“Nóng” điện thoại tư vấn
Trong vòng hai tuần qua, không chỉ phát hiện hai ổ bọ xít với số lượng lớn, mà các cán bộ Phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (thuộc Viện khoa học và công nghệ Việt Nam) liên tục nhận được điện thoại của người dân thông báo họ tìm thấy bọ xít ở trong nhà.
Các cá thể bọ xít được phát hiện tại "ổ" gần 1000 con ở Cổ Nhuế. Nhiều người đã quen mắt
với loại bọ xít này ở các vùng nông thôn, nhưng với nhiều người, lần đầu tiên nhìn thấy,
lại bị bọ xít đốt hút máu thì không khỏi hoang mang, lo lắng. (Ảnh: TS Lam cung cấp)
TS Trương Xuân Lam, Trưởng Phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, hiện mỗi ngày luôn có hơn chục cuộc gọi tới của người dân hỏi tư vấn về bọ xít hút máu họ phát hiện thấy trong gia đình.
Không chỉ tư vấn qua điện thoại mà nhiều người còn cất công tới tận Viện để mang mẫu bọ xít đến và nhờ tư vấn cách diệt bọ xít, bày tỏ nỗi lo lắng vì có vết bọ xít đốt trên cơ thể. “Kể từ khi bắt đầu thu thập bọ xít hút máu năm 2010 đến nay, Phòng đã ghi nhận khoảng 150 hộ gia đình ở Hà Nội có bọ xít hút máu và rất có thể, con số này sẽ còn tăng lên nữa”, TS Lam nhận định.
Không riêng gì số điện thoại của Phòng côn trùng học Thực nghiệm “nóng” máy mà tại báo Dân trí cũng liên tục nhận được thông tin người dân phản ánh bắt được bọ xít hút máu trong nhà. Như trường hợp gia đình anh Nguyễn Thế Dũng (Bùi Xương Trạch, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng bắt được một con bọ xít có hình dáng tương tự loại bọ xít hút máu đăng tải trên báo. Hay anh Đức Xuân (Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội) gọi tới báo tỏ ra lo ngại vì anh bắt được một con bọ xít ngay trên nôi của em bé 6 tháng tuổi.
Ký sinh trùng từ bọ xít có truyền bệnh cho người?
Đó là câu hỏi của hầu hết người dân khi gọi tới Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật đặt ra cho các chuyên gia. Theo TS Trương Xuân Lam, rất khó để có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này. Vì hiện nay, tuy khẳng định loại bọ xít hút máu rồi gây bệnh ngủ Chaga chưa ghi nhận ở Việt Nam vì tại nước ta không có nguồn bệnh này như ở các quốc gia Trung, Nam Mỹ nhưng trong nhiều mẫu bọ xít mới thu thập được lại chứa một số ký sinh trùng và khi thí nghiệm trên chuột thì đã lây nhiễm sang chuột.
TS Lam cho biết, theo kết quả nghiên cứu phối hợp giữa 4 cơ quan: Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Công nghệ sinh học (thuộc Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam), Viện Thú y và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Quy Nhơn, thử nghiệm bơm ký sinh trùng từ bọ xít hút máu người cho thấy chuột trong phòng thí nghiệm đều bị lây nhiễm.
“Ký sinh trùng ở bọ xít hút máu đã thích ứng sống trong máu chuột bởi thế cần nghiên cứu có truyền bệnh cho người hay không? Phải nghiên cứu để xem mức độ nguy hiểm của nó như thế nào nếu chẳng may có gây bệnh cho người”, TS. Lam nhấn mạnh.
Theo TS Lam, trong vòng 1-2 năm tới, việc nghiên cứu về loài, đặc điểm sinh học, cấu trúc ADN… của bọ xít, từ đó có thể tìm ra dung dịch, thuốc hay biện pháp thích hợp để phòng, diệt và khống chế bọ xít cho người dân mới hoàn thành.
Về việc mầm bệnh trong máu bọ xít có khả năng truyền bệnh sang người không, PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm bộ môn Ký sinh trùng, Đại học Y Hà Nội cho biết: Loại bọ xít này đã xuất hiện từ lâu nay chứ không phải bây giờ mới xuất hiện.
