Con đường sống chung với Covid-19 của Singapore và cách thức các nước khác thực hiện
Các quốc gia lần lượt chuyển hướng sang “Sống chung với Covid-19” nhưng rồi đều nhận ra quá trình này chưa thể thực hiện ngay lập tức mà phải tiến hành với thái độ thận trọng.
Kế hoạch ban đầu
Ngày 26/7, đồng chủ tịch lực lượng tác chiến chống Covid-19 đa bộ của Singapore Gan Kim Yong đã nhận định tại Nghị viện rằng, "gần như tất cả" các biện pháp hạn chế xã hội và tại nơi làm việc nhằm đối phó với Covid-19 ở Singapore sẽ được dỡ bỏ nếu Singapore bước vào "trạng thái thực sự coi Covid-19 là bệnh đặc hữu".
Trạng thái bệnh đặc hữu tức là có độ phủ vaccine cao và tỷ lệ ca bệnh nặng thấp, mặc dù các chùm ca lây nhiễm thỉnh thoảng vẫn xuất hiện, ông Gan Kim Yong giải thích.
Ngày 10/8, Singapore đã dừng các biện pháp hạn chế trong thời điểm mà các nhà chức trách gọi là "giai đoạn tiền chuẩn bị" khi việc tập trung theo nhóm tăng lên 5 người, việc ăn uống trong nhà hàng cũng được nối lại với tối đa là 5 người đã được tiêm vaccine đầy đủ. Ngoài ra, quy mô và giới hạn sức chứa của các sự kiện cũng được tăng lên.
Giai đoạn tiền chuẩn bị là khi các nhà chức trách đưa ra những điều chỉnh quan trọng về các quy định y tế, cũng như các quy định về các hoạt động xã hội và đi lại nhằm chuẩn bị cho Singapore chuyển sang trở thành một quốc gia thích ứng với Covid-19 (Covid-resilient nation), Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung nhận định.
Giai đoạn này sẽ kéo dài khoảng 1 tháng cho tới đầu tháng 9, ông Ong cho hay, đồng thời dự báo, vào thời điểm đó, 80% dân số sẽ được tiêm vaccine đầy đủ.
"Vào lúc đó, chúng ta có thể tiếp tục duy trì số ca bệnh nghiêm trọng trong tầm kiểm soát và hệ thống y tế của chúng ta sẽ không phải quá căng mình. Chúng ta sẽ có thể chuyển sang giai đoạn tiếp theo, được gọi là Giai đoạn Chuyển tiếp A".
"Đây là thời điểm chúng ta sẽ mở cửa rộng hơn nền kinh tế, các hoạt động xã hội và việc đi lại. Sau đó, cuộc sống của chúng ta sẽ trở lại bình thường và sinh kế sẽ được bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, khi chúng ta làm vậy, chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến số ca mắc tăng lên".
Bước ngoặt của Singapore
Tuy nhiên, vào đầu tháng 9, khi số ca mắc hàng ngày tăng vọt, Giai đoạn Chuyển tiếp A đã không xảy ra. Ngày 3/9, đồng chủ tịch lực lượng tác chiến chống Covid-19 đa bộ Lawrence Wong cho biết sẽ không có việc dừng các biện pháp hạn chế hiện nay bởi các nhà chức trách đang đánh giá tình hình.
Singapore ghi nhận 216 ca mắc cộng đồng ngày 3/9 khi các chùm ca mắc xuất hiện tại các điểm trung chuyển xe bus và Giao lộ Bugis.
"Chúng tôi không có ý định thực hiện bất kỳ động thái mở cửa nào vào giai đoạn hiện nay bởi có độ trễ về thời gian từ lúc bắt đầu các ca mắc tới khi bệnh diễn biến nặng. Vì thế, chúng tôi muốn dành thêm thời gian để đánh giá tình hình", ông Wong cho hay.
Dù vậy, ông Wong cho biết, sẽ không cần thắt chặt các biện pháp hạn chế khi Singapore đã có độ phủ vaccine cao và hiện đang bắt đầu sống chung với Covid-19.
"Trên thực tế, chúng tôi sẽ chỉ đảo ngược sang việc áp dụng các biện pháp thắt chặt như một phương án cuối cùng để ngăn hệ thống y tế bị quá tải".
Một vài ngày sau, ngày 6/9, Bộ Y tế Singapore đã hối thúc người dân hạn chế tập trung và cấm các hoạt động tương tác xã hội tại nơi làm việc.
Ông Wong cũng cho biết hôm 6/9 rằng các nhà chức trách không loại trừ việc quay lại tình trạng báo động tăng cường hoặc "cơ chế cầu giao" (circuit breaker) nếu có sự tăng mạnh số ca bệnh nặng cần chăm sóc tích cực hoặc thở oxy.
