Co ro trắng đêm bán dịp Tết, người nông dân vẫn thấp thỏm vì tâm lý đợi đêm 30 mua hoa giờ chót
Dù mất cả năm canh trồng hoa buôn bán Tết, nông dân vẫn phải thấp thỏm lo âu trước tâm lý chờ mua cận giờ chót của khách. Để có thể bán thêm hàng, nhiều người buộc phải co ro thức trắng đêm túc trực.
Mỗi năm, dịp cận Tết, hàng trăm hộ nông dân từ miền Tây lại đưa ghe chở hoa cảnh lên buôn bán tại Bến Bình Đông (Q.8, TP. HCM). Không khí tấp nập, ai cũng mong muốn sẽ có thêm một ít đồng lời cho gia đình ngày Tết.
Thế nhưng, vẫn còn nhiều trường hợp rơi vào tình cảnh khốn đốn vì lỗ vốn, bán đổ bán tháo vào giờ chót.
Tất cả nông dân bán hoa trên ghe Sài Gòn đều mang tâm trạng thấp thỏm lo âu trước “canh bạc” của chính mình.
Bến Bình Đông là chợ hoa cảnh lớn nhất thành phố vào dịp Tết, luôn tấp nập người mua.
Co ro thức trắng đêm để buôn bán hoa Tết
Có mặt tại Bến Bình Đông lúc 1h sáng, không khí buôn bán vẫn còn nhộn nhịp. Hầu hết các tiểu thương đều thức trắng để canh ghe và túc trực chờ khách hỏi thăm. Dưới nhiệt độ 20 độ C, nhiều người co ro trong chiếc chăn mỏng, hoặc tụ tập đốt lửa để sưởii ấm.
“Vì khách vẫn cứ ghé lai rai nên không thể nào chợp mắt được…” - chú Ất (50 tuổi, quê Bến Tre) chia sẻ.
Dù đã hơn 1h sáng nhưng nhiều khách vẫn ghé mua cây cảnh Tết.
Những nông dân phải túc trực cả ngày đêm để buôn bán, đồng thời đề phòng trộm cắp.
Vựa hoa của chú Ất có hơn 1.000 tắc cảnh Bến Tre. Theo đó, chú đã có hơn 5 năm trồng cây cảnh. Mọi năm, sau Tết Nguyên đán, cả nhà lại bắt đầu ươm mầm và chăm sóc cho tới khi đơm quả. Chờ dịp cận Tết, chú Ất lại đánh ghe lên Sài Gòn buôn bán.
Với số lượng nhiều, cả gia đình chú luôn phải thay phiên nhau túc trực ngày đêm. “Lên từ hôm 25 rồi mà khách cũng vãn chứ chưa mặn mà lắm. Nhưng vì cứ ghé ra vô thường xuyên nên mình không thể nào chợp mắt được.” - Chú Ất kể.
Đã quá 1h rưỡi đêm, mắt đỏ au vì nhiều đêm thức trắng, chú Ất vẫn phải gắng thức. Bên cạnh lúc nào cũng có bình trà và ly café giữ ấm. Một lúc lâu, có người trả giá 700 nghìn cho một chậu tắc nhỏ, chú bán ngay. “700 thì xem như cũng có lời nên thôi đẩy nhanh cho còn về sớm.”
Cạnh đó, tại sạp hoa mai của chị Trà (49 tuổi, quê Bến Tre) nhiều khách cũng ghé lựa, song được lúc lâu lại đi ra.
Thực tế là số lượng hoa mai ở hầu hết trên Bến Bình Đông đều chưa trổ bông đều và đẹp nên nhiều khách còn kén chọn. Chị Trà cho biết:
“Thời tiết trở lạnh đột ngột đã làm lượng mai vườn nhà chị gần như không bung nụ, việc bán cũng gặp nhiều khó khăn. Chị buộc thức mỗi đêm, tưới nước ấm cho những cây chưa trổ hoa, rao bán cũng như đề phòng trộm cắp.
Còn sạp hoa giấy của anh Kiểng thì được nhiều khách ghé thăm hơn. Anh Kiểng bảo: “Số lượng hoa năm nay nhiều nhưng giá một số loại như hoa giấy rẻ nên nhiều người cũng chấp nhận mua. Song với chi phí đi lại cao nên anh chỉ bán được vừa đúng giá, chứ bớt 100, 200 nghìn người nông dân cũng gần như không có lời”.
Nhiều người phải co ro ngủ trong đêm Sài Gòn lạnh dưới 20 độ.
