"Con rơi, con vãi"

,
Chia sẻ

Ngày nay, một thực trạng mà chúng ta phải thừa nhận là hiện tượng con ngoài giá thú đang rất phổ biến. Chúng ta nên hiểu và hành xử như thế nào cho đúng về con ngoài giá thú.

Hoang mang vì con rơi

Chị N. nhà ở Q.Tân Phú, tìm đến một văn phòng luật sư nhờ “gỡ rối” giúp chồng. Chị kể: “Chồng tôi hiện là cán bộ, đang công tác tại một doanh nghiệp nhà nước. Thời gian qua, anh có dan díu với một người phụ nữ. Cô ấy đến nhà tôi bồng theo đứa con, khẳng định đó là con của chồng tôi, yêu cầu chồng tôi phải “nhìn” con để làm khai sinh và cấp dưỡng nuôi con. Nếu chồng tôi không nhìn nhận, cô ấy sẽ nhờ đến pháp luật. Biết vợ chồng tôi sợ ảnh hưởng đến danh dự, cố ấy còn dọa sẽ kiện ra tòa xin “truy nhận cha cho con”. Tôi không muốn làm lớn chuyện, vì sợ ảnh hưởng đến con cái và đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Tôi sợ khi chồng tôi ra chính quyền làm thủ tục nhận con hoặc bị cô ấy kiện thưa, chồng tôi sẽ bị kỷ luật, bị cách chức, ngoài ra còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “ngoại tình” …! Vợ chồng tôi phải làm sao?”.

Cùng cảnh ngộ nhưng chị H. (Q.Thủ Đức) lại lo lắng theo hướng khác. Chị tâm sự: “Chồng tôi có con rơi, anh ấy rất hối hận và năn nỉ tôi bỏ qua. Trước sự thành khẩn của chồng, tôi tha thứ, đồng ý cho anh ấy nhận con và cấp dưỡng nuôi con. Tuy nhiên, tôi muốn anh ấy gửi tiền cấp dưỡng qua đường bưu điện hoặc qua ngân hàng, không cho anh ấy trực tiếp đến với con hoặc thăm con!”. Theo chị, nếu để chồng “tự do” đến thăm con và cấp dưỡng… họ lại có cơ hội với nhau, không thể kiểm soát được.
 
 

Chị M. (Q.4) nhờ tư vấn theo hướng khác: “Chồng tôi ngoại tình, có đứa con ba tháng tuổi với người khác. Lợi dụng việc có con ngoài giá thú, chồng tôi thường xuyên đến thăm con và thăm cả cô ấy. Tôi yêu cầu chấm dứt, nhưng chồng tôi bảo phải cho anh thời gian, vì hiện mẹ con cô ấy rất cần sự có mặt, chăm sóc của anh! Giờ tôi có ý định thỏa thuận với người phụ nữ đó đem đứa bé về nhà tôi nuôi, để “giữ chân” chồng tôi, cắt đứt liên lạc giữa hai người”. Nghe luật sư hỏi, đứa con là kết quả mối tình ngoài hôn nhân của chồng chị, cho dù người kia đồng ý giao con cho chị nuôi, thì liệu chị có bảo đảm sẽ thương yêu, chăm sóc đứa bé tốt không, chị M. gãi đầu băn khoăn...

Toan tính của người trong cuộc

Anh L. (Q.Gò Vấp) thắc mắc với chuyên viên tư vấn: “Thời gian qua, tôi có chuyện buồn nên đi chơi với nhiều bạn gái. Trong một chuyến picnic, lợi dụng lúc tôi say rượu, bạn gái cố tình để tôi quan hệ mà không dùng biện pháp tránh thai, hậu quả là cô ấy đã có thai. Giờ cô ấy gây áp lực buộc tôi phải cưới, hoặc ít ra cũng phải nhận con và cấp dưỡng nuôi con đến năm 18 tuổi, nếu không sẽ kiện tôi ra tòa. Tôi phải làm thế nào?”.

Khi luật sư khuyên nếu đúng đứa bé là con mình, anh cứ nhận để tránh việc thưa kiện, thì anh… lý luận: “Trong trường hợp này lỗi thuộc về cô ấy, lúc đó tôi say, đâu biết gì! Càng nghĩ tôi càng thấy mình bị oan, tôi bị người ta “gài”! Tôi còn trẻ, phải lo sự nghiệp, tôi cũng đã có bạn gái, bạn gái tôi mà biết thì…”. Và cứ thế, anh L. cứ… tự phân bua, không quan tâm gì đến “giọt máu” của mình, bất chấp cả sự phân tích của luật sư.

 

Anh Th. là cán bộ ngành dầu khí, đang công tác tại Bà Rịa-Vũng Tàu, có cách giải quyết “vấn đề” của mình như sau: “Tôi đã có vợ và hai con. Gần đây, tôi có quan hệ ngoài hôn nhân với một phụ nữ, đã có một con chung. Chuyện này vợ con tôi chưa biết. Tôi muốn giữ kín để bảo vệ hạnh phúc gia đình, và cũng vì tôi còn là một cán bộ nhà nước… Tôi không muốn làm thủ tục nhận con mà đợi khoảng 20 năm sau, khi các con tôi đã yên bề gia thất, tôi đã về hưu, mới tiến hành làm thủ tục nhận con và sẽ bù đắp cho con! Tôi làm thế liệu có được không?”.

Anh B. (ở thị xã Tân An, Long An) sau khi có con ngoài giá thú, thấy không thể “thoái thác” được, trước áp lực của “vợ bé”, đã đồng ý tất cả những yêu cầu của cô, nhưng xin hoãn binh… sáu tháng. Tại sao lại đặt ra mốc thời gian đó, anh giải thích: “Tôi cần thời gian để sang tên toàn bộ nhà đất, cơ sở làm ăn cho vợ và con của tôi. Tôi sợ làm thủ tục nhận con, cô ấy và con sẽ được chia tài sản, được hưởng thừa kế về sau…!”.

Trẻ em không thể chọn “cửa” sinh ra mình, không thể biết những trớ trêu, phức tạp và những toan tính của người lớn. Trẻ cũng không biết và không chịu trách nhiệm về việc quan hệ giữa cha và mẹ mình là trong hôn nhân hay ngoài hôn nhân, hợp pháp hay không hợp pháp, có tình yêu hay không tình yêu… Đã hiện hữu trên đời, trẻ phải được nhận tình thương yêu, được nuôi dạy tốt để thành người. Vì thế, những “toan tính” của người lớn khi chuyện đã lỡ, nên vì lợi ích tốt nhất của trẻ chứ đừng vì mình.
 
Theo Phunuonline
Chia sẻ