Coco Chanel: Từ ca sĩ phòng trà đến nhà thiết kế thời trang huyền thoại, là bóng hồng của bao người lỗi lạc nhưng mãi cô đơn đến cuối đời

Newben,
Chia sẻ

Coco Chanel đã chứng minh rằng phụ nữ không cần phải định nghĩa bản thân bởi người đàn ông đã yêu và bỏ rơi mình mà trên hết, bà là sản phẩm sáng tạo của chính mình và vẫn mãi đi tìm sự hoàn hảo trong thiết kế cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.

Coco Chanel: Từ ca sĩ phòng trà đến nhà thiết kế thời trang huyền thoại, là bóng hồng của bao người lỗi lạc nhưng mãi cô đơn đến cuối đời - Ảnh 1.

(Ảnh: Internet)

Trong số những nhà thiết kế thời trang đã tạo ra tầm ảnh hưởng lớn và lâu dài về phong cách thời trang của phụ nữ trong thế kỷ 20, Gabrielle "Coco" Bonheur Chanel chắc chắn là một cái tên luôn được ngợi ca một cách đặc biệt. Có thể nói rằng, nhắc đến Coco Chanel, người ta chẳng thể nào bỏ qua những chiếc váy đen "Little Black Dress" sang trọng, những bộ "Chanel suit" trang nhã, nữ tính và hiện đại, những chiếc túi Chanel 2.55 huyền thoại hay dòng nước hoa Chanel No.5 quyến rũ. Bà là người đàn bà mảnh mai, quyến rũ nhưng đầy quyền lực trong làng thời trang thế giới thời bấy giờ bởi bà không chỉ khiến mọi người nhớ đến qua những thiết kế tinh tế, tuyệt đỉnh mà còn là một phong cách sống phóng khoáng, muốn giúp phụ nữ thoát khỏi sự gò bó, những lối mòn, sự ràng buộc của xã hội xưa.

Nhà thiết kế thời trang Coco Chanel có tên thật là Gabrielle Bonheur Chanel, sinh ra vào ngày 19/8/1883 tại Saumur, Pháp. Bà sinh ra trong một gia đình nghèo khó, cả gia đình sống trong một ngôi nhà nhỏ và người mẹ lại bị bệnh rất nặng, phải cách ly để không lây nhiễm cho các con. Năm Coco Chanel được 12 tuổi, mẹ của bà qua đời và đó cũng là lúc gia đình bà bắt đầu ly tán. Người bố đã đưa 2 cậu con trai cho một gia đình khác chăm sóc, bỏ rơi 3 cô con gái trong cô nhi viện của tu viện Aubazine.

Coco Chanel: Từ ca sĩ phòng trà đến nhà thiết kế thời trang huyền thoại, là bóng hồng của bao người lỗi lạc nhưng mãi cô đơn đến cuối đời - Ảnh 2.

Coco Chanel lúc sống trong cô nhi viện. (Ảnh: Internet)

Cuộc sống của Coco Chanel trong cô nhi viện cùng các nữ tu có thể rằng đầy sự hà khắc, thế nhưng đây lại là nơi bắt đầu cho sự nghiệp thiết kế của bà. Tại Aubazine, cô bé Gabrielle được các nữ tu dạy thêu thùa, may vá. Sau này, Coco Chanel thừa nhận rằng, nơi tưởng như nhàm chán và khô khan như Aubazine chính là nơi bà nuôi dưỡng tâm hồn, sự say mê với thời trang. Nhưng Gabrielle chỉ ở lại tu viện đến năm cô 18 tuổi và sau đó, cô đã rời đi, tự xoay xở để tìm kế sinh nhai. Với những kiến thức may vá được học ở tu viện, Gabrielle trở thành một thợ may ở l'Horloge, làm việc vào các ngày trong tuần. Đến cuối tuần, Gabrielle đến may cho một cửa hàng khác - nơi cô được gợi ý, dẫn lối để trở thành một ca sĩ phòng trà.