Như vậy, dù đã gần 2h sáng, không khí chợ hoa Bến Bình Đông vẫn còn nhiều khách ghé thăm, nông dân buộc phải thức đêm buôn bán. Công việc diễn ra thường xuyên khiến ai cũng uể oải, thiếu ngủ. "Giờ chỉ cần đặt lưng ra đất chú cũng ngủ được luôn.
Vì mệt qua rồi, chuyển hoa từ ghe lên đất, rồi chở hoa cho khách, túc trực bán buôn,… từ đêm 25 đến giờ chú vẫn chưa thể nào chợp mắt nổi.” - chú Ất tâm sự.
“Mong mọi người hiểu cho nông dân, đừng đợi đêm 30 mua hoa đổ tháo vào giờ chót…”
Mặc dù mất cả nhiều năm trời trồng trọt, bỏ hàng chục triệu đồng đầu tư, nhưng cũng không ít năm, người nông dân phải chấp nhận việc lỗ vốn.
Nhiều người còn cho rằng: Việc buôn bán của mình như một “canh bạc”, đều trông mong vào sự may rủi của nhu cầu khách mua. “Mọi người nuôi tâm lý mua hoa giờ chót cho rẻ nên đâm ra khi vừa báo giá họ đã chê, hoặc là trả giá rẻ mạt khiến tiểu thương không thể bán được.” - chú Ất nói.
“Mọi người nuôi tâm lý mua hoa giờ chót cho rẻ nên đâm ra khi vừa báo giá họ đã chê, hoặc là trả giá rẻ mạt khiến tiểu thương không thể bán được.” - chú Ất nói.
Thuyền ghe vẫn tấp nập trên Bến Bình Đông dù đã cận Tết.
Chú Bưởu (54 tuổi, nghệ nhân bon sai Bến Tre) đã có hơn 15 buôn bán hoa Tết tại bến Bình Đông. Theo đó, để có được cây hoa thành phẩm, cả gia đình chú phải bỏ vốn chục triệu đồng mua giống, phân bón,… mỗi năm, và chăm sóc liên tục trong 3-4 năm mới có thể bán được.
Quanh năm, ăn nằm với hoa cảnh. Vậy mà cũng vì tâm lý chờ mua hoa giờ chót, có năm chú phải bán đổ bán tháo để kiếm lại đủ tiền chi trả nhân công.
“Năm nay gần như mọi ghe hoa đều bán chậm hơn vì điều kiện thời tiết khá lạnh. Ngoài ra nhiều người còn chờ đợi phút cuối hoa hạ giá. Còn mình thì buộc lòng phải bán thôi vì không thể nào lại thuê ghe chở về lại một lần nữa.”
Đối với những hộ bán hoa như: cúc, tắc, vạn thọ,… chỉ sử dụng được một năm, người nông dân lại càng thấp thỏm lo âu hơn trước tâm lý mua hàng của khách. “Đâu thể nào đem về lại để chăm sóc cho năm tới như hoa mai được, có gì cũng phải bán đổ bán tháo đêm 30.” - chú Bưởu kể.
Tại vựa tắc cảnh, chú Tuấn đã đầu tư cho buôn bán dịp Tết năm nay gần 100 triệu đồng tiền nhân công và ghe thuyền. Số vốn lớn nhưng lượng khách còn ít khiến chú luôn thấp thỏm lo âu. “Cả nhà sống dựa vào việc trồng cây cảnh buôn bán Tết, nên cũng mong mọi người hãy hiểu cho nông dân, đừng đợi đến đêm 30 để mua hoa tháo đổ vào giờ chót.”
“Đâu thể nào đem về lại để chăm sóc cho năm tới như hoa mai được, có gì cũng phải bán đổ bán tháo đêm 30.” - chú Bưởu kể.
2h sáng ngày 28 Tết, trời Sài Gòn lạnh co ro, nhiều tiểu thương vẫn quây quần bên nhau sưởi ấm. Ai ai cũng chờ đợi vào một mùa bội thu có thêm thu nhập từ công việc buôn bán hoa cảnh ngày Tết.
2h sáng ngày 28 Tết, trời Sài Gòn lạnh co ro, nhiều tiểu thương vẫn quây quần bên nhau sưởi ấm. Ai ai cũng chờ đợi vào một mùa bội thu có thêm thu nhập từ công việc buôn bán hoa cảnh ngày Tết. Dù cho nhiều đêm thức trắng, nhưng họ tràn đầy lạc quan.
“Nghề này như canh bạc vậy á cháu, may thì bán lời dư giả chút đỉnh, xíu thì huề, lỗ vốn xem như mấy công cả năm trời làm quần quật. Nhưng dù sao thì Tết nhứt mà, có cũng phải vui, đâu thể nào buồn được…” - chú Bưởu cười kể.