Có nên siêu âm, X-quang thường xuyên?

,
Chia sẻ

Siêu âm, chụp X-quang là những phương pháp tốt trong chẩn đoán hình ảnh, giúp bác sĩ thấy được tình trạng bên trong cơ thể bệnh nhân, tạo điều kiện cho khâu chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Tuy nhiên, nếu lạm dụng sẽ gây ra những ảnh hưởng không tốt cho sức khoẻ về lâu dài.


Mỗi người nên đi siêu âm một lần/năm để kiểm tra sức khoẻ định kỳ và giúp phát hiện bệnh sớm, tránh lạm dụng kỹ thuật này. Ảnh: Hồng Thái

Phải tuỳ theo bệnh lý

Bác sĩ Lê Văn Phước, trưởng phòng kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM cho biết X-quang là một thủ thuật cận lâm sàng không đắt tiền và được thực hiện một cách nhanh chóng, thích hợp để chẩn đoán viêm phổi, viêm khớp, gãy xương, các bệnh lý của tim, phổi, dạ dày, đầu, ngực, bụng, mạch máu…
 
Còn CT scan là kỹ thuật giúp đánh giá các mô mềm tốt hơn như với não, gan, các cơ quan trong ổ bụng; phát hiện ra những bất thường không rõ ràng mà có thể không phát hiện được trên phim X-quang thông thường. CT scan được dùng để đánh giá não, cổ, cột sống, lồng ngực, bụng, khung chậu, xoang...

Tuỳ vào tình trạng chẩn đoán ban đầu, bác sĩ sẽ xem xét có cần thiết phải chụp X-quang hay CT scan để theo dõi một vài biến đổi bất thường của một vài bộ phận bên trong cơ thể hay không.

GS.BS Vũ Lê Chuyên, phó giám đốc bệnh viện Bình Dân TP.HCM cho biết siêu âm có hàng trăm kiểu, loại nên không thể tự tiện thực hiện mà phải tuỳ chỉ định của bác sĩ để siêu âm cho hợp lý, “Siêu âm gan là để truy tầm nguy cơ ung thư gan, siêu âm bụng tổng quát giúp chẩn đoán những bất thường trong bụng, siêu âm Doppler màu và siêu âm ba chiều là những loại siêu âm đặc biệt dùng để hỗ trợ cho chẩn đoán tiền sản, chỉ thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ”, BS Chuyên nói. Cũng theo BS Chuyên, siêu âm trắng đen là phương tiện cần thiết để theo dõi thai kỳ trong sản phụ khoa. Còn siêu âm màu, siêu âm ba chiều… cũng có vai trò trong một số tình huống, nhưng cần có những chỉ định đặc biệt.

Bà bầu phải cẩn trọng

“Một số nhà nghiên cứu đã có lời khuyên trong ba tháng đầu sản phụ không nên yêu cầu siêu âm mà chỉ siêu âm khi có chỉ định của bác sĩ”.

GS.BS Vũ Lê Chuyên

“Khi được bác sĩ chỉ định chụp X-quang, nếu phụ nữ có dấu hiệu có bầu, nghi ngờ hoặc đang có bầu phải báo lại với bác sĩ. Nếu không thông báo, bác sĩ dùng liều mạnh có thể trẻ sẽ bị dị tật bẩm sinh, tia X còn có thể gây ra bệnh ung thư máu”.

BS Lê Văn Phước

Không nên chụp chiếu liên tục

Theo BS Phước, những bộ phận trong cơ thể người như: bộ phận sinh dục, tuỷ xương, da và tuyến giáp sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi chụp X-quang, CT scan, “Tác động bức xạ của tia X và CT tác động có hại đến sức khoẻ con người nếu sử dụng lạm dụng và quá liều.
 
Nếu dùng liều cao cho bệnh nhân sẽ gây bỏng da, rụng tóc, hoại tử, thậm chí tử vong. Về lâu dài có thể bị ung thư và mắc một số bệnh lý khác”, bs Phước lưu ý.

Cũng theo bác sĩ Phước, chụp X-quang liên tục trong thời gian ngắn không tốt cho sức khoẻ do tác động của tia X và sóng điện từ nhưng nếu biết cách quãng thời gian hợp lý (năm – bảy lần/năm, theo chỉ định của bác sĩ) thì chụp X-quang không gây ảnh hưởng xấu cho sức khoẻ, trừ các trường hợp chống chỉ định chụp X-quang như phụ nữ đang mang thai và trẻ nhỏ, “Những bệnh nhân bị bệnh nặng như ung thư và một số bệnh nguy cấp, nếu bác sĩ yêu cầu phải chụp nhiều để can thiệp thì vẫn phải chụp. Với những thiết bị chụp hiện đại, việc giảm thiểu và ngăn chặn tác dụng phụ của tia X là rất cao”, BS Phước nói.

Theo BS Chuyên, mỗi người nên đi siêu âm một lần/năm để kiểm tra sức khoẻ định kỳ và giúp phát hiện bệnh sớm. “Chưa có nghiên cứu nào chứng minh siêu âm có hại hay không có hại với sức khoẻ con người. Tuy nhiên, nếu siêu âm nhiều rõ ràng là sẽ tốn kém thời gian và chi phí không cần thiết”, BS Chuyên nói.
 
 
Theo SGTT
Chia sẻ