Con kén ăn ở nhà nhưng đi học ăn rất nhiều, bà mẹ nghi ngờ dò hỏi giáo viên, biết sự thật mà ngã ngửa
Bà mẹ nhiều lần dò hỏi giáo viên nhưng chỉ luôn nhận được một câu: "Cháu ăn ngoan lắm".
Để đối phó với sự kén ăn của con trai, bà mẹ tên Mỹ Xuân (Trung Quốc) đã phải thay đổi liên tục cách nấu ăn, với đủ các công thức nấu nướng khác nhau nhưng bữa ăn nào cũng là cực hình. Điều bà mẹ này không ngờ là con trai sau khi đi nhà trẻ lại tăng cân và cao lên kha khá, ăn uống ngon miệng.
Trong những tấm hình học sinh ăn trưa cô giáo gửi cho nhóm phụ huynh, bà mẹ nhận thấy lần nào con mình cũng ăn sạch khẩu phần, thái độ trông hết sức hào hứng. Điều này không khỏi khiến chị cảm thấy kì lạ.
Rõ ràng đồ ăn ở trường chẳng có gì đặc biệt, hình thức cũng không bắt mắt như ở nhà, tại sao đứa trẻ lại có thái độ khác biệt đến vậy? Phải chăng người nấu bếp đã bỏ quá nhiều gia vị khiến trẻ con thấy ngon? Nếu sự thật như vậy thì không tốt cho sức khỏe trẻ chút nào. Bà mẹ nhiều lần dò hỏi giáo viên nhưng chỉ luôn nhận được một câu: "Cháu ăn ngoan lắm".
Sau này, trường mẫu giáo tổ chức ngày mở cửa cho phụ huynh cùng con trải nghiệm một buổi học, lúc này bà mẹ mới hiểu.
Vào ngày này, cô giáo hướng dẫn phụ huynh và các em chơi trò chơi, làm đồ thủ công, học phép xã giao,… Vận động quá nhiều, người mẹ mệt và thực sự cảm thấy ngon miệng trong bữa trưa.
Trên thực tế, việc trẻ tăng cân sau khi đi học mẫu giáo là điều khá phổ biến. Điều này chính là minh chứng nói lên một điều, bữa ăn ở trường mẫu giáo có lợi thế hơn bữa ăn ở nhà do các bà mẹ chuẩn bị ở một số khía cạnh.
1. Trẻ vận động nhiều
Ở nhà, trước hết, không có đủ không gian cho các hoạt động. Thứ hai, nhiều trẻ em hiện nay thích chơi điện thoại di động, không vận động nhiều và không tiêu tốn nhiều calo nên không cảm thấy đói. Nhưng ở trường mẫu giáo, trẻ sẽ được tập thể dục buổi sáng và giáo viên sẽ dẫn trẻ chơi những trò chơi tiêu tốn nhiều năng lượng thể chất nên trẻ sẽ dễ đói hơn và muốn ăn nhiều hơn.
2. Ít đồ ăn vặt
Mặc dù ở trường mẫu giáo có bữa ăn phụ nhưng đều có giờ cố định. Điều này khác ở nhà. Trẻ được bao vây bởi đồ ăn vặt trong tủ lạnh, muốn ăn lúc nào cũng được.
3. Môi trường ăn uống
Khi ăn ở nhà, trẻ có thể xem TV hoặc chơi đồ chơi. Ở trường mẫu giáo, trẻ chỉ lo ăn nên dễ tập trung hơn. Ngoài ra, điều quan trọng nhất là: Không có ai nài nỉ trẻ ăn. Ở trường mẫu giáo, nếu trẻ bỏ bữa này thì chỉ có thể đợi bữa sau mà thôi. Ở nhà, cha mẹ luôn sợ con bỏ đói, đuổi theo để bắt con ăn một miếng. Điều này khiến trẻ chủ quan.
4. Hiệu ứng “đàn lợn”
Một bàn có mười mấy đứa trẻ cùng nhau ăn cơm, tự nhiên sẽ xuất hiện hiệu ứng “đàn lợn”. Bọn trẻ cạnh tranh lẫn nhau, thi đua xem ai ăn nhanh và nhiều hơn, để nhận được sự khen ngợi của giáo viên. Dưới sự kích thích đó, tiềm năng ăn uống của trẻ cũng được thúc đẩy.