Gabrielle thường xuyên biểu diễn tại Vichy và Moulins trong suốt 3 năm và hai bài hát quen thuộc nhất của Gabrielle chính là Ko Ko Ri Ko và Qui qu'a vu Coco. Chẳng mấy chốc, khán giả yêu thích rồi gọi Gabrielle với tên gọi Coco. Từ đó, cái tên Coco Chanel chính thức ra đời. Tuy nhiên, trong một bài phỏng vấn với The Atlantic, Coco Chanel khẳng định rằng cái tên Coco là một phiên bản ngắn của từ "cocotte", trong tiếng Pháp có nghĩa là phụ nữ. Nhưng sự nghiệp ca hát không thuận buồm xuôi gió như Coco Chanel kì vọng. Dù vậy, những đêm đắm mình dưới ánh đèn sân khấu không trôi qua vô nghĩa khi nó đã mang đến cho Coco Chanel cơ hội gặp gỡ và yêu Etienne Balsan - người từng là sĩ quan kị binh nhưng đã từ chức, trở thành người nuôi ngựa để tham gia đua ngựa. Nhưng Coco Chanel và Balsan không bên nhau quá lâu, họ nhanh chóng chia tay và Coco trở thành người yêu của Arthur "Boy" Capel - một người đàn ông giàu có do Balsan giới thiệu.

Coco Chanel: Từ ca sĩ phòng trà đến nhà thiết kế thời trang huyền thoại, là bóng hồng của bao người lỗi lạc nhưng mãi cô đơn đến cuối đời - Ảnh 3.

Coco Chanel và Capel. (Ảnh: Internet)

Có thể nói rằng Balsan và Capel chính là 2 người đàn ông đã hỗ trợ cho Coco Chanel rất nhiều trong bước đầu khởi nghiệp của bà. Balsan đã cho Coco Chanel mượn căn hộ của mình ở Paris để bà mở một tiệm may, giới thiệu bà với giới thượng lưu của Paris. Từ đó, Coco Chanel bắt đầu được tiếp xúc với cuộc sống hào nhoáng, nơi có những người phụ nữ khoác trên mình bộ cánh lộng lẫy, kiêu sa. Thế nhưng điều Coco Chanel ao ước không phải là cơ hội được sở hữu chúng, được diện chúng trên mình mà là làm thế nào để tạo ra được những bộ cánh xinh đẹp như thế. Còn Capel là người đã giúp đỡ tài chính cho Coco Chanel để bà có thể phát triển trong lĩnh vực thời trang mà mình hết mực đam mê. Không chỉ vậy, tất cả trang phục cũ của Capel đều dành cho Coco Chanel để bà sửa lại chúng cho phù hợp với mình, cho ra đời những thiết kế độc đáo.

Cửa hàng đầu tiên của Coco Chanel được mở tại Paris vào năm 1910 và sau đó mở rộng tại Deauville vào năm 1913 và ở Biarritz vào năm 1915. Chỉ từ một cửa hàng may và bán mũ cùng vài dòng quần áo nhất định, các cửa hàng thời trang của Coco Chanel phát triển nhanh chóng và giúp bà gặt hái được thành công rực rỡ. Chính nhờ việc chỉnh sửa trang phục cũ của Capel thành của mình, Coco Chanel đã có cơ hội khẳng định phong cách thời trang với công chúng, ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn từ phụ nữ. Từ đó, bà chuyển hướng sang thiết kế trang phục cho phái nữ và tập trung vào 2 nhánh: Haute couture (thời trang may đo cao cấp) và Ready to wear (thời trang may sẵn). Tên tuổi của Coco Chanel vụt sáng trở thành một hiện tượng, tâm điểm của mọi sự chú ý trong làng thời trang.

Coco Chanel: Từ ca sĩ phòng trà đến nhà thiết kế thời trang huyền thoại, là bóng hồng của bao người lỗi lạc nhưng mãi cô đơn đến cuối đời - Ảnh 4.

Tên tuổi của Coco Chanel vụt sáng trở thành một hiện tượng, tâm điểm của mọi sự chú ý trong làng thời trang. (Ảnh: Internet)

Nhắc đến Coco Chanel mà không nói về Chanel No. 5, Little Black Dress, Chanel suit, Chanel jacket, Chanel 2.55 là một sự thiếu sót. Thừa thắng xông lên sau sự thành công về thời trang, những năm 1920, Coco Chanel cho ra đời 5 dòng nước hoa được đánh số và nó lập tức đưa tên tuổi của bà, thương hiệu thời trang của bà lên một tầm cao mới. Trong số 5 dòng đó, Chanel No. 5 chính là dòng đầu tiên được đặt theo tên của bà và đó chính là dòng nước hoa mang đậm khí chất của bà. Mùi hương nồng nàn, cao cấp, tinh túy được chứa đựng trong chiếc chai đơn giản, cổ điển, chẳng cầu kì, chẳng có chi tiết thừa thãi. Với Coco, nước hoa là vũ khí tối thượng của phụ nữ, là một phụ kiện thời trang vô hình mà nếu "không dùng thì không có tương lai". Bà còn từng khẳng định: "Nước hoa là một phụ kiện tối thượng của thời trang, chẳng thể nhìn thấy nhưng chẳng thể nào quên, báo hiệu cho sự hiện diện của bạn và để lại dấu ấn khi bạn rời đi".

