Con thác đẹp hơn tranh vẽ ẩn sâu trong rừng, đường dẫn vào trắc trở không phải ai cũng dám đi

Dương Dương,
Chia sẻ

Nếu những ai từng tham gia hành trình trekking đỉnh Nhìu Cồ San, chắc chắn từng ghé qua con thác mang tên Ong Chúa này.

Núi rừng miền Bắc Việt Nam nói chung, hay Tây Bắc nói riêng luôn ẩn chứa những cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ và độc đáo. Không phải ngẫu nhiên mà nơi này thường xuyên được các du khách trong và ngoài nước săn đón, là điểm đến mà bất kỳ ai đam mê khám phá cũng nhất định muốn đặt chân tới nhiều hơn một lần trong đời. 

Gần đây, đoạn clip đang lên xu hướng TikTok của một blogger, chia sẻ hành trình chinh phục một ngọn thác khiến ai nấy trầm trồ. Nhiều người không khỏi choáng ngợp trước độ hoành tráng, vẻ đẹp vô thực của khung cảnh, một số khác bày tỏ muốn được tới ngay lập tức. 

"Thác tiên" ẩn sâu trong rừng

Ngọn thác xa lạ với nhiều người bởi nó nằm ở vị trí khá hiểm trở, ngoài người dân địa phương thì dường như chỉ có dân phượt, trekking mới biết tới. Từ chia sẻ của chủ nhân đoạn clip và những thông tin chúng tôi tìm hiểu được, thác Ong Chúa nằm trên địa phận Sàng Ma Sáo, Bát Xát, Lào Cai.

Theo ghi chép, sở dĩ có tên Ong Chúa là bởi trước đây trên vách đá cheo leo có những tổ ong khổng lồ. Tuy nhiên, nguồn gốc của tên gọi này vẫn còn là một bí ẩn. 

Đoạn clip lên xu hướng TikTok. Nguồn: @mingo_1601

Để đến được thác Ong Chúa, từ Mường Hum, du khách sẽ phải vượt qua một đoạn đường dài khoảng 7km, tới thôn Nhìu Cồ San, với cung đường đầy khó khăn trắc trở. Mặc dù người dân nơi đây đã chung sức tạo nên con đường bằng đá, song, vẫn còn nhiều đoạn lầy lội, trơn trượt và dốc đá lởm chởm. 

Từ thôn Nhìu Cồ San tới chân thác Ong Chúa, tuy không quá xa nhưng phải tốn tới gần 2 tiếng. Men theo con suối dọc thôn Nhìu Cồ San. Kế đó là hành trình băng rừng, đi qua những vạt rừng hoang sơ. Mặc dù chặng đường đầy gian nan, nhưng được đi giữa thiên nhiên bao la, tách biệt với cuộc sống ngoài kia, mang lại cho người ta cảm giác thư thái, quên đi những muộn phiền. 

Khi nghe thấy tiếng nước chảy ngày càng lớn, là lúc đang đến gần với thác Ong Chúa. Ngẩng mặt lên, ngắm con thác vắt ngang qua đỉnh núi, cả thiên nhiên, đất trời thu vào tầm mắt. Dòng nước ào ào đổ xuống từ những vách núi cao hàng trăm mét, tung bọt trắng xóa, mát rượi. Tiếng nước rền vang, hòa cùng tiếng xào xạc của rừng cây và chim muông, tạo nên bản nhạc đặc trưng của núi rừng. 

Ảnh: @hathanhtuyenn, @oanh2705

Một trong những địa điểm đáng trải nghiệm nhất ở Tây Bắc

Trong hành trình khám phá thác Ong Chúa, du khách có thể tham gia các hoạt động như trekking đỉnh Nhìu Cồ San, tắm thác, tắm suối nước nóng và hòa mình vào cuộc sống, văn hóa của người bản địa. 

Nếu đang trên hành trình trekking đỉnh Nhìu Cồ San, thác Ong Chúa mới là chặng đầu tiên. Để đến với đỉnh núi cao thứ 8 Việt Nam này, du khách còn một chặng đường dài hơn 10km, tốn khoảng 4 tiếng. Khi lên đỉnh, ta sẽ được ngắm nhìn toàn cảnh núi rừng từ độ cao 2956m so với mực nước biển, chiêm ngưỡng khu "rừng thủy tinh" và khu rừng ôn đới tuyệt đẹp. 

Đỉnh Nhìu Cồ San. Ảnh: Nguyễn Thị Bích Vân, Hồ Lan Anh

Hoặc nếu không trekking đỉnh Nhìu Cồ San, sau khi chiêm ngưỡng thác Ong Chúa, du khách có thể thả mình vào dòng nước mát lành ngay dưới chân con thác, sau đó quay ra bằng con đường ban đầu. Tại thôn Nhìu Cồ San, ta có thể tìm đến những suối nước nóng tự nhiên để thư giãn sau công cuộc leo núi, ngắm thác. Thêm nữa là thưởng thức những món ăn đặc sản của người dân vùng cao, hòa mình vào cuộc sống của họ với những món ăn như cơm lam, gà tiềm thuốc bắc, lợn cắp nách, cá suối nướng tre...

Bản Nhìu Cồ San. Ảnh: @linhthocam, @iamvitax

Thời tiết tại thác Ong Chúa có thể thay đổi theo từng mùa và từng thời điểm. Theo kinh nghiệm của nhiều người, thời điểm lý tưởng nhất để chinh phục thác Ong Chúa là từ tháng 1 đến tháng 5. Lúc này, đường đi khô ráo, thoáng mát. Tuy nhiên, thác nhiều nước và có khung cảnh đẹp nhất lại là mùa mưa, từ tháng 7 tới tháng 9. Còn nếu đặt chân tới vào đúng mùa thu thay lá, du khách sẽ có cơ hội ngắm nhìn những hàng cây chuyển sắc vàng, sắc đỏ, nổi bật giữa màu xanh man mác của cánh rừng nguyên sinh. Thế nhưng, dù đi vào lúc nào, du khách cũng nên chuẩn bị áo khoác, áo mưa, ô che bởi thời tiết có thể lạnh và mưa phùn bất cứ lúc nào. 

Một lưu ý dành cho những ai không thạo khám phá Tây Bắc là hãy liên lạc với người bản địa để được dẫn đường, tránh những rủi ro ở nơi rừng thiêng nước độc. 

Chia sẻ