Con rể keo kiệt tự nhiên mang tôm hùm sang biếu, song cuộc gọi khẩn của con gái khiến tôi nghẹn ứ
Vừa ăn được miếng tôm hùm đầu tiên thì con gái tôi gọi tới. Câu đầu tiên nó gào lên khi tôi bắt máy đó là: "Mẹ đừng có ăn".
Vì chỉ có duy nhất 1 đứa con gái nên tôi thương nó lắm. Khi con gái đến tuổi lấy chồng, tôi trở thành bà mẹ khó tính trong việc kén rể. Bởi tôi không muốn gả con mình vào những chỗ không ra gì. Con gái tôi xinh đẹp, có học thức. Nó xứng đáng chọn được 1 người chồng tài giỏi, có địa vị và tài sản đề huề.
Tuy nhiên, kén cá chọn canh mãi, cuối cùng tôi lại bị 1 gã keo kiệt lừa. Hắn đến nhà và nói với tôi: "Cháu năm nay 35 tuổi. Hiện đã có nhà và ô tô đàng hoàng. Chắc chắn khi bác gả con gái cho cháu, cháu sẽ làm con gái bác hạnh phúc".
Tin tưởng vào những lời đó, tôi ép bằng được con gái mình lấy hắn. Nhưng ngay sau đám cưới, sự thật mới vỡ lở. Con rể bộc lộ rõ bản chất là 1 gã gia trưởng, keo kiệt và vô cùng toan tính, tham lam.
Từ ngày lấy được con gái tôi, nó chẳng bao giờ hỏi han đến bố mẹ vợ. Ngày lễ Tết hay ngày thường đều thế. Chỉ khi nào tôi nhớ con gái, gọi vợ chồng chúng nó về ăn uống, thì con rể mới theo về. Ăn uống no nê, con rể lại giục giã vợ khăn gói lên Hà Nội. Trước khi đi, nó không quên vơ vét đồ ăn thức uống ở quê để đỡ tiền mua thực phẩm. Nhà tôi có bao nhiêu hoa trái, gà vịt nuôi được... nó đều xin hết.
"Chàng rể" mà tôi những tưởng là quý hóa còn cấm con gái tôi không được cho tiền bố mẹ đẻ. Làm được bao nhiêu phải đưa chồng hết. Mỗi lần con gái muốn biếu bố mẹ đồng quà, đồng bánh thì đều phải giấu giếm, thậm thụt.
Cuộc sống của con tôi ở nhà chồng cũng chẳng êm đẹp. Tiền thì chồng giữ, nhưng luôn bắt vợ phải chi ra, lo liệu mọi thứ trong nhà. Nhiều lần con gọi về khóc với tôi, đòi li dị, nhưng vì sĩ diện của gia đình, tôi vẫn dặn con gái phải nhịn nhục.
Thế rồi cho đến hôm kia, tự nhiên con rể lại một mình về quê, mang theo cân tôm hùm biếu bố mẹ vợ. Tôi bất ngờ lắm. 5 năm lấy con gái tôi, nay mới thấy được tấm lòng thơm thảo của chàng rể. Tôi có hỏi sao con gái không về thì nó trả lời rằng: "Vợ con thấy trời nắng nóng, sợ bị ốm".
Mấy khi được con rể biếu đồ ăn đắt tiền, tôi vui mừng làm bữa cơm thịnh soạn và mời nó ở lại ăn cơm. Bình thường con rể sẽ kênh kiệu, làm bộ từ chối. Nhưng nay nó vui vẻ nhận lời, còn đích thân xuống bếp hộ tôi nấu nướng.
Khi mâm cơm vừa dọn lên, con rể còn xung phong đi mua bia để nhâm nhi với bố vợ. Chồng tôi cười hề hề, còn nói nhỏ với tôi rằng: "Có khi đêm nay mưa to đấy bà ạ. Chả bao giờ mặt trời mọc đằng Tây...".
Khi con rể vừa chạy đi mua bia, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi của con gái. Tôi định trách nó sao nay không về thì từ đầu dây bên kia, con tôi gào lên: "Mẹ đừng có ăn". Tôi lắp bắp hỏi lại "Đừng có ăn cái gì? Sao lại không được ăn". Con tôi kể: "Chồng con không có ý tốt đẹp gì đâu mẹ ơi. Anh ta về lần này là để ép bố mẹ bán nhà cho đấy. Không biết chồng con săn tin ở đâu và biết được khu nhà mình nằm trong diện sắp giải tỏa để làm dự án công nghiệp. Anh ta muốn mua lại nhà mình trước, sau bán đi sẽ được giá hời.
Hôm qua anh ta nói với con, nhưng con không đồng ý. Thế là anh ta bỏ thuốc ngủ khiến con mê man đến giờ. Bố mẹ đừng có ăn uống gì của chồng con, kẻo há miệng mắc quai...".
Con tôi vừa nói đến đó thì tiếng tút... tút... ngân dài. Có lẽ do điện thoại hết tiền. Tôi đang cắn dở miếng tôm mà nghẹn ứ ở cổ. Cũng đúng lúc này con rể xách can bia 5 lít về, mặt hớn hở lắm.
Vợ chồng tôi thẳng thắn hỏi nó về chuyện này. Con rể trơ trẽn thừa nhận. Chồng tôi tức quá, cầm đĩa tôm ném luôn ra sân và quát lớn: "Tao biết ngay mày chẳng tốt đẹp gì mà. Cút, cút ngay".
Nhưng con rể chẳng phải dạng hiền lành. Nó dọa sẽ làm đủ cách để khiến vợ chồng tôi phải bán nhà. Sau đó, nó rời đi. Vì bị xúc động mạnh, chồng tôi thở hổn hển rồi ngã khụy xuống ghế. Trước lúc ngất đi, ông ấy không quên bảo tôi: "Nói cái Yến (Con tôi) li hôn đi. Sống với thằng chồng thế này khổ cả đời đó"...