Có nên tha thứ cho chồng hay không?

,
Chia sẻ

Quy luật nhàm chán trong hôn nhân là không thể tránh được. Vì thế, sự cố "người thứ ba" không phải là hiếm. Vấn đề là, giải quyết "sự cố" thế nào để không bị "tổn thất" đáng tiếc.

Lời hứa gió bay

Vợ chồng chị Thúy Vân đều là giáo viên. Họ có hai con. Anh và chị đều là những giáo viên có trách nhiệm, tận tình với học sinh. Nhiều đồng nghiệp trẻ đã lấy gia đình anh chị làm gương và ao ước sau này sẽ được hạnh phúc như gia đình anh chị. Cho đến một ngày, tình cờ mở máy vi tính, chị bàng hoàng nhận ra rằng, anh đang chà đạp lên tình yêu và lòng tin của chị.

Cô ấy là học trò của anh từ năm lớp 9, nay đã vào đại học. Ban đầu chỉ là tình yêu đơn phương từ phía cô ấy. Nhưng sau đó, cô học trò tìm mọi cách tiếp cận thầy giáo của mình: nào là gửi thư, tạo địa chỉ mail cho thầy, chủ động tìm gặp thầy. Dần dần, anh không cưỡng được, đã đáp lại "tấm chân tình" ấy.

Trước đó, thực ra chị cũng đã từng nghi vấn khi thấy anh thường nhận điện thoại của học trò. Chị hỏi thì anh "tường trình" rằng, học trò  đang có chuyện buồn, cần tâm sự và xin lời khuyên của  thầy. Chị nghe cũng thấy hợp lý nên dễ dàng bỏ qua.

Sau hôm ấy, dù rất đau đớn,  nhưng chị vẫn nhẹ nhàng nói với anh: "Em xem đây là phút yếu lòng nhất thời của anh". Còn anh cũng hứa với chị chắc như đinh đóng cột "không bao giờ để chuyện này tái diễn". Và chị đã tin.

Vài tuần lễ trôi qua. Chị nhận được điện thoại của cô gái ấy. Hai người đã có một cuộc trò chuyện cởi mở, chân thành. Chị như người mộng du khi nhận được xấp thư mà chồng chị đã gửi cho tình nhân, đầy ắp những lời thương yêu, những nỗi nhung nhớ. Nhưng điều khiến chị không thể chịu đựng nổi chính là những lá thư đó đều được chồng chị gửi đi  sau thời điểm anh đã hứa sẽ chấm dứt mọi chuyện.

Vợ chồng chị Thu Phương chung sống hạnh phúc đã 5 năm và có một  bé gái bốn tuổi. Cả anh và chị đều công tác trong những ngành "hot", không phải vất vả mưu sinh nên có nhiều thời gian dành cho nhau. Chị mãn nguyện với hạnh phúc của mình.  Thế nhưng mọi thứ như sụp đổ khi chị biết anh có nhân tình. Tra hỏi, anh đã quỳ lạy trước bàn thờ tổ tiên, hứa sẽ cắt đứt ngay với người phụ nữ kia. Nhưng anh đã nói dối.

Hai người vợ, người mẹ trên đều không thể lý giải vì sao người chồng, người cha hết mực thương yêu vợ con lại có thể cư xử phũ phàng với gia đình như vậy.

Cả chị Vân và chị Phương đều phải đối diện với một vấn đề nan giải: Có tiếp tục tha thứ cho chồng hay không?

Hỗ trợ khôn ngoan

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Hữu Nguyên (Trung tâm tư vấn hôn nhân gia đình, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam), đàn ông và đàn bà cùng loài nhưng khác... giống. Và hai "giống" này có những cách suy nghĩ khác nhau, nếu không muốn nói là ngược nhau. Không hiểu được "cái gốc" này, sẽ không có cách xử lý phù hợp, dẫn đến những hậu quả ngoài ý muốn.

Ai cũng biết, quy luật nhàm chán trong hôn nhân là không thể tránh được. Vì thế, sự cố "người thứ ba" không phải là hiếm. Vấn đề là, giải quyết "sự cố" thế nào để không bị "tổn thất" đáng tiếc.

Khi người chồng bị phát hiện có quan hệ ngoài luồng, việc đầu tiên anh ta sẽ làm là hứa không tái phạm để vợ yên lòng. Nhưng anh ta cũng phải làm yên lòng cả "người kia" nữa. Bởi nếu "bỏ của chạy lấy người" lập tức thì không đáng mặt đàn ông. Vì thế, khi vợ nhất quyết "hoặc gia đình, hoặc con kia" ngay, chẳng khác tự dựng hàng rào chắn lối về của chồng. Bởi chồng bạn không phải là cái công tắc đèn, nhấn một cái thì đèn phụt tắt.

Ngoài ra, phụ nữ cũng đừng bao giờ nghĩ cực đoan rằng, khi chồng ngoại tình có nghĩa là họ ghét bỏ vợ con. Thật ra, đàn ông chẳng khác nào... chủ nghĩa thực dân, luôn đi xâm chiếm các thuộc địa để làm giàu thêm cho mình. Việc họ ngoại tình, chẳng qua chỉ nhằm thỏa mãn thuộc tính tham lam vốn có.

Theo ông Nguyên, cách hỗ trợ khôn ngoan nhất là để người đàn ông của bạn tự vận hành cơ chế trách nhiệm, khẳng định bản chất văn hóa của họ. Không nên can thiệp một cách thô bạo, sẽ dễ hỏng việc. Cũng không nên đặt vấn đề "cai quản", vì "người tù” bao giờ cũng thèm khát tự do. Người vợ có thể khống chế, kiểm soát được hành vi của chồng, nhưng không thể kiểm soát được cảm xúc của họ.

Kinh nghiệm của chị Nhất Hà ( P.11, Q.Phú Nhuận) cho thấy, không phải là không có cách. Nhiều năm trời, chị Hà khốn khổ vì thói trăng hoa của chồng. Sau lần đến gặp chuyên gia tâm lý, chị hào hứng lập kế hoạch "lôi kéo" chồng về. Trước đây, mọi việc đều một tay chị, từ chợ búa, cơm nước đến đưa đón con đi học, dù chị cũng đi làm nhà nước như anh.

Nhưng nay chị dùng "chiêu" thỏ thẻ: "Em thấy thằng cu Tin (con trai anh chị,  16 tuổi) dạo này xanh xao, không ra dáng đàn ông chút nào. Hai cha con đưa nhau đi tập tennis cho khỏe, sang năm con nó có sức mà thi đại học. Em đã tìm thầy dạy, đã đóng tiền sân luôn rồi".

Không từ chối được, lúc đầu đưa đón con anh cũng hậm hực thấy rõ. Nhưng sau đó, anh khoái ra mặt vì thích chơi banh. Con ốm đau, chị giục anh đưa con đi khám bệnh thay vì mình đưa con đi. Trách nhiệm với gia đình, con cái đã dần dần điều chỉnh hành vi của anh. Chuyện "em út" cũng tự nhiên qua luôn. Vậy là với sự hỗ trợ khôn ngoan của chị, anh đã thực hiện ngon lành lời hứa với vợ. Nói như chuyên gia tâm lý Nguyễn Hữu Nguyên, văn hóa yêu thương, trách nhiệm đã thắng những cảm xúc tự nhiên nhất thời.

Theo Phụ nữ

Chia sẻ