Có thể bạn chưa biết: Phong trào #MeToo đã xuất hiện ở làng quê Việt Nam từ rất lâu rồi

RUBY,
Chia sẻ

Xem lại những thước phim cũ của điện ảnh nước nhà thời thập niên 90, mới thấy phụ nữ nông thôn Việt Nam quả xứng đáng là những tấm gương tiêu biểu của phong trào #Metoo hiện đang trở thành làn sóng dữ dội ở nhiều nơi trên thế giới.

Phong trào Me Too (bắt nguồn từ hashtag "#MeToo") là một làn sóng chống quấy rối và bạo hành tình dục nổ ra và lan tỏa nhanh chóng từ tháng Mười năm 2017 như một hashtag được sử dụng trên phương tiện truyền thông xã hội nhằm giúp chứng minh sự phổ biến rộng rãi của việc quấy rối và bạo hành tình dục, đặc biệt là tại nơi làm việc. #MeToo nổ ra ngay sau những tiết lộ công khai về những cáo buộc hành vi lạm dụng tình dục chống lại Harvey Weinstein - cựu trùm truyền thông của Hollywood.

#MeToo hiện tại đã lan truyền tới nhiều nước trên thế giới, tiếp thêm sức mạnh và sự can đảm cho những phụ nữ từng là nạn nhân của quấy rối tình dục mạnh dạn đứng lên tố cáo và chống lại cái xấu.

Những tưởng với một nước không mấy cởi mở khi nói đến chuyện tình dục như Việt Nam sẽ đứng ngoài sự lan truyền của làn sóng này. Song có lẽ phong trào này đã xuất hiện ở nước ta từ rất lâu trước khi chính thức nổ ra từ tháng 4 năm 2018. Nếu không tin, mời bạn xem một trích đoạn ngắn từ bộ phim Giải hạn của đạo diễn Vũ Xuân Hưng – một tác phẩm điện ảnh đặc sắc của Việt Nam ra mắt khán giả năm 1996.

Trích đoạn phim "Giải Hạn" (nguồn: Page 101+ PHIM VIỆT NAM)

Nhân vật chính trong Giải hạn là Triệu (do nghệ sĩ Lê Vy thủ vai) – một người phụ nữ tảo tần luôn chăm lo cửa nhà khi chồng chị - anh Đại (Trần Lực) đi làm ở nước ngoài. Thế nhưng người chồng bội bạc lại đem lòng yêu một cô gái Hà Nội nơi đất khách và có ý về bỏ vợ. Cả mẹ chồng và Thiện, cậu em chồng (Trung Hiếu) đều đứng ra bảo vệ chị và phản đối kịch liệt chuyện này. Bất chấp sự ngăn cản của gia đình và tình nghĩa vợ chồng với Triệu, Đại vẫn quyết định bỏ vợ để đến với người tình ở Hà Nội. Gã để lại mười cây vàng cùng tờ đơn ly hôn chờ Triệu ký rồi gửi ra thủ đô.

Khác với nhiều tác phẩm điện ảnh thời trước của Việt Nam thường khắc họa hình ảnh người phụ nữ tần tảo, chịu thương chịu khó và cam chịu trước số phận éo le, nghiệt ngã, Giải hạn lại hướng tới một hình tượng phụ nữ mới mẻ, cá tính hơn nhiều. Nhà báo Lê Hồng Lâm cho biết: "Giải hạn có cốt truyện phần nào giống Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh, cũng là câu chuyện buồn của phụ nữ nông thôn miền Bắc thời đầu Đổi mới, cũng là những tình cảm khó nói giữa chị dâu và em chồng; nhưng hai bộ phim có hai hướng triển khai hoàn toàn khác nhau. Nếu chị Ngữ (Thúy Hường) trong Thương nhớ đồng quê đè nén nỗi buồn vào trong, chịu cảnh an phận thủ thường thì Triệu trong Giải hạn là một người phụ nữ chủ động và tìm mọi cách để tự "giải hạn" cho mình."

Có thể bạn chưa biết: Phong trào #MeToo đã xuất hiện ở làng quê Việt Nam từ rất lâu rồi - Ảnh 2.

Chân dung cô Triệu (Lê Vy) – người phụ nữ không cam chịu số phận

Bộ phim đã khắc họa sinh động sự phát triển tâm lý của nhân vật Triệu – từ một người phụ nữ nông thôn hiền lành, giàu đức hy sinh và chịu đựng trước những bất công của số phận đã "vùng lên" sau khi chứng kiến sự bội bạc của người chồng mình từng rất mực thương yêu và sự chèn ép của lão Toán (Trung Anh) là đại lý thu mua lụa trong làng. Cô bắt đầu tìm kiếm con đường mới để thay đổi số phận, để giải thoát bản thân và cả nhà chồng mà cô vốn xem như gia đình mình khỏi sự khốn khó, bế tắc nơi làng quê.

Trích đoạn nói trên là những phân cảnh thú vị đáng nhớ trong phim khi Triệu vì không cam chịu số phận hẩm hiu bị chồng ruồng rẫy, bị đám con buôn trong làng chèn ép mà vùng lên quyết tâm rời khỏi chốn làng quê ngột ngạt để lên thành phố tìm cơ hội đổi đời. Qua trích đoạn này, có thể thấy Triệu là một nhân vật nữ cực kỳ cá tính và mạnh mẽ khi cô quyết liệt ra đi mặc cho sự lo lắng và nghi ngại của Thiện – người em chồng vốn luôn dành tình cảm đặc biệt cô.

Dù xuất thân nông thôn, lại là trẻ mồ côi, song Triệu không ngại va chạm, gặp gỡ những thương nhân giàu có nơi thành phố để tìm kiếm cơ hội "xuất khẩu" sản phẩm lụa của mình. Đặc biệt, cảnh cuối trong trích đoạn này là một khoảnh khắc vô cùng ấn tượng của nhân vật Triệu khi cô mạnh mẽ chống trả và dùng... phích nước nóng đe dọa gã thương nhân đểu giả định giở trò "yêu râu xanh" với mình.

Có thể bạn chưa biết: Phong trào #MeToo đã xuất hiện ở làng quê Việt Nam từ rất lâu rồi - Ảnh 3.

Nhân vật Triệu dùng... phích nước đe doạ kẻ định sàm sỡ mình

Vậy mới thấy ý thức chống nạn quấy rối và bạo hành tình dục đã được Việt Nam nêu cao từ rất lâu rồi. Giữa lúc phong trào #MeToo đang lan truyền rộng rãi đến Việt Nam như hiện nay, nền điện ảnh Việt Nam cần thêm nhiều lắm những "cô Triệu" như thế này để làn sóng chống quấy rối và bạo hành tình dục được lan tỏa một cách tích cực hơn nữa.

Chia sẻ