Con nhà giàu vẫn không có ngày 1/6

,
Chia sẻ

Cũng chỉ vì mải làm ăn mà bố mẹ đã quên mất ngày vui của con mình

Trong khi phần lớn trẻ em sung sướng vì trở thành trung tâm của gia đình vào ngày 1/6 thì nhiều đứa trẻ lại hầu như bị bỏ quên, mặc dù bố mẹ các em rất giàu.

Bé Trang, 8 tuổi, con gái vợ chồng anh Long ở Hoàng Văn Thái, Hà Nội, ngồi bệt dưới chân cầu thang, tay ôm chú gấu nhỏ vào lòng, lặng nhìn theo bố và dì Lan chuẩn bị đưa em Bi sang nhà ông bà ngoại của em chơi. Cô bé muốn đi cùng nhưng bố không đồng ý, vì dì Lan bảo hôm nay đã cho mượn ô tô, mà xe máy chở bốn người không an toàn, nhất là em Bi chưa đầy một tuổi, cần cẩn thận. Bố bảo: "Ở nhà học bài và trông nhà nhé” rồi đi. Ngồi một mình, Trang trào nước mắt vì cũng như  mọi năm, bố lại chẳng đả động gì đến quà 1/6. Năm nay có thêm em Bi, cô bé nghĩ thể nào dì Lan cũng nhắc bố mua quà cho em, rồi mình cũng nhờ thế mà được nhớ đến, nhưng đến chiều 31/5 rồi mà vẫn không thấy người lớn nói gì. Tối ngày 31, bố đưa dì và em Bi sang nhà ngoại, sáng mùng một thì đi công tác mất rồi, thế là Trang chẳng còn hy vọng có quà nữa. Cô bé cũng không dám mong sẽ nhận được sự bất ngờ nào từ mẹ đẻ. 
 
Thực ra chưa bao giờ Trang có được một ngày 1/6 đúng nghĩa như bạn cùng trang lứa. Từ khi lên bốn tuổi, Trang đã không biết đến không khí vui vẻ trong gia đình. Ngày thường cũng như ngày lễ, em đều phải chứng kiến những trận cãi vã của bố mẹ. Mặc dù nhà khá giả, nhưng trong khi các bạn đều có quà trong những ngày lễ thì em chỉ nhìn chúng đầy thèm muốn. Các ngày lễ cho trẻ con không có trong từ điển của bố mẹ Trang. Họ hành hạ nhau chán chê, không làm được nhau lại quay sang trút giận lên Trang, mắng em lười ăn, hay khóc lóc vớ vẩn. Ngày 1/6 cách đây ba năm, Trang bị bố đánh rồi khóa trái cửa phòng vì tội kêu khóc và phản đối khi bố đánh mẹ.

Rồi bố mẹ ly dị. Bố nhanh chóng kết hôn và có con với người vợ mới là dì Lan. Ngôi nhà không còn ầm ĩ với những cuộc cãi vã, nhưng những ngày tháng vui vẻ vẫn không đến với Trang. Bố vẫn không để mắt đến em, có thể vì ông quá bận công việc, chút thời gian còn lại phải dành cho em bé và người vợ mới, cũng có thể vì em quá giống mẹ, và việc nhìn thấy em gợi lên trong ông những cảm xúc khó chịu. Dì Lan là người ngọt ngào, đảm đang, mọi việc ăn uống, sinh hoạt trong nhà đều một tay dì lo tươm tất, kể cả việc đưa Trang đi học. Có lẽ vì vậy mà bố em yên tâm, cảm thấy không cần lo lắng đến cô con gái lớn nữa, và lao vào các đợt công tác triền miên. Chỉ riêng Trang biết, dì Lan không bạc đãi em, nhưng cũng chẳng quan tâm đến đời sống tinh thần, tình cảm của em, và việc em không có ngày 1/6 như các bạn, chẳng ai quan tâm đến.

Ngày 1/6 năm ngoái, mẹ Trang ăn diện đẹp lắm, có cả xe ô tô đưa tới đầu ngõ, đến tìm con gái. Nhưng mẹ chỉ ở được với Trang 5 phút, trao cho con chú chú gấu bông mà sau đó cô bé luôn kè kè bên mình, rồi đi ngay. Sau đó, mẹ theo tình nhân sang Đức làm ăn và không biết đến bao giờ mới về.

Khác với Trang, hai anh em Tùng 12 tuổi và Thanh 5 tuổi (ở Trung Liệt, Thái Hà, Hà Nội) luôn có quà trong các ngày lễ của thiếu nhi, thậm chí là những món quà mà lũ bạn đều thèm muốn. Nhưng hai đứa trẻ vẫn cảm thấy mình bị bỏ quên trong những dịp này. Mấy năm nay, cứ trước 1/6 mấy ngày, hai anh em lại nhận được những món quà khổng lồ, đắt tiền được gói lộng lẫy do cha mẹ đặt sẵn, nhân viên cửa hàng dịch vụ mang đến. Trên bàn cũng đặt sẵn phong bao "lì xì", đủ cho các cậu ấm vui chơi thỏa thích. Bố mẹ rất bận, nên không thể đưa Tùng và Thanh đi chơi như ngày hai anh em còn bé, dù là ngày 1/6 hay chỉ là những dịp cuối tuần thông thường khác.

