá nằm trên thớt, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ".
Từ đầu tháng 5/2024, trong mùa bão lũ năm 2024, Trung Quốc cũng đã ra cảnh báo lũ lụt nghiêm trọng ở trung và hạ lưu sông Dương Tử.
Bài toán nan giải của siêu đập Tam Hiệp
Việc xả lũ Tam Hiệp luôn là bài toán nan giải. Nếu không xả, nguy cơ vỡ đập là rất lớn, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân vùng thượng du. Nhưng khi xả lũ, người dân hạ du lại phải gánh chịu hậu quả. Những ngày qua, mưa lớn liên tục tại thượng nguồn sông Dương Tử khiến mực nước tại hồ chứa Tam Hiệp tăng cao nhanh chóng.
Các kỹ sư của đập Tam Hiệp đang phải đối mặt với áp lực cực lớn. "Mực nước dâng lên quá nhanh, nếu không xả lũ, đập sẽ không chịu được mất", một kỹ sư cho biết.
Tất yếu, thông tin xả lũ khiến người dân hạ du như ngồi trên đống lửa. Nhiều người ở Kinh Châu và Sa Thị (đều thuộc tỉnh Hồ Bắc) thậm chí còn chưa kịp thu dọn đồ đạc đã phải di tản lên vùng cao.
Mực nước sông tại khu vực Sa Thị, Kinh Châu đang tiến gần đến mốc lịch sử 41 mét. Trong khi đó, tại Trùng Khánh, mực nước sông tại bến cảng Triều Thiên Môn cũng đang ở mức báo động. Nguy cơ nước lũ tác động tiêu cực đến bến cảng lịch sử này là rất lớn. Để cứu Trùng Khánh, các kỹ sư đập Tam Hiệp buộc phải lựa chọn xả lũ, bất chấp những thiệt hại mà người dân hạ du phải gánh chịu.
Tình trạng ngập úng nghiêm trọng đã xuất hiện tại nhiều khu vực ở tỉnh Hồ Bắc. Tại thành phố Tương Dương, nước mưa không thoát kịp đã tràn ngược vào hệ thống cống thoát nước, khiến nhiều tuyến đường biến thành sông. Người dân bất lực nhìn tài sản chìm trong biển nước.
"Giờ thì thành phố biến thành biển rồi, chúng tôi sống như rùa trong hang vậy", một người dân ngao ngán.
Với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, công tác dự báo lũ lụt hiện nay đã có nhiều tiến bộ. Hệ thống quan trắc được lắp đặt dọc theo sông Dương Tử có thể nhanh chóng phát hiện những thay đổi bất thường của mực nước và đưa ra cảnh báo kịp thời. Tuy nhiên, ngay cả công nghệ tiên tiến nhất cũng không thể chống đỡ được sức mạnh của thiên nhiên.
"Mưa lớn tại thượng nguồn vẫn tiếp diễn, nếu tình hình này tiếp tục, e rằng ngay cả đập Tam Hiệp cũng sẽ trở thành một cái bồn tắm khổng lồ", một chuyên gia lo ngại.
Dọc bờ kè khu vực Sa Thị, Kinh Châu, lực lượng chức năng đang khẩn trương gia cố đê điều, dựng lều trại để ứng phó với tình hình mưa lũ. Hình ảnh người dân khẩn trương di dời tài sản lên vùng cao, ánh mắt thẫn thờ nhìn về phía dòng nước cuồn cuộn, khiến ai nấy đều không khỏi xót xa.
Tác giả bài báo nhận định, trong câu chuyện "dở khóc dở cười" này, có lẽ những người "ngoài cuộc" như chúng ta là may mắn nhất. Hãy thử tưởng tượng, hàng triệu người dân hạ du đang phải sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu, đêm ngủ cũng không yên giấc vì sợ nước lũ ập đến.
Tuy nhiên, thay vì than trách, chúng ta nên nhìn nhận sự việc một cách khách quan và có trách nhiệm hơn. Nếu không có đập Tam Hiệp, có lẽ tình hình lũ lụt tại thượng nguồn sông Dương Tử còn kinh khủng hơn rất nhiều. Công trình vĩ đại này đã giúp điều tiết lũ, giảm thiểu thiệt hại cho hàng triệu người dân.
Bài học mà chúng ta rút ra từ sự kiện xả lũ Tam Hiệp, đó là con người dù có tài giỏi đến đâu cũng không thể chiến thắng được tự nhiên. Hãy học cách chung sống hòa bình với thiên nhiên.
Cho đến nay, siêu đập Tam Hiệp của Trung Quốc là đập lớn nhất thế giới. Với kinh phí xây dựng lên đến 28,6 tỷ USD, qua gần 2 thập kỷ xây dựng, đập Tam Hiệp chính thức đi vào hoạt động năm 2006.
Con đập này được xem là công trình xây dựng thách thức bậc nhất thế giới vì nó chặn dòng sông Dương Tử - con sông dài nhất châu Á và dài thứ 3 thế giới.