"Như tôi đã nói tuần trước, có những biện pháp được tính tới như một phương án cuối cùng và chúng tôi sẽ cố hết sức để tránh sử dụng chúng nhưng sẽ không hoàn toàn loại trừ chúng", ông Wong cho hay.
Singapore ngày 8/9 ghi nhận 347 ca mắc mới trong cộng đồng. Cũng tính tới 8/9, đã có 664 ca mắc Covid-19 đã được đưa vào viện. 23 ca mắc trong tình trạng nghiêm trọng và cần thở oxy trong khi 6 ca mắc trong tình trạng nguy kịch phải điều trị trong phòng chăm sóc tích cực.
Trong khi Singapore tiến tới sống chung với Covid-19 một cách thận trọng thì một số quốc gia đã hoàn toàn chấm dứt phong tỏa và dừng nhiều biện pháp hạn chế chống Covid-19.
Israel
Israel, một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất thế giới, đã bắt đầu dừng các biện pháp hạn chế vào tháng 3 trong thời điểm mà các nhà chức trách nước này gọi là giai đoạn đầu tiên quay lại cuộc sống bình thường.
Với việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, mọi người có thể vào trung tâm thương mại và các địa điểm du lịch như sở thú, mặc dù một số cơ sở như phòng tập gym, khách sạn và Hội đường - nơi sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ Do Thái giáo vẫn cần chứng nhận tiêm vaccine - hay "thẻ xanh" (green pass) để được vào.
Ngày 1/6, khi số ca mắc Covid-19 giảm xuống 20 ca/ngày, Israel đã bỏ hệ thống thẻ xanh và dỡ lệnh hạn chế về quy mô tập trung đông người.
"Nền kinh tế và công dân Israel sẽ thoải mái hơn", Bộ trưởng Y tế Yuli Edelstein nhận định vài ngày trước 1/6, mặc dù ông cũng cảnh báo các biện pháp hạn chế có thể được tái áp đặt nếu tình hình thay đổi.
Ngày 15/6, Israel chấm dứt yêu cầu đeo khẩu trang trong không gian kín ở các địa điểm công cộng khi dựa trên chiến dịch tiêm vaccine mạnh mẽ với hơn một nửa dân số trong số 9,3 triệu dân được tiêm vaccine một phần hoặc đầy đủ.
Tuy nhiên, 10 ngày sau, các nhà chức trách đã tái áp đặt quy định đeo khẩu trang trong nhà khi Israel ghi nhận kỷ lục hơn 100 ca mắc mới hàng ngày trong nhiều ngày liên tiếp sau khi không ghi nhận ca mắc nào vào đầu tháng trước đó.
"Chúng ta đang chứng kiến số ca mắc gấp đôi vài ngày/lần. Một điều gây lo ngại khác là số ca lây nhiễm đang lan rộng", người đứng đầu lực lượng phản ứng với Covid-19 của Israel, ông Nachman Ash cho hay.
Ngày 23/7, Israel không báo kế hoạch tái áp đặt hệ thống thẻ xanh giữa bối cảnh số ca mắc tiếp tục tăng do biến thể Delta, trong khi các nhà chức trách tăng cường chương trình tiêm mũi vaccine thứ ba cho người cao tuổi.
Các biện pháp này là một phần trong chính sách "ngăn chặn mềm mỏng" Covid-19 của Thủ tướng Israel Naftali Bennett mà theo đó, khuyến khích người dân Israel học cách sống chung với virus bằng cách sử dụng các biện pháp hạn chế ít nhất có thể và tránh phong tỏa toàn quốc lần 4 bởi việc này có thể làm tổn hại đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, ngày 19/8, trưởng nhóm đặc trách chống Covid-19 của Israel, giáo sư Salman Zarka đã cảnh báo số ca mắc vẫn tăng lên từng ngày. Nếu tình hình không cải thiện, "chúng tôi sẽ phong tỏa giống như làn sóng đầu tiên và làn sóng thứ hai". Dù vậy, Thủ tướng Bennett cho biết lệnh phong tỏa mới sẽ phá hủy tương lai của Israel.
"Phong tỏa là phương án cuối cùng và chỉ được thực hiện khi mà tất cả các lựa chọn khác đều cạn kiệt".
Hàn Quốc
Hàn Quốc, nước từng được khen ngợi như một câu chuyện thành công trong việc đối phó với Covid-19, đã lên kế hoạch cho phép tập trung 6 người và kéo dài thời gian hoạt động cho các nhà hàng cũng như các trung tâm thể thao trong nhà từ 1/7. Việc nới lỏng các quy định giãn cách xã hội trên toàn quốc từ tháng 7 bao gồm cả việc dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời với những người đã được tiêm 1 liều vaccine.
