Có phải "Tình Khúc Bạch Dương" đang cố làm giảm nhẹ tội ngoại tình?
Liệu đây chỉ là sự tình cờ do bản thân đạo diễn và biên kịch khi chọn yếu tố ngoại tình làm chủ đạo để tạo sự kịch tích cho cốt truyện hay là một thông điệp riêng mà phần một của "Tình Khúc Bạch Dương" muốn truyền tải?
Tình Khúc Bạch Dương hiện gây được khá nhiều sự chú ý hiện nay bởi bối cảnh nước Nga hồn hoa thời Xô Viết với đầy những kỷ niệm tươi đẹp của những du học sinh Việt Nam mộng mơ và nhiệt huyết. Bên cạnh sức hấp dẫn từ bối cảnh, bộ phim cũng gây ấn tượng bởi cốt truyện kịch tính và nhiều mâu thuẫn được đẩy đến cao trào. Trong đó, các tình tiết được khai thác nhiều nhất trong phim là về chủ đề ngoại tình.
Trailer phim 'Tình khúc Bạch Dương'
Mối quan hệ trung tâm của bộ phim là câu chuyện của bốn bạn trẻ người Việt sang nước Nga học tập và sinh sống. Họ là Vân ( Huỳnh Hồng Loan ), Quyên (Minh Trang), Hùng (Huỳnh Anh ) và Quang ( Bình An ). Vân và Quyên là hai người bạn thân khi còn học ở Việt Nam. Chuyển đến nước Nga để học tập, Vân phải lòng Quang còn Quyên thì nối lại mối quan hệ với Hùng. Hai cô gái "ký hiệp ước" với nhau rằng sau này nhất định phải kết hôn với người mình đang yêu rồi sau đó sinh con và kết thông gia với nhau.
Khá đáng tiếc cho cặp đôi Quang - Vân
Và như một điềm báo xấu điển hình trong điện ảnh, những giao kèo sớm thường tạo linh cảm về một kết cục ngoài mong muốn nhiều hơn là hậu quả tốt đẹp. Cuối cùng, chính Quyên – người nghĩ ra ý tưởng giao kèo lại phải lòng người yêu của bạn thân và tranh thủ cơ hội được về Việt Nam sớm cùng với Quang để cưa cẩm anh.
Từ bạn thân trở thành tình địch
Điều đáng nói là dù nhân vật Quyên được xây dựng có vẻ rất đáng ghét nhưng đạo diễn và biên kịch vẫn tìm cách để tạo sự thông cảm cho nhân vật này. Từ khi sang Liên Xô, Quyên cãi vã với Hùng liên tục. Việc đam mê kinh doanh của Hùng khiến cho Quyên cảm thấy cô không phải là ưu tiên số một của anh. Nhất là khi Hùng liên tục lợi dụng tình cảm đơn phương của cô bạn học giàu có để lấy vốn làm ăn. Hàng loạt những xích mích, mâu thuẫn xảy ra liên tiếp khiến cho những người trong cuộc không kịp chạy theo để vá lại những lỗ hổng đang ngày một lớn dần trong mối quan hệ.
Vậy nên khi gia đình của Hùng ở Việt Nam gặp chuyện, tạo sức ép cho anh phải kiếm thêm thật nhiều tiền ở Nga, điều này đã khiến hai người trở nên xa nhau hơn bao giờ hết. Đúng lúc này, Quang lại xuất hiện và gây ấn tượng mạnh với Quyên ở tính cách phong lưu và ngay thẳng, trái ngược hoàn toàn với sự thực dụng của Hùng. Vậy là mũi kim tình yêu ở trong Quyên đã chậm rãi hướng về phía Quang. Về phần Hùng, giờ đây thứ duy nhất mà anh có được ở người yêu có lẽ chỉ còn là lòng thương hại cho một mối tình đã cũ.
Quyên hiểu và đồng cảm với những trách nhiệm mà một người ở hoàn cảnh như Hùng phải gánh vác, nhưng khác biệt về xuất thân vẫn là một bức tường kiên cố tạo nên sự khác biệt không thể dung hoà giữa hai tính cách. Những khán giả mẫn cảm có thể nhận ra rằng ngay từ đầu, Quyên và Hùng đã không hợp nhau và sự xuất hiện của người thứ ba chẳng qua chỉ thúc đẩy cuộc chia tay của hai người nhanh hơn mà thôi. Tình yêu không có lỗi, có trách thì chỉ trách được số phận đã sắp đặt sai người, sai thời điểm.