Coco Chanel: Từ ca sĩ phòng trà đến nhà thiết kế thời trang huyền thoại, là bóng hồng của bao người lỗi lạc nhưng mãi cô đơn đến cuối đời - Ảnh 5.

Mùi hương nồng nàn, cao cấp, tinh túy được chứa đựng trong chiếc chai đơn giản, cổ điển, chẳng cầu kì, chẳng có chi tiết thừa thãi. (Ảnh: Internet)

Năm 1926, Coco Chanel giới thiệu bản vẽ Little Black Dress của mình trên tạp chí Vogue. Kiểu váy Evening hay Cocktail màu đen của Coco Chanel lập tức thuyết phục được phái nữ dù rằng bà không phải là người đầu tiên và duy nhất sáng tạo ra kiểu váy quyến rũ này. Lý do là bởi nó đủ sang trọng, tinh tế, quý phái giúp phụ nữ vượt qua được quan điểm màu đen là màu của tang tóc, đau thương, họ ấn tượng với chúng và tự tin rằng mình thực sự sẽ quyến rũ hơn trong chiếc váy này. Và đó cũng là lý do để Little Black Dress của Coco Chanel trở thành một dòng sản phẩm huyền thoại trong sự nghiệp của bà.

Coco Chanel: Từ ca sĩ phòng trà đến nhà thiết kế thời trang huyền thoại, là bóng hồng của bao người lỗi lạc nhưng mãi cô đơn đến cuối đời - Ảnh 6.

Tháng 10/1926, Coco Chanel lần đầu tiên giới thiệu Little Black Dress trên tạp chí Vogue. (Ảnh: Internet)

Trong khi đó, Chanel jacket và Chanel suit lại mang đến một khái niệm mới về thời trang cho phụ nữ thời đó. Năm 1954, bà cho ra đời Chanel jacket được lấy ý tưởng từ kiểu Tyrolean jacket - trang phục nam truyền thống của người Trung Âu thế kỷ 19 - nhưng dưới bàn tay của Chanel, nó trở thành chiếc áo vừa thời trang mà vẫn giúp phụ nữ thoải mái vận động hơn trong các hoạt động hàng ngày. Tiếp theo đó là Chanel suit đầy phóng khoáng, tự do, tiện dụng, được đón nhận ngay từ khi mới ra mắt. Nó khác hẳn với sự lịch lãm, cổ điển, quý tộc, nổi loạn, mạnh mẽ của những bộ suit của các hãng thời trang danh tiếng cùng thời khác bởi vì đó là một sản phẩm Coco Chanel sáng tạo và dành cho quý cô Pháp, nó phải hội tụ đủ yếu tố trang nhã, nữ tính và hiện đại của họ. 

Một item huyền thoại đình đám khác của Coco Chanel chính là Chanel 2.55, được ra mắt vào năm 1955. Đó là chiếc túi da bê mềm hình hộp màu đen, có nắp, khóa kim loại Mademoiselle hình chữ nhật, chần chỉ hình quả trám, sử dụng dây xích kim loại. Một lần nữa, một món phụ kiện không phải do Coco Chanel sáng tạo và sản xuất đầu tiên nhưng lại trở thành một phụ kiện được săn lùng hàng đầu thời bấy giờ. Dưới bàn tay tài hoa của Coco Chanel, chiếc túi trở thành niềm mơ ước của mọi phụ nữ từ khi nó mới ra đời cho đến ngày hôm nay.

Coco Chanel: Từ ca sĩ phòng trà đến nhà thiết kế thời trang huyền thoại, là bóng hồng của bao người lỗi lạc nhưng mãi cô đơn đến cuối đời - Ảnh 7.

Chanel 2.55 (Ảnh: Internet)

Có thể nói rằng bà trở thành biểu tượng thời trang, bà nổi tiếng không đơn thuần nhờ vẻ đẹp của những thiết kế của bà mà nó còn đến từ những quan điểm, tư tưởng bà truyền tải qua những thiết kế đó. Một trong những nguồn cảm hứng để Coco Chanel cho ra đời những tác phẩm thời trang kinh điển, mang tính biểu tượng thời trang đến từ những năm tháng bà ở trong tu viện. Hai màu trắng đen trên trang phục của nữ tu vốn được xem là màu u ám, buồn bã bỗng chốc trở thành biểu tượng của sự độc lập, tự do, sức mạnh và cổ vũ họ tiếp tục sống dù cho tình yêu mang đến cho họ đau khổ. Bà nhớ đến những điều giản dị, mộc mạc trong tu viện và biến chúng trở thành nguồn cảm hứng cho những thiết kế nổi tiếng, ngay cả chuỗi tràng hạt của các nữ tu cũng trở thành nguồn cảm hứng để bà thiết kế nên những sợi trang sức lấp lánh.

