“Con luôn đứng cuối lớp và không có hứng thú học tập” - 2 cách xử lý cho kết quả khác biệt
Việc học tập là nhiệm vụ cá nhân của trẻ, trong khi nhiệm vụ cá nhân của bố mẹ là yêu thương con cái vô điều kiện, bởi tình yêu quan trọng hơn điểm số.
"Một luôn đứng cuối lớp và không có hứng thú học tập, phải làm sao?" - Đây là câu hỏi từng được một phụ huynh đưa ra và xin ý kiến các bậc phụ huynh khác.
Theo một chuyên gia tâm lý, khi đứng trước hoàn cảnh này, thường phụ huynh sẽ có hai cách tiếp cận. Một là tạo áp lực, ép buộc con học để đạt thành tích đặt ra. Hai là khơi dậy hứng thú học hành của con, để con từ từ cải thiện.
Cách làm nào sẽ mang lại hiệu quả?
Tạo áp lực, ép buộc con học để đạt thành tích đặt ra
Nhiều ông bố bà mẹ thấy thành tích của con không như ý thường sẽ thay đổi "chiến thuật", can thiệp hoàn toàn vào việc học tập của con mình. Họ ngồi cạnh bàn và thúc giục, làm bài giúp con. Khi trẻ không thể hoàn thành bài tập về nhà, cha mẹ sẽ lớn tiếng la mắng. Nếu con đạt điểm cao, họ sẽ ôm hôn con mình bày tỏ sự tự hào.
Một số phụ huynh chọn phương pháp này bởi nó sẽ mang lại một số lợi ích trong giai đoạn đầu. Trẻ dường như tập trung hơn, chuyên tâm hơn vào việc học, thành tích có cải thiện.
Tuy nhiên, cách làm này cũng sẽ mang lại một số rắc rối vì hầu hết những việc trẻ làm đều được thực hiện dưới sự quản lý và tư duy thay thế của mẹ. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Texas tại Austin và Đại học Duke đã chứng minh sự giúp đỡ của phụ huynh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả và điểm số của trẻ.
Theo kết quả của nghiên cứu này, phụ huynh càng tham gia nhiều vào quá trình làm bài tập của trẻ, trẻ sẽ càng ít hứng thú học tập. Khi có bố mẹ ngồi cạnh và chỉ cho phải làm những gì, kiểm soát từng bước một và thậm chí làm giúp, trẻ sẽ không có chút động lực nào.
Bắt con làm bài tập về nhà, kiểm soát quá trình và trừng phạt khi bị điểm kém, bạn sẽ trở thành người chịu trách nhiệm với chuyện học hành của con. Một khi bạn kiểm soát, trẻ sẽ không xem đó là việc của cá nhân mà chỉ học cho bố mẹ.
Khi lên THCS, THPT, kiến thức ngày một dày đặc lên, các em sẽ phải đối mặt với tình trạng sa sút trong học tập, phải đối mặt với năng lực thực sự. Trong trường hợp này, trẻ rất dễ tự ti, thu mình lại, thậm chí trốn học. Là phụ huynh, bạn hãy cố gắng nới lỏng dây cương, chỉ giúp khi con nhờ. Ngay cả khi được nhờ, bạn cũng chỉ nên giải thích những vấn đề trẻ không hiểu, chứ không nên làm hộ.
Khơi dậy hứng thú học hành của con, để con từ từ cải thiện
Khi một đứa trẻ đã tự xếp mình là học sinh kém, thay vì đổ lỗi hay la mắng, làm thế nào để khơi dậy sự hứng thú của trẻ mới là mấu chốt của vấn đề.
Có câu chuyện như sau: Một cậu bé quá nghịch ngợm, không có giáo viên chủ nhiệm nào muốn nhận, cuối cùng phải được xếp vào lớp "đặc biệt" với rất nhiều học sinh tương tự. Ở lớp mới, như cá gặp nước, học sinh này không những không nghe giảng mà còn thường xuyên gây ồn ào.
Một ngày nọ, sau giờ học, giáo viên gọi cậu bé đến và nói: "Cô muốn giao cho con một nhiệm vụ học tập bí mật". Nghe vậy, cậu bé định lắc đầu, nhưng giáo viên lập tức giải thích: "Con không được nói với bất kỳ ai, nếu không, thỏa thuận của chúng ta sẽ bị phá vỡ, con có sẵn sàng làm điều đó không?". Nghe vậy, cậu bé thầm nghĩ, tại sao học sinh giỏi trong lớp không được giao mà lại tìm mình, liệu cô có ý gì không. Nhưng vì cũng có chút tò mò nên cậu đồng ý.