Ngán ngẩm tới mức chẳng còn hứng thú để bóc quà, Tùng cầm lấy phong bao, xé ra đếm những tờ tiền trong đó. 8h sáng chủ nhật, nhóm bạn đã đợi Tùng ở khu vui chơi, giải trí của Vincom. Chúng cũng có bố mẹ suốt ngày bận bịu như cậu, nhưng khác ở chỗ không có nhiều tiền. Thế nên Tùng rút tập giấy bạc bố mẹ cho, mua hẳn 100 đồng xèng cho cả nhóm. Năm ngoái, trong ngày này, Tùng và hội bạn lên công viên nước chơi mấy trò cảm giác mạnh. Một cậu bạn bị văng quá ra khỏi ống nước do ngồi ngược phao trượt khiến cả bọn khiếp đảm. Vụ việcđó bố mẹ Tùng cũng biết nhưng năm nay, họ vẫn để mặc cho hai anh em muốn đi đâu và chơi gì tùy ý.

Tùng đút xèng liên tục, chăm chú đua nhìn màn hình trong trò đua xe, nhưng không được yên vì thằng em đã chơi chán trò đập côn trùng, cứ níu áo anh nhèo nhẽo đòi về, đòi xin mẹ chở đi xem xiếc, hoặc ít ra cũng được anh trai cho vào khu "vườn cổ tích"gần đó. Tùng không muốn thế, vì "vườn cổ tích" tuy hợp với lứa tuổi bé Thanh nhưng nếu cho vào đó, cậu sẽ phải trông, làm sao chơi được. Vừa bực vừa thương em, cậu móc di động gọi cho mẹ, nhưng giọng khẩn trương trong máy làm cậu hết hy vọng: “Mẹ đang bán hàng đông khách lắm, con gọi lại sau nhé”. Tùng tắt máy, quát em: "Mày đập côn trùng tiếp đi. Ai bảo cứ nằng nặc đòi theo tao? Mai tao để mày ở nhà với chị Lý (tên người giúp việc), bọn tao đi chơi điện tử". Thanh khóc oà, nhưng lập tức cố nín khi ông anh hứa sẽ nghĩ lại nếu cậu bé biết giữ trật tự.

Bé Mi, 9 tuổi, Hà Đông, Hà Nội cũng thuộc diện con nhà giàu nhưng chẳng có ngày 1/6 đúng nghĩa chỉ vì em sinh ra không giống bố, cũng chẳng có nét gì giống mẹ. Chính vì điều đó mà em đã phải khổ sở bao năm nay vì bố Mi luôn nghĩ rằng em không phải là con ông. Bé Mi chưa bao giờ được bố ôm vào lòng mà luôn bị quát mắng, hắt hủi. Hôm vừa rồi, Mi nũng nịu đòi bố mua cho một con búp bê nhân ngày 1/6. Sẵn đang điên đầu vì chuyện làm ăn không như ý,  ông bố quát: “Mày đi mà đòi thằng bố thật của mày ấy”. Không chỉ ông bố mà ngay cả ông bà nội cũng rất thờ ơ với Mi, họ phân biệt đối xử với em như vậy vì muốn trừng phạt mẹ em, người mà họ gọi là "con đàn bà lăng nhăng". Ông bố gàn dở này còn cấm cả việc mẹ Mi chiều chuộng con, kể cả trong những ngày tết thiếu nhi, lấy cớ là chiều quá đâm hư. Chính vì vậy mà ngoài mấy chiếc kẹo được tổ dân phố phát cho mỗi dịp tương tự, 1/6 hằng năm, Mi chẳng được hưởng niềm vui nào trong ngày của mình.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, ngày nay không hiếm những đứa trẻ con nhà giàu, được sống trong một môi trường vật chất đầy đủ vẫn không cảm nhận được niềm hạnh phúc của ngày 1/6, ngày cả thế giới chăm sóc và bảo vệ thiếu nhi. Rất nhiều bậc phụ huynh thờ ơ với con cái, cho rằng đây cũng chỉ là ngày người ta "vẽ vời" ra chứ  không đáng được quan tâm quá so với những ngày bình thường khác, điều quan trọng là nuôi con đầy đủ về vật chất. Cho nên rất nhiều trẻ không được đón nhận tinh thần cốt lõi của ngày lễ 1/6 là sự thương yêu, thông cảm và tôn trọng trẻ em. Đó là quyền lợi đương nhiên của các em, và việc thực hiện là nghĩa vụ của các bậc làm cha, làm mẹ.

Cũng có những người không đếm xỉa gì đến ngày 1/6 của con vì còn dành tâm trí cho những rắc rối, phiền não của mình, và nhất là khi những phiền muộn đó là do mâu thuẫn vợ chồng, đứa con càng "lãnh đủ". Với một số người khác, nguyên nhân là họ coi công việc quan trọng nhất, nên hy vọng bù đắp cho con những món quà đắt tiền, khiến ngày quốc tế thiếu nhi không còn mang đầy đủ ý nghĩa. Những món quà ấy không bù đắp được sự  trống vắng, cảm giác thiệt thòi trong tâm hồn trẻ.

Bà Tuý cho rằng, yếu tố giáo dục cũng là một gánh nặng với trẻ em hiện nay khi trong ngày mà trẻ cần được vui chơi, thoải mái này, nhiều trẻ vẫn được lên lịch học kín mít từ sáng đến tối mịt. Những đứa trẻ nhà thành phố chịu thêm một thiệt thòi so với trẻ em nông thôn khi không có nổi một khu vui chơi đúng nghĩa cho mình.

Do đó, nhiều trẻ cũng chỉ biết 1/6 là ngày quốc tế thiếu nhi, được ăn kẹo, được nhận quà chứ không hiểu được ý nghĩa về mặt tinh thần và quyền lợi mà mình lẽ ra được hưởng vì chính cha mẹ các em cũng đã quên điều đó.

Theo Đất Việt

Chia sẻ