Con gái người giữ ký ức – cuộc đời không có chỗ để “giá như…”
Với “Con gái người giữ ký ức”, Kim Edwards đã tái hiện lại cuộc sống của một gia đình, suốt từ thời điểm kết hôn, sinh nở, giai đoạn trung niên cho đến khi trở về với cát bụi...
Con gái người giữ ký ức
Tác giả: Kim Edwards Dịch giả: Ngô Vũ Anh Tú NXB Phụ Nữ Giá bìa: 104.000 |
“Con gái người giữ ký ức” là một câu chuyện dài, rất đỗi bình dị về gia đình của David Henry và Norah. Đến với nhau từ một tình yêu tuyệt đẹp, họ sinh ra những đứa con, kết tinh bằng tình yêu và lòng chung thủy. Thế nhưng, cuộc đời không phải lúc nào cũng đẹp như người ta vẽ. Một trong hai đứa trẻ ra đời vào cái đêm đông bão tuyết ấy đã không bao giờ có thể sống như một người bình thường. Tên nó là Phoebe, và con bé bị bệnh down bẩm sinh.
Sự hoảng loạn và những ký ức tuổi thơ đầy giông bão đã khiến cho David – cũng là vị bác sĩ giúp vợ mình vượt cạn, đưa ra một quyết định đầy nông nổi – quyết định đem cho đứa trẻ. Người mà anh phó thác công việc này chính là Caroline Gill, cô y tá tận tâm, người bạn đồng điệu của anh ở phòng khám.
Và Caroline Gill, với tấm lòng bao dung, nhân hậu đã không thể thực hiện yêu cầu ấy của David. Thay vì đem gửi đứa trẻ tội nghiệp vào trung tâm dành cho những người bị bệnh down, cô đã giữ lại Phoebe bé bỏng bên mình, chăm sóc cho nó như chăm sóc đứa con ruột thịt.
Khi đưa ra quyết định đem cho đứa trẻ, David Henry không thể ngờ rằng, bắt đầu từ thời điểm đó, cuộc sống của gia đình anh sẽ thay đổi mãi mãi.
Hai vợ chồng họ cứ ngày một xa nhau. Bị ám ảnh và dằn vặt bởi quyết định của mình, David cứ ngày một chìm vào thế giới nội tâm của riêng anh, chìm vào công việc giúp anh vơi bớt nỗi nhớ thương con gái – công việc lưu giữ ký ức. Ngày qua ngày, David miệt mài với công việc chụp ảnh. Những bức ảnh ghi lại từng thời khắc trong đời Paul – con trai anh; những bức ảnh chụp Norah – vợ anh, và hàng trăm, hàng trăm bức ảnh khác, cùng với những bức ảnh mà Caroline Gill vẫn đều đặn gửi về cho David – những bức ảnh ghi dấu sự trưởng thành muộn màng của Phoebe tội nghiệp.
Cô đơn ngay trong chính căn nhà của mình, Norah đã tìm kiếm hạnh phúc và niềm vui từ những người đàn ông khác. Cô dần thăng tiến và trở thành người phụ nữ thành đạt, có địa vị cao trong xã hội. David cũng khấm khá trong công việc của mình. Con trai họ - Paul là một cậu bé tài năng và thông minh. Thế nhưng sự dư dả về tiền bạc không thể mang lại cho họ hạnh phúc như trước đây họ đã từng có. Mắc xích quan trọng kết nối các thành viên trong gia đình đã đứt gãy. Họ sống bên cạnh nhau bằng sự câm lặng của nỗi đau, bằng sự tan vỡ của trái tim, và tâm hồn, ý chí họ thì mải mê phiêu du trong những khung trời khác.
Với “Con gái người giữ ký ức”, Kim Edwards đã tái hiện lại cuộc sống của một gia đình, suốt từ thời điểm kết hôn, sinh nở, giai đoạn trung niên cho đến khi con người trở về với cát bụi. Một cách tinh tế, nữ nhà văn đã chỉ ra rằng, nền tảng để tạo nên hạnh phúc của một gia đình chỉ có thể là tình yêu và sự thấu hiểu lẫn nhau. Đã là con người, không ai có thể quên được những tội lỗi trong cuộc đời của họ. Ai gây ra tội lỗi, người đó phải gánh chịu, không phải nỗi đau về thể xác mà là những đau đớn khôn nguôi trong tâm hồn, những ám ảnh, dằn vặt luôn trở đi trở lại.
Sự thật thì luôn chỉ có một, và không có sự thật nào có thể che giấu mãi được. Bởi thế, dù đau khổ, sự thật vẫn luôn cần được biết đến, được nói ra. Tôi cứ băn khoăn, giá như David, sau những phút giây nông nổi và hoảng loạn ban đầu, có thể nói cho Norah biết sự thật về cô con gái. Giá như họ quyết định đón Phoebe về lại gia đình, có lẽ mọi chuyện đã khác. Có lẽ David đã không phải sống với niềm ám ảnh và ước mong chuộc tội suốt cả cuộc đời dài như thế. Có lẽ Norah đã không ngoại tình, có lẽ Paul sẽ có cuộc sống hạnh phúc hơn bên bố, mẹ và cô em gái bé bỏng của mình…
Thế nhưng, thật đáng tiếc, cuộc đời không bao giờ dành chỗ cho những điều “giá như” ấy…