Thế là cô giáo nói tiếp: "Ngày mai cô dạy trước một bài mới, nhưng các học sinh khác không biết đâu. Dạo này trong lớp có nhiều bạn hơi chủ quan lắm, nhất là những bạn học giỏi. Để cô làm bất ngờ một lần, xem các em ấy có làm được không, không được sẽ bị phạt".
Khi biết tin có người sắp bị phạt, cậu bé rất phấn khích và hỏi: "Vậy thì con nên làm gì làm?". Giáo viên lại làm ra vẻ bí mật: "Tối nay con xem bài này. Các từ mới hãy cố gắng viết ra. Cô đã đếm, đoạn đầu tiên của văn bản này chỉ có 32 từ, con chỉ cần học thuộc, không phải làm bất cứ điều gì khác".
Cậu bé không nghĩ gì, về nhà vẫn xem TV và chơi đùa. Nhưng trước khi đi ngủ, có chút bất an, bèn mở ra xem. Cậu sợ nhất là học thuộc lòng, cũng may chỉ có 32 chữ nên miễn cưỡng học rồi đi ngủ.
Vào ngày thứ hai trong lớp học, giáo viên đột nhiên thông báo: "Cô có việc phải làm vào ngày mai nên phải dạy thêm bài mới. Có ai chuẩn bị không?". Các học sinh đều sửng sốt, tất nhiên không em nào trả lời đúng. Cậu bé chợt nhớ đến nhiệm vụ được giao, vội vàng giơ tay. Vì cậu chưa bao giờ xung phong nên các học sinh rất ngạc nhiên và nghĩ rằng em sẽ không thể trả lời. Thật bất ngờ, cậu trả lời rất đúng. Cả lớp im bặt.
Sau giờ học, cô giáo gọi nam sinh này lên văn phòng và nói: "Con thấy đấy, khoảng cách giữa học sinh học giỏi và học sinh kém thực ra chỉ là một chút, tầm 30 phút học bài, không lớn như con tưởng tượng". Sau khi bình tĩnh lại, cậu hiểu ngay ý định của cô giáo. Do được động viên tích cực trong học tập, cậu bắt đầu có hứng thú. Lúc đầu, cậu bắt đầu xem trước và ôn tập tiếng Trung, và sau đó dần dần áp dụng phương pháp này cho các môn học khác. Kể từ đó, thành tích học tập ngày càng tốt hơn, cuối cùng được nhận vào đại học.
Mặc dù đây là một ví dụ về việc một giáo viên giúp đỡ học sinh, nhưng hy vọng các bậc cha mẹ hiểu rằng: Chỉ bằng cách thực sự chạm vào thế giới nội tâm của đứa trẻ và giúp con phá vỡ những sự tiêu cực, sự tự phán xét, các con mới có thể tìm thấy động lực để phát triển.
Thay vì kiểm soát từng nhiệm vụ, các nhà tâm lý học khuyên bạn xây dựng mối quan hệ với con dựa trên sự tin tưởng, dành nhiều thời gian bên nhau. Mỗi tối, khi có thời gian, bạn có thể đọc to sách khi ngồi cùng con, thảo luận những sự kiện đang xảy ra trên thế giới, bàn về những hiện tượng khoa học kỳ thú, lên lịch cho một hoạt động thú vị nào đó vào cuối tuần để kích thích sự ham học của trẻ.
Trường hợp trẻ không chịu làm bài, phụ huynh hiểu cảm xúc của con. Chẳng hạn, bạn có thể thừa nhận rằng con có quyền không muốn chép lại một đoạn văn chán ngắt hay luyện viết một chữ cái suốt 10 dòng liên tiếp. Sau đó, bạn hãy dạy con rằng nếu con làm việc khó trước việc dễ, năng suất trong ngày sẽ tốt hơn. Bạn cũng có thể chia sẻ phương pháp riêng thường sử dụng để hoàn thành các nhiệm vụ không mong muốn.
Việc học tập là nhiệm vụ cá nhân của trẻ, trong khi nhiệm vụ cá nhân của bố mẹ là yêu thương con cái vô điều kiện, bởi tình yêu quan trọng hơn điểm số.