Bên cạnh câu chuyện của cặp đôi Quyên – Hùng thì bộ phim cũng giới thiệu đến khán giả một nhân vật khác có số phận phức tạp không kém là chị Hoa (Kiều Anh). Chị Hoa là cán bộ quản lý công nhân được gửi sang Liên Xô để xuất khẩu lao động. Vốn nổi tiếng là một người đoan chính và đảm đang, chị Hoa là niềm tự hào của cả dòng họ. Tuy nhiên, khi sang đất khách quê người, chị cũng không tránh khỏi bị sức ép cơm áo gạo tiền làm cho mất kiểm soát.
Vì kinh tế gia đình ở Việt Nam rất khó khăn nên chị Hoa mang trách nhiệm phải kiếm thật nhiều tiền ở nước bạn để đến ngày trở về có đủ khả năng tài chính xây dựng một mái nhà tốt không còn dột nát, xập xệ như hiện tại. Biết được điều này, tay giám đốc Bình (Hải Anh) đã liên tiếp đưa ra các lời mời chào hấp dẫn để đổi lấy sự phục vụ về thể xác của chị Hoa. Bằng lời lẽ khéo léo, ma mãnh của một con buôn lão làng, cộng thêm sự chèn ép, đe doạ nhờ chức vụ giám đốc, Bình đã khiến chị Hoa phải trao thân xác cho mình. Cuối cùng, sự việc vỡ lỡ và chị Hoa bị chồng ở Việt Nam ruồng bỏ, còn Bình thì bị kỷ luật nặng vì tội danh hủ hoá.
Cùng một trường hợp tương tự với chị Hoa là câu chuyện của chị Ngân (Quỳnh Hoa) – công nhân xuất khẩu lao động nơi chị Hoa quản lý. Khác với chị Hoa có một người chồng hiền lành và tốt bụng ở nhà thì ông chồng của chị Ngân lại chỉ mang đến cho vợ những cơn đau đầu vì những thói hư tật xấu không thể chịu đựng nổi. Đến khi có người đàn ông Liên Xô tên Sasha thật lòng theo đuổi, dù thật sự yêu anh ta nhưng chị Ngân vẫn không dám đồng ý. Ở tập mới nhất của bộ phim, chị Hoa đã xin được sự tha thứ của anh chồng ở Việt Nam, còn chị Ngân thì dũng cảm tự cho mình một cơ hội thứ hai khi ly hôn với người chồng cũ đã lấy hết tiền của mình rồi chấp nhận đến với Sasha.
Như vậy, mỗi sự "ngoại tình" ở đây đều có một nguyên do riêng để cảm thông và chia sẻ, người thì do xích mích triền miên với người yêu mà đâm ra chán nản, người thì hy sinh vì tương lai của gia đình, người thì vốn đã không yên ấm hạnh phúc. Điều đáng nói là chủ đề này có mặt ở trong hầu hết các mối quan hệ trong phim và các nhân vật chính. Nếu không ngoại tình thì cũng phải tự tranh đấu với bản thân để ngăn không cho tình cảm của mình đi quá xa (như trường hợp của anh Lâm chẳng hạn).
Ở Việt Nam, nhất là thời kỳ cuối những năm 80, đầu thập niên 90 như bối cảnh trong phim thì chuyện thuỷ chung, đoan quyết trong tình cảm nam nữ rất được coi trọng. Thế nhưng những tình tiết trong phim lại gần như đang vẽ ra một bối cảnh dễ cảm thông và kêu gọi một cái nhìn thoáng hơn đối với hành động này. Liệu đây chỉ là sự tình cờ do bản thân đạo diễn và biên kịch đã chọn yếu tố ngoại tình để tạo sự kịch tích cho gần như toàn bộ cốt truyện hay là một thông điệp riêng mà phần một của Tình Khúc Bạch Dương muốn truyền tải? Điều này có lẽ phụ thuộc vào cách nhìn nhận của từng khán giả.