Con lai 30 năm nhặt rác mua vé máy bay tìm về quê cha
Khát khao được một lần về chốn gốc phần cứ lớn lên mãi không thôi khiến bà Xuân đánh bạo hỏi vay bà hàng xóm tốt bụng 30 triệu đồng cho chuyến đi tìm người thân ở Ma-rốc.
Hơn 50 năm góp mặt trong cuộc đời này, hình như chưa một phút giây nào bà Xuân được hạnh phúc. Bà luôn có cảm giác ông trời đã đày đọa, bắt phải sống cuộc sống vừa vất vả, vừa tủi hổ, đắng cay. Ngay cả cái sự "có mặt" của bà cũng không phải xuất phát từ tình yêu mà nó là sự tính toán của cả cha và mẹ. Cha bà là người Ma-rốc, tham chiến ở Việt Nam trong vai trò của một người lính lê dương. Tên ông là Mohamet Ben sét xa.
Nhưng ông sớm giác ngộ ra rằng, cuộc chiến tranh mà ông đang tham gia chính là một cuộc xâm lược. Sau khi ngộ được điều đó, ông đã quay đầu trở thành người lính Cụ Hồ. Chính vì thế, sau đó ông được đưa về Nông trường Việt Phi ở Ba Vì, lao động và sản xuất. Mẹ bà khi ấy là con sen cho một nhà giàu có ở Cầu Diễn, bà tên là Nguyễn Thị Tuệ (76 tuổi).
Vì ngoan ngoãn, chăm chỉ nên bà Tuệ rất được lòng chủ. Chính ông bà chủ sau này đã mai mối cho bà Tuệ có cơ hội gặp Mohamet. Nghe người ta nói, lính Tây lương cao lắm nên chả cần biết có yêu hay không, chỉ biết rằng bà Tuệ thực sự muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó, cam chịu của một con sen.
Mohamet đang tuổi thanh niên, nói trắng phớ ra thì ông cũng cần một nơi để "giải tỏa", để khỏa lấp nỗi cô đơn vì phải xa quê hương, xa người thân tới nửa vòng trái đất. Vậy là trai tơ gặp gái tơ bỗng chốc nên vợ nên chồng, có cưới hỏi đàng hoàng, cho dù một tiếng chào nhau họ cũng không nói được.
Bà Tuệ đang từ thân phận một con sen, sau một cái gật đầu thành vợ của lính Tây. Chàng lính lê dương đang sống đời độc thân, vậy mà chỉ trong phút chốc lại có vợ xinh đẹp. Cả hai đều cảm thấy rất mãn nguyện với sự tính toán của mình.
Cưới nhau chưa đầy năm, bà Tuệ sinh con gái đầu lòng. Bà đặt tên con theo tiếng Việt là Nguyễn Thị Xuân còn chồng bà lại đặt tên cho con theo tiếng Ma-rốc là Mohamet Habiba. Vậy là người con lai cùng lúc có hai giấy khai sinh và hai tên gọi.
Trong ký ức của mình, bà Xuân gần như không còn lưu lại được hình ảnh nào về người cha Ma-rốc. Bởi khi mới một tuổi, cha của bà đã ngã xuống suối trong một lần uống rượu say khật khưỡng trở về nông trường. Sau này, mộ phần của ông được chôn ở đâu không ai còn biết nữa, vì đã có quá nhiều thay đổi ở Nông trường Việt - Phi.
Chồng mất khi tuổi đời còn quá trẻ, hơn nữa lương lính Tây cũng không còn, một mình ôm con nơi đất khách quê người, bà Tuệ đành gá nghĩa với một vài lính Tây sau này. Dù gì thì bà cũng có chỗ để dựa, có tiền mà nuôi thân, nuôi con.
Năm 1968, Mỹ ném bom Hà Nội, những người lính lê dương "hàng Việt cộng" cùng vợ con của họ được di chuyển lên Yên Bái để tránh bom rơi đạn lạc. Cô bé Xuân cũng lẽo đẽo theo mẹ lên đó. Năm 1970, những người lính lê dương cuối cùng được hồi hương. Tiếc rằng những người mà mẹ bà Xuân gá nghĩa về sau đều đã chết nên mẹ con bà chẳng thể có suất hồi hương.
Mẹ con bà bỗng dưng trở thành những kẻ vô gia cư, rồi sau được gom vào Trại Tự Lập ở Phú Thọ. Đó là nơi chứa chấp toàn những kẻ lang thang, đĩ điếm, tù tội. Xót cháu ngoại bé bỏng lại phải sống trong môi trường ô tạp quá nên bà ngoại đã vào trại đón cháu gái về nuôi.
Bảy tuổi, cô bé Xuân về ở với người dì ruột. "Mang tiếng là ở với dì nhưng thân phận của tôi nào khác một tiểu ôsin. Mới bảy tuổi mà đã phải trông mấy đứa em con của dì. Làm hết việc này đến việc khác chả mấy khi được ngơi tay", bà Xuân nhớ lại.
Đến khi các con của dì lập gia đình hết lượt thì cũng là lúc bà Xuân xuất giá. Chồng bà là người đàn ông ngang tàng, ngỗ ngược. Cũng giống như mẹ mình, bà Xuân cũng chỉ muốn thoát cảnh bần hàn nên gật đầu làm đám cưới.
Cưới nhau chưa được bao lâu thì chồng bà bị bắt đi tù vì tội hành hung người khác. Ra tù chớp nhoáng thì lại công khai có bồ nhí. Chịu không nổi, bà Xuân ôm đứa con thơ ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Bà thuê một gian phòng trọ nhỏ rồi đi nhặt phế liệu, đi bán bánh mì, nhặt lông gà lông vịt thuê lấy tiền nuôi con.
