Coca-Cola đứng đầu bảng xếp hạng "các thương hiệu làm rác bãi biển", McDonald góp mặt trong Top 4
Đó là kết quả của một khảo sát thực tiễn được tiến hành bởi Surfers Against Sewage (SAS), một nhóm bảo tồn thiên nhiên biển của Anh, hoạt động với sứ mệnh bảo vệ các bãi biển và các loài sinh vật biển.
Là một phần trong chuỗi các hoạt động của mình, SAS đã tổ chức một chiến dịch có tên gọi "Big Spring Beach Clean" (tạm dịch là "Chiến dịch khổng lồ: Bãi biển – Thay áo Mùa Xuân"), kéo dài từ ngày 06 tháng 04 đến ngày 14 tháng 04 năm 2019. Chiến dịch này đã thu hút một số lượng lớn các tình nguyện viên tham gia với tổng số lần ra quân là 229 lần.
Kết thúc chiến dịch, tổng số rác mà SAS đã thu được là gần 50.000 mảnh. Sau đó, SAS đã phân loại số rác này theo thương hiệu nhằm trả lời cho câu hỏi lớn nhất và giá trị nhất mà tổ chức này đặt ra trước Big Spring Beach Clean đó là: "Thương hiệu nào đang đứng đầu trong bảng xếp hạng các thương hiệu làm rác bãi biển tại khu vực bờ biển nước Anh?".
Tuy nhiên, trong tổng số gần 50.000 mảnh rác thu được, chỉ 20.000 mảnh là có thể nhận dạng và phân loại được vào nhóm thương hiệu.
Coca-Cola đứng đầu trong bảng xếp hạng "các thương hiệu làm rác bãi biển" ở Anh - Ảnh minh họa.
Thống kê của SAS đã đưa ra một bảng chi tiết các con số cụ thể với tỉ trọng tương ứng của từng thương hiệu. Theo đó, Coca-Cola là thương hiệu có lượng rác xuất hiện nhiều nhất với 11,6%; 7,45% số rác ghi tên thương hiệu bánh mì và bánh qui – Walkers; tiếp đó là Cadbury với 6,45% và cuối cùng trong top 4 là McDonald với 5,97%.
Bên cạnh đó, SAS cũng đưa ra một thống kê phái sinh xuất phát từ thống kê trên. Cụ thể, tổ chức này đã sắp xếp các công ty sở hữu các "thương hiệu rác" đã được phân loại theo mức độ từ cao xuống thấp. Theo đó, đứng vị trí đầu tiên là Tập đoàn Coca-Cola với 15,5%; vị trí thứ hai thuộc về PepsiCo – công ty sở hữu hai thương hiệu lớn là Walkers và Pepsi – với 10,3%; Suntory – hãng sở hữu Lucozade và France Orangina – đứng ở vị trí thứ 6 với 4,68%.
Chiến dịch này của SAS đã thu hút một số lượng lớn các tình nguyện viên tham gia với tổng số lần ra quân là 229 lần.
Theo The Guardian, tại Anh, 100% rác thải thuộc nhóm lon và và chai nhựa là có thể tái chế được, với tổng chi phí tái chế ước tính khoảng 2 triệu bảng mỗi năm. Tuy nhiên, SAS khẳng định rằng "khoảng 90% chi phí xử lý rác thải hiện nay là do ngân sách địa phương gánh vác". Điều này có nghĩa là người nộp thuế, bao gồm cả các doanh nghiệp, người tiêu dùng và các cá nhân khác phát sinh nghĩa vụ thuế, phải chịu chi phí này.
Trước khẳng định đó, SAS cho biết: "Các công ty mới là chủ thể phải chịu trách nhiệm về rác thải và chất thải từ sản phẩm". Đồng thời, tổ chức này cũng đã gửi kết quả khảo sát đến Chính phủ Anh.
Trong một nỗ lực to lớn, Chính phủ Anh đang tìm cách để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải gây ra thông qua việc xây dựng nên bộ quy định Extended Producer Responsibility (ERP) hay còn gọi là Quy định mở rộng về Trách nhiệm của các công ty sản xuất.
Thống kê của SAS đã đưa ra bảng chi tiết các con số cụ thể với tỉ trọng tương ứng của từng thương hiệu.
Trước kết quả khảo sát của SAS, người phát ngôn của Coca-Cola đã nói: "Bản thân hãng và sản phẩm của hãng đều không muốn làm bẩn môi trường nói chung hay các bãi biển nói riêng. Hãng cũng đã đưa ra thông báo tới người tiêu dùng về cách xử lý rác thải sau khi sử dụng sản phẩm".
Là công ty sử dụng đến 3 triệu tấn bao bì mỗi năm, Coca-Cola bày tỏ thái độ ủng hộ với tinh thần cải cách của ERP. Đồng thời, với mục tiêu hướng đến một "xã hội không rác thải" (WTO), hãng này đã công bố rất nhiều các sáng kiến tái chế, tái sử dụng rác thải, trong đó có mô hình "bottle-to-bottle".
(Nguồn: gigazine)