Con bị liệt, mẹ nghi do tiêm chủng

Theo Tuổi trẻ,
Chia sẻ

Theo phản ảnh của chị Nguyễn Thị Thanh Thảo (ấp Phước Thới 1, xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ), con trai chị là bé Nguyễn Phương Thịnh (sinh tháng 11-2010) từ lúc tiêm ngừa văcxin 5 trong 1 tại trạm y tế xã mũi đầu tiên (ngày 4-2-2011) đến nay, hai chân bé dần dần bị liệt.

Đến nay sau nhiều nỗ lực chạy chữa ở các bệnh viện, tập vật lý trị liệu nhưng hai chân bé hoàn toàn không cử động được.

Bé Thịnh được tiêm văcxin 5 trong 1 vào đùi, ngày thứ năm bị sốt, chân trái chỗ chích ngừa bị hạn chế cử động. Gia đình đưa bé đến khám tại Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, bác sĩ chẩn đoán viêm đường hô hấp nhưng tình trạng của bé càng xấu đi. Bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), sau khi làm các xét nghiệm chẩn đoán, bác sĩ cho biết loại trừ nguyên nhân bị sốt bại liệt và kết luận bé bị “viêm tủy”. Điều trị gần một tháng thì xuất viện, hai chân bé bị liệt và mỗi tháng phải đi tập vật lý trị liệu cho đến nay.

Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa - phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, ông cho biết về nguyên nhân tiêm văcxin 5 trong 1 có thể gây liệt chân tay là không có cơ sở, mà có thể do bệnh lý nào đó trùng hợp với thời điểm sau khi tiêm văcxin này gây ra. Cụ thể đối với trường hợp bé Thịnh, Sở Y tế sẽ chỉ đạo kiểm tra lại quy trình và quá trình tiêm ngừa, điều trị và có trả lời chính thức để gia đình yên tâm.

Về căn bệnh viêm tủy, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, nguyên nhân gây bệnh là do siêu vi, miễn dịch. Trẻ mắc bệnh sẽ có triệu chứng như tê tay, chân, liệt tay, chân, bí tiểu, suy hô hấp, có thể sốt. Để chẩn đoán được bệnh viêm tủy cần phải đo điện cơ, chọc dò tủy sống, chụp MRI. Việc điều trị bệnh viêm tủy thường kéo dài nhiều tháng, có những trường hợp trẻ sẽ được hồi phục trở về bình thường nhưng có những trường hợp để lại di chứng như liệt tay, chân.

Nguyên chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia Đỗ Sỹ Hiển cho hay trường hợp này không liên quan đến tiêm chủng. Theo ông Hiển, mô tả của gia đình bé Thịnh cho thấy có liên quan nhiều hơn đến yếu tố nhiễm vi khuẩn hay virút. Ông Hiển cho rằng trường hợp liệt mềm do bại liệt thì khả năng hồi phục rất lâu và khó, nhưng liệt do các căn nguyên nhiễm trùng thì khả năng hồi phục tốt hơn. “Gia đình đừng nên bỏ cuộc”- ông Hiển nói.


Chia sẻ