Sau lần đứt gánh ấy, bà lại chấp nhận lấy một thương binh. Sự hi sinh này lại một lần nữa không đem lại tương lai và hạnh phúc cho bà. Gia đình chồng ghét cái xuất thân con lai, ghét cả cái tiếng đã qua một lần đò của bà nên hắt hủi, ruồng rẫy.
Chồng bà vì nghe bố mẹ cũng hùa theo. Lại một lần nữa bà ra đi với hai bàn tay trắng. Đứa con gái mà bà có với người chồng sau bị họ giữ lại, đoạn tuyệt tình mẫu tử. Bà lại trở về cuộc sống lang thang, làm bất kể việc gì miễn có tiền để sinh sống.
30 năm nhặt rác, vay tiền mua vé máy bay tìm quê cha
Bà Xuân đẹp, một vẻ đẹp rất Tây, vừa có chút kiêu sa vừa vương nét buồn thăm thẳm. Trong suốt cuộc trò chuyện dài, bà khóc nhiều hơn nói. Vì kể đến đoạn nào trong phần đời đã qua, với bà cũng chỉ toàn cay đắng mà thôi.
Bà Xuân bảo, không ai hiểu được tâm trạng của một người con lai. Sống nơi đây nhưng bà luôn nghĩ rằng đó chỉ là sống tạm. Ma-rốc mới là gốc gác, là cố hương của bà. Mang thân phận của một con lai, mang hình hài chẳng có điểm gì giống với những người xung quanh nên bà luôn bị soi, bị dè bỉu.
Có người ác miệng, thấy cuộc đời bà phải chịu nhiều tủi nhục đã kết luận rằng "đời cha ăn mặn đời con khát nước". Thế nhưng họ nào có hiểu, bà đâu có tội lỗi gì. Tội chăng là tội của chiến tranh. Chiến tranh lúc nó diễn ra đã gây biết bao mất mát, đau thương cho những người trong cuộc. Đến khi nó kết thúc rồi thì để lại những tàn dư, những chứng nhân như bà.
Cả đời bà Xuân phải sống cảnh thuê nhà, nay đây mai đó. Thế nên khi con trai bà lấy vợ đã phải ở rể mãi trên tận Thái Nguyên.
Bà kể: "Mới hôm qua thôi vợ chồng chúng nó cho con về thăm tôi. Thấy nhà cửa mưa gió, dột nước lênh láng khắp nhà, chúng nó bảo hay là mẹ lên ở với chúng con. Vẫn biết chúng nó thương mẹ nhưng làm thế sao được. Con mình đã ở rể mình mặt mũi nào mà lên đó ăn bám nữa. Nhục lắm. Tôi bảo với các con là cứ yên tâm, mẹ còn sức khỏe còn lo được cho mình. Đến khi nào mẹ phải nằm một chỗ thì các con mới phải lo".
Trong cái tủ kính nho nhỏ, bà long trọng đặt tấm hình hồi đi Ma-rốc chụp cùng "người nhà". Trong chuyến đi có thể sẽ thay đổi cuộc đời mình, bà Xuân đã cẩn thận mang cả chiếc răng bị gãy cách đó mấy năm để nếu cần làm xét nghiệp ADN.
Để chuẩn bị cho chuyến đi ấy, bà đã phải làm đủ thứ nghề để tích cóp. Nhưng sống ở cái đất phồn hoa đô thị, tiền kiếm thì khó, chi phí lại quá đỗi đắt đỏ, nào là tiền ăn, tiền thuê nhà, tiền điện nước này nọ bà nào có ky cóp được bao nhiêu.
Khát khao được một lần về chốn gốc phần cứ lớn lên mãi không thôi. Bà đánh bạo hỏi vay bà hàng xóm tốt bụng 30 triệu đồng, cộng với số tiền mình tiết kiệm được trong suốt 30 năm để mua vé máy bay lên đường hồi hương.
Sang đó bà được gặp nhiều người, có những người đã nhận là người thân của họ. Họ hàng của bố bà ở Ma-rốc còn khá đông. Họ gật gù nói người đàn ông trong tấm hình đang bế một đứa trẻ chính là người thân của họ. Có nhà báo Ma-rốc đã đến tận nơi phỏng vấn, rồi còn quay phim, chụp ảnh bà để đăng báo.
Bà cứ ngỡ con đường hồi hương của mình đang thênh thang phía trước. Nhưng không, mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ dù rằng biết bao thủ tục đã làm, biết bao lá đơn đã được gửi tới nhà vua Ma-rốc thì nay, ước nguyện được sống những năm tháng cuối đời nơi quê cha đất tổ của bà Xuân vẫn còn diệu vợi. Lý do thì nhiều lắm.
Chỉ xót cho người phụ nữ đẹp nhưng quá đỗi truân chuyên. 53 tuổi nhưng chưa từng một lần được ở trong chính ngôi nhà của mình, cả đời lúc nào cũng chỉ ao ước có một chỗ để chui ra chui vào. Trong khi số tiền bà vay nợ để trang trải lộ phí hồi hương thì không biết khi nào mới trả xong?
Nên chăng khi Chính phủ Ma-rốc chưa có những chính sách hỗ trợ nào cụ thể với bà Xuân và những người con lai như bà thì chính quyền sở tại nên có sự hỗ trợ nào đó giúp đỡ để họ bước qua mặc cảm, được sống trong điều kiện tốt nhất có thể trước khi có may mắn được hồi hương?