Những động thái trên diễn ra khi Hàn Quốc đã tiêm chủng cho 29% dân số vào cuối tháng 6, đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào tháng 9. Số ca mắc mới hàng ngày ở mức dưới 600 ca trong hơn 1 tuần.
"Hệ thống giãn cách xã hội mới là một nỗ lực nhằm tìm kiếm sự cân bằng giữa cách ly và khôi phục cuộc sống hàng ngày trong bối cảnh đại dịch Covid-19 kéo dài", Bộ trưởng Y tế Kwon Deok-cheol nhận định trên truyền hình.
Ngày 4/7, các nhà chức trách đã đảo ngược quyết định nới lỏng quy định đeo khẩu trang ở thủ đô Seoul sau khi số ca mắc tăng vọt, trong đó chủ yếu là những người trong độ tuổi 20 và 30, giữa lúc biến thể Delta lây lan nhanh chóng.
Sau đó, số ca mắc trung bình hàng ngày tăng lên 531,3 người, cao hơn 46% so với 1 tuần trước đó. Ngày 7/7, Tổng thống Moon Jae In kêu gọi hành động nhanh chóng để kiểm soát dịch bệnh khi nước này ghi nhận số ca hàng ngày cao nhất trong 6 tháng với 1.212 trường hợp.
Chính phủ đã phải hoãn lại kế hoạch nới lỏng dần các hạn chế khi Thủ tướng Kim Boo-kyum cảnh báo các biện pháp hạn chế ở Seoul và vùng phụ cận có thể tăng lên cấp 4 - mức cao nhất nếu tình hình không cải thiện.
Cuối cùng, các nhà chức trách đã phải nâng cao cảnh báo lên mức cao nhất ở Seoul và một số khu vực xung quanh trong 2 tuần từ 12/7 sau khi số ca mắc mới tăng kỷ lục trong ngày thứ 2 liên tiếp mặc dù vẫn chưa có sự gia tăng đáng kể số ca nhập viện và tử vong.
Với lệnh hạn chế cấp 4, người dân được khuyến cáo ở nhà nhiều nhất có thể, các trường học đóng cửa, các địa điểm công cộng chỉ được tập trung không quá 2 người sau 18h, trong khi các cuộc mít tinh và sự kiện khác điều bị cấm.
Ngày 25/7, Hàn Quốc nâng mức cảnh báo lên cấp 4 ở hầu hết các khu vực của đất nước. Kể từ đó, nước này vẫn phải duy trì các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong khi Thủ tướng Hàn Quốc cho biết hôm 3/9 rằng, lệnh hạn chế cấp 4 sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện ở Seoul và vùng phụ cận khoảng 1 tháng nữa.
Các nhà chức trách y tế cho biết hôm 8/9 rằng họ sẽ lên kế hoạch để sống chung một cách bình thường hơn với Covid-19, đồng thời nhận định, 80% người trưởng thành ở nước này sẽ được tiêm vaccine đầy đủ vào cuối tháng 10.
Anh
Ngày 19/7, Anh bước vào giai đoạn cuối của việc nới lỏng các biện pháp hạn chế Covid-19 khi dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế về tương tác xã hội. Tại Anh, không có hạn chế nào về việc được phép tập trung bao nhiêu người, các hộp đêm cũng mở lại trong khi việc đeo khẩu trang được khuyến cáo duy trì ở một số nơi, song không bắt buộc.
Dù vậy, Thủ tướng Boris Johnson cho rằng việc giữ thái độ thận trọng là một điều quan trọng và cảnh báo đại dịch vẫn chưa trôi qua.
Một số nhà khoa học dự đoán số ca mắc ở Anh có thể tăng lên 200.000 ca/ngày vào cuối mùa hè. Tuy nhiên, với hơn 68% người trưởng thành ở Anh được tiêm vaccine đầy đủ, dự báo này cho rằng số ca nhập viện, mắc bệnh nặng và tử vong lần này ở mức thấp hơn so với những ca từng đạt đỉnh trước đó, BBC cho hay.
Mặc dù số ca mắc hàng ngày ở Anh giảm vào cuối tháng 7 nhưng gần đây đã tăng trở lại với 37.489 ca ngày 7/9, chủ yếu do biến thể Delta gây nên. Số ca tử vong hàng ngày ở Anh vẫn ở mức thấp với trung bình 135 trường hợp nhưng số bệnh nhân nhập viện đang tăng lên.
Số liệu gần đây nhất của chính phủ cho thấy 7.976 người mắc bệnh phải nhập viện ở Anh. Một tuần trước đó, con số này là 7.315. Hơn 1.000 người nhập viện phải sử dụng máy thở.
Ngay sau khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ, các nhà khoa học cố vấn cho chính phủ đã cảnh báo rằng, việc đeo khẩu trang và các biện pháp khác có thể được tái áp đặt ở Anh nếu số ca nhập viện tăng lên cao hơn so với dự báo./.