Đặc tính của nó là ưa hút máu động vật (có cả con người khi gặp điều kiện). Hiện Bộ môn đang phối hợp nghiên cứu để xác định có khả năng lây ký sinh trùng từ bọ xít hút máu sang người hay không. Trên thực tế, có rất nhiều bệnh được truyền từ máu động vật cho con người và ngược lại. Tuy nhiên, việc nghiên cứu cần có thời gian. Dù chưa có kết luận cụ thể về gây bệnh và truyền bệnh nhưng người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.
Chủ yếu hút máu động vật
Loài bọ xít này xuất hiện ở Việt Nam từ lâu nay, chủ yếu hút máu động vật và
chỉ hút máu người khi có điều kiện. Đến nay chưa có nghiên cứu nào khẳng định
ký sinh trùng từ bọ xít có thể lây sang người. (Ảnh do độc giả Thế Dũng cung cấp)
Dù chưa có câu trả lời, liệu bọ xít có khả năng truyền bệnh sang người, nhưng nhiều chuyên gia lên tiếng trấn an người dân không nên quá hoang mang lo lắng về loài bọ xít này, vì vật chủ ưa thích của loại bọ xít này là động vật, đặc biệt là chuột, chim, gà…
Theo TS Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ, người dân không nên quá hoang mang về thông tin bọ xít hút máu người. Vì ở Việt Nam, bọ xít hút máu đã xuất hiện từ rất lâu chứ không phải năm nay mới có. Vật chủ ưa thích của bọ xít là động vật, chỉ khi không có loài động vật nào để hút máu, chúng sẽ tìm người để hút máu và trên thực tế hàng năm ở Hà Nội và một số nơi vẫn có người bị bọ xít hút máu đốt.
Cùng quan điểm này, PGS.TS Phạm Bình Quyền, Viện trưởng viện Môi trường và phát triển bền vững khẳng định, vật chủ ưa thích của loại bọ xít này đầu tiên là chuột, gà, chim… Người cũng là một động vật nhưng không là chủ thể ưa thích của bọ xít và chúng thường không chủ tâm tìm người để hút máu.
Loại bọ xít này có thể truyền một số bệnh về ký sinh trùng đường máu nhưng chủ yếu gây ra các bệnh ở gia súc chứ chưa có nghiên cứu, bằng chứng nào cho thấy chúng lây bệnh cho người. Tương tự, ông Võ Đình Ba, Bộ môn Động Vật Sinh thái, Khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Huế cho rằng, bọ xít này chủ yếu thích hút máu, dịch cơ thể của các động vật khác...
Do vậy nên có hướng ứng xử, điều khiển để chúng tiêu diệt các loài sâu hại khác góp phần điều hòa sinh thái, không nên phát động tiêu diệt chúng ngoài thiên nhiên. Trên thực tế, nhiều bạn đọc trên các diễn đàn, bạn đọc Dân trí cũng bày tỏ họ không thấy lo sợ về loài bọ xít này, vì đây là loại mà lâu nay họ vẫn thấy ở các vùng quê. Nhiều người cũng từng bị bọ xít đốt từ khi còn bé và đến nay vẫn hoàn toàn khỏe mạnh.
Các chuyên gia khuyên: nếu không may bị bọ xít đốt, cần rửa sạch chỗ bị đốt dưới vòi nước chảy. Nếu vết đốt sưng nặng nề, khó chịu, ngứa thì nên đến bác sĩ da liễu. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ kê thuốc bôi chống viêm tại chỗ, hoặc có thể sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh.
Người dân có thể ngăn cản sự sinh sôi, phát triển của loài côn trùng này trong nhà bằng cách vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, khô ráo, thường xuyên vệ sinh các nơi ẩm thấp như khe giường, gầm tủ, gầm giường, bếp núc…
Nếu bắt gặp bọ xít hút máu thì nên giết thủ công rồi bỏ vào thùng rác. Nếu thấy trứng thì cho vào túi ni lông đốt hoặc đổ nước lã vào đem vứt đi, trứng bị đổ nước không thể nở được.
Hoặc người dân có thể gọi điện tới Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh theo số máy 04.37565899 để được tư vấn xử lý. |
Theo Dantri