Mỗi một thiết kế là một thông điệp bà muốn truyền tải và trong suốt nhiều năm hoạt động, bà đã có rất nhiều câu nói truyền cảm hứng đến phụ nữ về thời trang lẫn một phong cách sống. Chúng giải phóng phụ nữ khỏi những quan điểm thời trang gò bó, xưa cũ, những quan điểm lỗi thời và thậm chí còn trở thành kim chỉ nam cho phụ nữ, giúp họ tự tin hơn, dám bứt phá và được là chính mình hơn. "Tôi không tạo ra thời trang. Tôi chính là thời trang", đó chính là một trong những câu nói truyền cảm hứng nhất của bà, khiến bao phụ nữ đã thay đổi quan điểm, nhận thức của mình về thời trang.

Coco Chanel: Từ ca sĩ phòng trà đến nhà thiết kế thời trang huyền thoại, là bóng hồng của bao người lỗi lạc nhưng mãi cô đơn đến cuối đời - Ảnh 8.

"Tôi không tạo ra thời trang. Tôi chính là thời trang", đó chính là một trong những câu nói truyền cảm hứng nhất của bà, khiến bao phụ nữ đã thay đổi quan điểm, nhận thức của mình về thời trang. (Ảnh: Internet)

Coco Chanel: Từ ca sĩ phòng trà đến nhà thiết kế thời trang huyền thoại, là bóng hồng của bao người lỗi lạc nhưng mãi cô đơn đến cuối đời - Ảnh 9.

(Ảnh: Internet)

Coco Chanel: Từ ca sĩ phòng trà đến nhà thiết kế thời trang huyền thoại, là bóng hồng của bao người lỗi lạc nhưng mãi cô đơn đến cuối đời - Ảnh 10.

(Ảnh: Internet)

Coco Chanel: Từ ca sĩ phòng trà đến nhà thiết kế thời trang huyền thoại, là bóng hồng của bao người lỗi lạc nhưng mãi cô đơn đến cuối đời - Ảnh 11.

(Ảnh: Internet)

Thế nhưng đi ngược lại với sự thành công trong sự nghiệp, Coco Chanel lại khá cô đơn trong chuyện tình cảm. Cuộc đời bà được nhiều người đàn ông lỗi lạc, tài hoa vây quanh như Igor Starvinsky, Picasso, Dalí, Cocteau, Diaghilev, Churchill thế nhưng bà lại là người đàn bà chưa một lần được khoác lên mình chiếc váy cưới. Sau những giờ phút sống dưới ánh hào quang ngoài xã hội, bà trở về căn hộ ở Paris trong sự cô đơn. Trong căn hộ đó đầy những vật trang trí thể hiện rõ khát khao hạnh phúc của bà như cặp hươu đúc bằng đồng, cặp lạc đà trên bàn, cặp vẹt bằng ngọc trai trong lồng đính đá… tất cả đều có đôi có cặp, nhưng bà thì không. Trên bàn còn có cả một chiếc hộp chạm khắc do Công tước Westminster tặng khi cả hai yêu nhau. Công tước đã dành cho Coco Chanel trọn trái tim của mình nhưng cuối cùng, họ vẫn chẳng đến được với nhau. Khi được hỏi lý do vì sao, bà chỉ trả lời: "Ai cũng kết hôn với Công tước Westminster cả. Có quá nhiều Công nương rồi nhưng chỉ có duy nhất một Coco Chanel mà thôi".

Lớn lên từ sau bức tường của trại mồ côi, đến Paris để lập nghiệp và đi khắp thế giới trong suốt thời kì hoàng kim của mình, Coco Chanel đã chứng minh rằng phụ nữ không cần phải định nghĩa bản thân bởi người đàn ông đã yêu và bỏ rơi mình mà trên hết, bà là sản phẩm sáng tạo của chính mình và vẫn mãi đi tìm sự hoàn hảo trong thiết kế cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời.

(Nguồn: time, telegraph, biography, thefashionglobe)

Chia sẻ