Có nên giao tiền chợ cho người giúp việc
“Có nên đưa tiền đi chợ hàng ngày cho người giúp việc, vì vợ chồng mình đi làm từ sáng đến tối mới về, không có thời gian đi mua thức ăn tươi hàng ngày”.
Ngay lập tức chị nhận được nhiều phản hồi chia sẻ, người thì cho rằng không nên đưa tiền cho người giúp việc vì rất dễ bị bớt xén, người thì cho rằng đã thuê phải tin tưởng, có ý kiến lại khuyên đưa tiền cho người giúp việc mua hàng ở siêu thị để kiểm soát chi tiêu qua hoá đơn…
Trò chuyện với nhiều gia đình trong hoàn cảnh cả nhà cùng đi làm suốt ngày mới thấy rõ khó khăn trong quản lý và ứng xử với người giúp việc nhà quanh vấn đề tiền bạc và công việc. Vì lúc này người giúp việc không chỉ làm công việc dọn dẹp, mà họ trở thành người quán xuyến mọi chuyện trong gia đình, thậm chí thay mặt cả chủ nhà nhận các thư từ, thông báo của chính quyền địa phương, thanh toán tất cả hoá đơn điện thoại, điện, nước… Chị Hà Linh cũng đã từng bị cô bé giúp việc trước đó, cầm tiền đi chợ, nhưng luôn bớt xén 10.000 – 20.000 đồng mỗi ngày để mua vé số hoặc đánh đề, mà đến hơn ba tháng chị mới phát hiện ra. Nhưng nếu không giao tiền cho người giúp việc, thì quả thực những người như chị Hà Linh không có thời gian để đi chợ hàng ngày đã đành, mà các khoản cần đến tiền khác như bếp đang nấu hết gas, hàng xóm quyên góp cho người bệnh cấp cứu vào bệnh viện… nếu chờ đến chị về mới dùng tiền chi trả thì lại lỡ việc.
Theo quan điểm quản lý chặt chẽ, anh Quang Thân, ngụ ở phường 15, quận Gò Vấp lại có những sự bực bội khác. Anh chia sẻ: “Người giúp việc chỉ làm việc nhà, nên ngay cả bữa sáng mình cũng phải đi mua về cho cổ ăn, vì cô này lấy lý do không quen cầm tiền, không biết mua, ở quê lên nên không biết đường…” Đó là chưa kể mỗi ngày bà xã anh phải thanh thủ đi làm về tạt qua chợ mua chút rau, thịt, cá tươi cho bữa chiều, mỗi tuần đều đi siêu thị mua thức ăn dự trữ cho nhiều ngày, hàng tháng anh phải canh ngày chia việc với đồng nghiệp để có thể đi làm muộn hơn một chút thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền đổ rác… Anh Quang Thân kể: “Không giao được việc quán xuyến nhà cho người giúp việc vì cứ vài tháng người này nghỉ, kiếm người khác vào. Mỗi người lại một tật khác nhau. Người có thói quen hễ đi chợ là cả buổi mới về, giải thích là phải đi hết vòng chợ xem hàng rồi mới quyết định mua, người thì đi chợ về luôn đem theo đủ các chuyện nhà hàng xóm nên không rõ chuyện nhà mình cô ta có mang ra trao đổi không…”