Cố níu tuổi xuân

Ngọc Mai,
Chia sẻ

Bước vào độ tuổi “đứng bên kia sườn dốc” của cuộc đời, nhiều phụ nữ muốn làm trẻ mình, nhưng...

Làm việc trong một cơ quan truyền thông có tiếng, quay đi ngoảnh lại, thấy mình đã ở vào tuổi tứ tuần, chị H. bắt đầu cảm thấy nỗi cô đơn vây bủa. Bằng linh tính, chị lờ mờ nhận ra người chồng đầu gối tay ấp với mình có những biểu hiện thờ ơ.

Anh bỏ hẳn thói quen chở vợ con đi chơi cuối tuần. Sinh nhật của chị, anh cũng quên luôn. Đến tối, chồng bước vào nhà khi đã chếnh choáng hơi men. Chị hỏi: "Sao hôm nay sinh nhật em mà anh không ngó ngàng gì tới em hết vậy?" thì anh cười giả lả: "Già rồi, nhật nguyệt mà làm gì em ơi!".

Làm đẹp với... xanh, đỏ, tím, vàng

 
Phụ nữ ở độ tuổi không còn trẻ cũng là lúc họ có nhu cầu cao về sự chăm sóc vợ chồng

Có những lần xem tivi, anh tấm tắc khen nụ cười của một cô gái trẻ: "Đúng là gái đôi mươi có khác". Quay sang chị, anh vớt vát: "Em cũng đẹp nhưng già rồi". Nghe xong, lòng đau như xát muối, chị quyết định thay đổi hình thức làm cho mình trẻ ra.

Chị bắt đầu bỏ đi những bộ đồ hay mặc hằng ngày, thay vào đó là hàng loạt bộ đồ mới với những gam màu sặc sỡ. Để chứng tỏ mình là người ăn mặc có gu thẩm mỹ, chị chịu khó sưu tầm các phụ kiện kèm theo với một tông màu thống nhất. Chẳng bao lâu, tủ quần áo của chị đã xếp ngay ngắn hàng chục bộ đồ mới tinh.

Chị phân ra từng ngày trong tuần ứng với từng màu theo suy nghĩ của mình, chẳng hạn thứ hai mặc quần vàng, áo vàng, tất nhiên phải là giày màu vàng, túi xách vàng, bông tai vàng, dây đeo cổ màu vàng, dây đồng hồ màu vàng, đến chiếc mũ bảo hiểm cũng vàng nốt. Thứ ba mặc đồ màu xanh thì tất cả cùng xanh... Riết rồi cả cơ quan đặt cho chị cái tên “tắc kè bông”.

Thấy vợ có những thay đổi về thẩm mỹ một cách bất thường, anh chồng chưng hửng. Nhiều lần thấy ngại khi đi cùng với bạn bè, anh góp ý thẳng nhưng chẳng những chị không tiếp thu mà còn cho rằng chính sự “đẹp lên” của mình đã làm cho anh phải lo sợ mất vợ. Mãi rồi anh không nói nữa, cứ lẳng lặng xa cách dần, bây giờ, mỗi khi ra đường điều anh sợ nhất là đi với... vợ!

Từ chông chênh đến mặc cảm

Cũng vội vàng níu kéo tuổi xuân, chị Bình theo gu trở về tuổi teen. Ngoài việc tìm mua những chiếc quần jean “độc” như lưng ngắn, bạc phếch, rách lai, rách gối, chị còn sắm những chiếc áo hở vai, ôm sát thân mình ngắn cũn cỡn. Chị còn đi học nhảy đầm, đi vũ trường, chụp hàng loạt hình chân dung nghệ thuật treo khắp nhà.

Chưa hết, chị còn đến thẩm mỹ viện cắt mắt, bơm môi, nâng ngực, hút mỡ... Đứa con trai lớn sắp đến tuổi lấy vợ không chịu nổi, góp ý thì chị gân cổ: "Mẹ lớn tuổi rồi, chắt bóp cả đời, bây giờ sống cho bản thân, chết có mang theo được đâu?". Cả nhà chị chỉ còn biết lắc đầu.

Theo một chuyên gia tâm lý, không ít phụ nữ ở độ tuổi nhận ra mình không còn trẻ nữa luôn sống trong cảm giác chông chênh, mặc cảm. Đây là lúc người phụ nữ có nhu cầu cao về sự chăm sóc vợ chồng. Tiếc là nhiều ông chồng không hiểu được điều này khiến người vợ cảm thấy hụt hẫng và đời sống vợ chồng từ đó phát sinh mâu thuẫn.

Nếu biết tìm niềm vui

Thay vì đi tìm tuổi xuân đã mất bằng mọi cách như vài người bạn, chị Phương Anh lại chọn cách sống khác. Cuộc sống gia đình nay đã khá hơn, chị cho phép mình được nghỉ ngơi để tận hưởng những thành quả lao động của những ngày son trẻ. Chị thay đổi gu ăn mặc kín đáo hơn, màu sắc nền nã hơn. Chị rủ bạn bè tập thể dục thẩm mỹ mỗi ngày để giữ gìn sức khỏe.

Tại đây, chị đã có thêm nhiều bạn mới. Nhóm bạn thường xuyên đi ăn sáng, thư giãn sau giờ tập ngày chủ nhật. Họ truyền cho nhau lòng nhân ái, giúp đỡ chăm sóc cho nhau mỗi khi một trong các thành viên có bệnh, học nấu những món ăn mới phục vụ chồng con...

Chính chị cũng không nhớ mình đã vượt qua tuổi hồi xuân khi nào, chỉ biết cuộc sống cứ thế êm đềm trôi qua trong sự thương yêu của gia đình và những người xung quanh khiến chị cảm thấy hạnh phúc, càng nâng niu những ngày tháng còn lại. 

Theo Ngọc Mai
Người lao động
Chia sẻ