“Con gái lấy chồng như bát nước đổ đi”

Hà Vy,
Chia sẻ

“Từ ngày lấy chồng xong, mình cứ có cảm giác bị cho ‘ra rìa’, bị coi như người ngoài chứ chẳng giống như là con cái trong gia đình nữa".

Ngày Vân lên xe hoa về nhà chồng, trong khi người thân, bạn bè vui vẻ chúc mừng thì đáp lại, bố Vân bảo: “Ôi dào, cưới cho xong chuyện, cho hết trách nhiệm và nghĩa vụ”. Chú Vân trách: “Nhà thêm con thêm của, sao mặt anh lại cứ hằm hằm thế kia” thì bố cô lạnh lùng: “Con gái lấy chồng như bát nước đổ đi, thành con thành cháu nhà người ta rồi, còn con rể thì được tích sự gì đâu, sao lại phải vui với phải mừng”.

Nhà có hai anh em, Vân là con gái út, bố cô vốn là người gia trưởng, chỉ thích có con trai, nên từ trước đến giờ, hai bố con cũng chẳng mấy khi gần gũi hay tình cảm gì. Hơn nữa, người mà Vân chọn lấy làm chồng cũng không “vừa mắt” bố, bởi anh xuất thân từ một vùng quê nghèo, hiện tại công ăn việc làm cũng chưa thực sự ổn định. Hiểu tính bố và cũng chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng khi nghe những lời bố nói ra trong ngày vui nhất của cuộc đời mình, Vân cũng không tránh khỏi khỏi cảm giác chạnh lòng, xót xa, cô đưa tay lau vội những giọt nước mắt lăn dài vì tủi thân.

Sau đám cưới không lâu, vợ chồng Vân vô cùng sung sướng khi đón tin vui cô đã mang bầu. Nhưng vất vả hơn những người khác, thai được 6 tuần, Vân bị bong nhau, dọa sẩy, phải nghỉ việc và nằm yên một chỗ nghỉ ngơi trong vòng mấy tháng trời. Khó khăn lúc này đối với vợ chồng Vân không phải chỉ có riêng vấn đề kinh tế, mà còn ở chỗ, chồng cô vốn là dân xây dựng, đợt này đang phải trông coi công trình dang dở nên không thể ở nhà chăm sóc vợ. 

Bố mẹ chồng ở xa, mẹ chồng lại vẫn đang đi làm, không thể ra Hà Nội ở lâu được nên ngỏ ý muốn đón Vân về quê. Nhưng vừa mới làm dâu được một thời gian ngắn, lại không ở gần hay tiếp xúc nhiều với bố mẹ chồng, giờ lại về để ông bà phục vụ, thực sự là chỉ mới nghĩ đến thôi Vân đã thấy ngại. Chẳng còn cách nào khác, vợ chồng Vân bàn nhau để cô về nhà bố mẹ đẻ ở một thời gian, vừa gần gũi, mà nhà cửa rộng rãi, mẹ Vân lại cũng chỉ ở nhà nội trợ, không vướng bận gì, nên sẽ có nhiều thời gian để chăm sóc cho cô. 

Con gái lấy chồng như bát nước đổ đi
Nhiều lúc tủi thân quá, Vân thường tìm cô bạn đồng nghiệp thân thiết để than thở (Ảnh minh họa).

Những tưởng đây là cách hợp lý nhất, và ông bà cũng thương con mà đồng ý ngay, nhưng ngược lại, bố Vân nhất định không đồng ý với lý do: “Con gái đã đi lấy chồng, dù có việc gì cũng phải ở với chồng, gia đình chồng. Tự dưng về nhà bố mẹ đẻ ở thì còn ra thể thống gì nữa, hàng xóm mà biết, người ta lại chả cười vào mặt cho”.

Mẹ Vân xót con, nhưng bị bố Vân “cấm tiệt”, nên chỉ thỉnh thoảng mới tranh thủ chạy qua chạy lại, động viên được vài câu rồi phải về luôn. “Bác sĩ căn dặn phải nằm yên một chỗ, nghỉ ngơi tuyệt đối, nhưng hầu như mình vẫn phải dậy tự lo cho bản thân vì chẳng còn cách nào, ăn uống thì toàn là đồ để trong tủ lạnh từ ngày này qua ngày khác. Buồn nhất là cứ nằm phải nằm một mình trong phòng trọ 24/24, nhiều lúc stress đến phát điên. Ơn giời là thời gian khó khăn, kinh khủng ấy rồi cũng qua, và may mắn con mình khỏe mạnh”, Vân kể.

Ngày Vân sinh nở, bố mẹ, anh chị em chồng từ quê lặn lội ra túc trực ở bệnh viện, vậy mà dù nhà ở cách có vài bước chân, bố Vân cũng chẳng thèm đến xem tình hình con cháu thế nào. Mọi người ai cũng thắc mắc, hỏi thăm, mẹ Vân đành phải nói dối: “Ông nhà tôi bị ốm, mệt quá không sang được” cho đỡ ngại. Cháu đầy tháng, ông ngoại cũng chưa một lần đến thăm, chưa biết mặt cháu, chồng Vân biết vợ buồn nhiều, nên bảo hai vợ chồng đưa con đến ông bà chơi cho tình cảm. Đến nơi, mọi người thì xúm vào ôm ấp, cưng nựng, còn ông chỉ hỏi: “Con gái à”, rồi sau đó đi thẳng lên phòng, lúc về con rể lên tận nơi chào ông cũng không một lời đáp lại. “Sau lần ấy, mỗi lần mình rủ sang nhà ông bà, chồng đều tìm cách từ chối. Mình cũng hiểu và chẳng trách được anh, nhưng thấy buồn vô cùng vì khoảng cách bố mẹ - con cái cứ ngày một xa hơn”, Vân tâm sự.

Nhiều lúc tủi thân quá, Vân thường tìm cô bạn đồng nghiệp thân thiết để than thở, và lần nào, cô bạn này cũng tỏ thái độ vô cùng ngạc nhiên: “Bảo là bố chồng như thế thì còn tin được, chứ bố đẻ mà vậy, nhà mày đúng là có một không hai”. Bản thân Vân cũng thấy đúng là “có một không hai” thật, khi con gái thì thờ ơ như vậy, nhưng khi anh trai Vân lấy vợ, bố lại yêu quý, chiều chuộng con dâu hết mực. Vì “dâu mới là con”, nên ông sẵn sàng bỏ tiền tỉ ra để mua nhà, mua ô tô cho vợ chồng anh trai, nhưng chưa bao giờ đoái hoài, hay hỏi han gì dù vợ chồng cô vẫn phải sống trong căn phòng trọ chưa đầy 20m2, thiếu thốn đủ đường. 

Chán đi làm công sở lương bèo bọt, giờ giấc lại gò bó, không có thời gian nhiều để dành cho con, Vân ngỏ ý muốn vay bố mẹ một ít vốn để mở cửa hàng kinh doanh. Nhưng vừa mở lời, bố Vân đã kiên quyết: “Về bảo nhà chồng lo”, dù ông thừa hiểu gia đình chồng cô khó khăn về kinh tế, và sau đó, vợ chồng Vân đành đi vay nặng lãi ở bên ngoài.

“Từ ngày lấy chồng xong, mình cứ có cảm giác bị cho ‘ra rìa’, bị coi như người ngoài chứ chẳng giống như là con cái trong gia đình nữa. Chẳng biết phải làm sao để bố có thể thay đổi suy nghĩ, chứ cứ như vậy, mình buồn đến gầy rộc cả người”, Vân chia sẻ.
Chia sẻ