Con dâu phóng hỏa đốt mẹ chồng vì chồng hờ hững
Người đàn bà ấy bảo gần 20 năm qua chỉ biết đến tình để đến lúc “chồng” hững hờ lạnh nhạt, người đàn bà ấy đã hành động quá nông nổi, để rồi có một phiên tòa đắng lòng người.
Phiên tòa sáng 9-3 thu hút khá đông người dự khán. Không chỉ bởi người phụ nữ đứng trước vành móng ngựa bị cáo buộc liên tiếp hai tội danh “giết người” và “hủy hoại tài sản”, mà còn vì vụ án này đã gây rúng động dư luận từ hơn năm trước.
Ngay từ khi được dẫn vào phòng xử, Huỳnh Thị Ngọc Lợi (39 tuổi) đã không ngừng nức nở. Giây phút ngắn ngủi ngang qua mặt anh N.T.T., người từng môi ấp má kề suốt một thời gian dài, Lợi càng cúi mặt thấp hơn. Tiếng nấc vì thế cũng nghèn nghẹn hơn...
Còn anh T. không ngần ngại dành cho người tình cũ ánh nhìn đầy căm phẫn.
Theo cáo trạng, từ năm 2000 Lợi và anh T. sống chung như vợ chồng tại một căn nhà trọ thuộc phường Tân Hưng (quận 7, TP.HCM). Đến cuối năm 2009, do xảy ra mâu thuẫn nên anh T. về nhà mẹ ruột sinh sống, còn Lợi vẫn một mình nơi chốn cũ.
Khi đến nhà anh T. (đường Lê Hồng Phong, quận 10), Lợi thấy người tình đang ngồi giữa nhà liền tạt xăng xuống nền, bật quẹt đốt. Phát hiện sự việc, anh T. kịp nhảy thoát nhưng phải xông ngay vào ngọn lửa để cứu mẹ vì bà đã bị cháy toàn thân.
Sau bao nỗ lực, anh T. đã đưa được mẹ đến bệnh viện cấp cứu nhưng bà không qua khỏi.
Còn Lợi cũng bị lửa táp vào người và bỏ chạy khỏi hiện trường. Về đến nhà trọ, Lợi ra cầu Rạch Đỉa nhảy xuống sông tự trầm nhưng được mọi người cứu.
Khi tình đã hết
“Nó khổ sở vì thằng T. lắm chứ không đơn giản thế đâu, cô ạ”. Người đàn bà đen đúa, gầy nhẳng quay sang nói nhỏ với tôi mà đôi mắt mệt mỏi cứ chăm chăm nhìn về phía bị cáo.
Giọng buồn rượi, bà bảo Lợi là em út của mình. Gia cảnh nghèo khó nên chỉ học đến lớp 2 là Lợi phải bươn chải cùng chị em buôn gánh bán bưng để kiếm sống. Lớn lên một chút, Lợi đi ở đợ rồi quen biết T.. Chẳng bao lâu sau Lợi nghỉ làm, thuê nhà sống chung với người này. Để có tiền trang trải, Lợi tất bật với nghề làm bánh đem bán dạo.
“Thấy chúng nó ở miết mà không tính đến chuyện cưới xin, cha mẹ tôi thúc giục thì nó bảo chờ cuộc sống ổn định thêm chút nữa. Chờ hoài mười mấy năm không được, mẹ tôi bệnh mà chết. Từ đó nó cũng ít về nhà hơn, ngại nhắc đến T. hơn.
Dù nó không nói ra nhưng cả nhà tôi đều biết họ chê thân phận nó thấp hèn. Nó lớn xác thế nhưng khờ khạo lắm. Giờ chỉ mong nó đừng làm điều dại dột hơn”. Người chị rơm rớm nước mắt khi đề cập chuyện em mình từng quyên sinh.
Phía trên, Lợi vẫn rấm rứt khóc. Sau mớ tóc rối bù là gương mặt của một người có nhiều nét khắc khổ. Khai với tòa, Lợi cho biết đã có tình cảm với anh T. từ năm 1992, 1993. Mỗi lần gia đình anh T. có giỗ, Lợi đều qua phụ giúp.
Suốt mười mấy năm sống chung, nhiều lần Lợi đề nghị làm đám cưới hay đăng ký kết hôn nhưng anh T. đều gạt: “Đó chỉ là hình thức, miễn mình sống chung với nhau vui vẻ là được”. Thậm chí Lợi khai đã ba lần mang thai, anh T. đều kêu đi phá: “Mình còn khó khăn. Để từ từ ổn định rồi có con”.
Thời gian gần đây, anh T. kiếm chuyện xa lánh, giận hờn rồi bỏ về nhà mẹ ở luôn. Nhiều lần Lợi gọi điện năn nỉ anh quay về nhưng anh thẳng thừng từ chối. Có lần anh đưa điện thoại cho người đàn bà khác nghe máy bảo rằng đang sống chung với anh.
“Từ ngày yêu anh ấy tôi chỉ biết đến tình thương của anh ấy. Tôi có lỗi gì thì anh ấy phải nói cho tôi sửa. Do quá đau buồn nên tôi muốn được chết chung nhưng không ngờ lại ra nông nỗi này. Tôi thương và kính trọng mẹ anh ấy như mẹ mình vậy. Tôi hối hận nhiều lắm...” - Lợi nức nở trình bày.
Trả giá
Được tòa gọi đến tên, anh T. dường như vẫn còn nguyên nỗi đau đớn về cái chết của mẹ. Không kìm được sự căm phẫn, anh luôn dành cho Lợi những lời gay gắt, nặng nề.
Theo anh, Lợi chỉ có thai một lần từ hồi còn rất trẻ. Do lúc đó còn bồng bột, chưa có công ăn việc làm nên mới bảo Lợi phá thai. Thời gian sau, giữa hai người có rất nhiều sứt mẻ trong tình cảm. Lợi luôn cằn nhằn chuyện tiền bạc trong khi anh chưa kiếm được việc làm. Đã vậy Lợi còn đổ đốn ham mê đề đóm, anh khuyên mãi chẳng chịu nghe.
Thấy anh T. nói quá sự thật với mình, Lợi nhiều lần định phản ứng nhưng lại thôi. Có lẽ bị cáo hiểu mọi chuyện đã không còn ý nghĩa gì nữa.
“Cô ấy càng ngày càng giở chứng nên tôi mới dọa sẽ chia tay chứ lúc đó tôi vẫn còn thương. Nhưng không ngờ cô ta lại hành động độc ác thế. Thiệt hại chỉ là bề ngoài, còn nỗi đau mất mẹ suốt đời tôi phải mang. Tôi sẽ không bao giờ tha thứ...”. Anh T. gằn giọng mặc cho Lợi vật vã sát bên cạnh.
Anh cũng kiên quyết đề nghị tòa phải xử nghiêm, buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ chi phí đã được tính toán đến từng chi tiết.
Đại diện viện kiểm sát đã đề nghị hội đồng xét xử tuyên phạt Lợi mức án chung thân về tội “giết người”, từ 1-2 năm tù về tội “hủy hoại tài sản”, buộc bị cáo bồi thường hơn 120 triệu đồng cho gia đình nạn nhân.
Ái ngại nhìn Lợi đổ gục trước tòa, luật sư bào chữa (chỉ định) cho bị cáo đã thay mặt thân chủ xin chia sẻ nỗi đau thương với gia đình người bị hại.
Luật sư cho rằng Lợi rất đáng trách nhưng cũng thật đáng thương: “Bị cáo đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi. Gần 20 năm chung sống với anh T. nhưng luôn phải lép vế, không được gia đình công nhận. Bị cáo có đánh đề cũng chỉ là những đồng tiền nhỏ nhoi thu nhập từ việc bán bánh dạo, mong mỏi trúng để lo cho gia đình vì không được anh T. hỗ trợ tiền bạc. Mặt khác, bị cáo luôn coi anh T. là trên hết, thậm chí hơn cả cha mẹ mình nên khi bị cáo thấy mất anh T. thì đã không còn thiết tha sống” - vị luật sư trình bày.
Giờ nghị án, Lợi ngồi lặng bên cửa sổ phòng lưu phạm, chỉ có đôi vai to bè liên tục run rẩy. Thấy tôi lại gần, Lợi vẫn để mặc những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt vốn đã nhòe nước. Nghe tôi nhắn lại nỗi niềm của người chị gái, Lợi khẽ gật đầu rồi lại tiếp tục khóc...
Hôm đó, Lợi phải nhận mức án chung thân cho cả hai tội. Cố gượng theo chân cảnh sát ra xe về trại nhưng chỉ được một đoạn ngắn, người đàn bà tội nghiệp đã ngã vật xuống sân tòa. Ngất lịm...