Có một nồi canh ngao nguyên vỏ, hội chị em chia thành mấy "phe" tranh cãi nảy lửa
Không biết là canh ngao thì nên để vỏ hay phải bỏ vò ra trước khi nấu nhỉ, cách nào mới là đúng đây? Mà ngao nấu với rau cải cũng lạ quá chứ!
Đa phần trong các gia đình, phụ nữ làm chủ gian bếp, lên thực đơn và chế biến, nên việc cả nhà được ăn gì và cách chế biến như thế nào sẽ do họ quyết định. Tuy nhiên, mỗi nhà mỗi nếp, mỗi kiểu cách ăn uống khác nhau, khi lập gia đình thì nhiều nàng dâu sẽ phải học cách để phù hợp với nhà chồng trước rồi qua thời gian, cô ấy có thể điều chỉnh theo cách nấu quen thuộc của mình. Nhưng trong lúc ấy, sẽ có khối chuyện bi hài xảy ra.
Chuyện nấu nướng trong nhà thường do chị em đảm nhiệm, thế mà cũng lắm việc éo le. (Ảnh minh họa)
Chuyện của mẹ trẻ mang tên T.T này cũng là một ví dụ điển hình cho sự bất đồng về "ngôn ngữ ẩm thực" giữa nàng dâu và mẹ chồng. Chẳng phải là thảm họa nấu nướng, nhìn phát sợ như cô nàng nấu cá lổn nhổn nguyên con bị người yêu chê dạo trước, hay là món canh cá "bơi" cùng rau cải nguyên vây... mà ta đã từng thấy, chỉ đơn giản là một nồi canh ngao nấu rau.
Chẳng là một ngày đẹp trời, cô con dâu nổi hứng ra chợ mua ngao về nấu canh về đãi cả nhà nhưng không hiểu sao khi nồi vừa bắc nồi ra khỏi bếp thì mẹ chồng đứng bên cạnh đã nhòm ngó, nhìn cô bằng ánh mắt vô cùng ngạc nhiên, như thể vừa gặp "người ngoài hành tinh". Chắc mẹ chưa thấy ai nấu canh ngao như vậy bao giờ. Thấy ấm ức trong lòng, cảm thấy khó hiểu nên cô nàng lên mạng than thở cùng chị em, tìm nguyên nhân nào ngờ còn gặp nhiều phản ứng bất ngờ hơn.
Mẹ trẻ T.T sau khi nấu nồi canh ngao và bị mẹ chồng nhìn chằm chằm đã vội lên mạng tìm nguồn động viên. (Ảnh: Facebook)
Nhiều người sau khi xem ảnh của T.T xong đã nói rằng, cô bị nhìn như thế là phải, bởi lẽ thường khi nấu canh ngao, mọi người sẽ phải luộc ngao lên trước, bóc lấy thịt sau đó phải bóp phần đen, đất cát tồn đọng ra ngoài rồi mới đem nấu, thậm chí có thể xào sơ thịt ngao với hành mỡ cho thơm. Làm như vậy thì nồi canh mới không bị sạn và ngon ngọt. Có lẽ mẹ chồng T.T thường xuyên làm như vậy nên khi con dâu nấu theo cách mới, bà đã tỏ ra ngạc nhiên.
Ý của mẹ chồng T.T liệu có phải việc cô ấy nhất định nên bóc ngao ra và bỏ vỏ đi trước khi nấu... (Ành minh họa(
,,, thay vì để nguyên con như thế này hay không? (Ành Facebook)
Bà nội trợ Lê Thị Thu Hiền lên tiếng: "Ngao phải luộc, gỡ bỏ vỏ riêng ra, nhân ngao phải bóp phân rửa sạch sẽ, cải canh thái nhỏ, phi hành mỡ đập dập băm nhỏ gừng rồi cho nhân ngao vào xào thơm chín vàng rồi chế nước, nước sôi cho rau vào sau cùng đun sôi thêm một lúc nữa, không đậy vung nhé".
Rất nhiều gia đình nấu ngao theo cách mà họ cho là sạch sẽ hơn này nhưng bên cạnh đó cũng vẫn có những ý kiến khác bênh vực nàng dâu T.T và nói rằng, có vô số nơi nấu canh ngao, cháo ngao, ngao hấp để cả vỏ, đặc biệt là người miền biển.
Nick Bảo Vy cho hay: "Các mẹ đi ăn ngoài nhà hàng không thấy người ta toàn nấu ngao như vậy à, để cả vỏ cho đẹp, đặc biệt là canh chua nhé. Thêm nữa, nếu nấu canh ngao cả vỏ thì nước sẽ ngọt hơn và không bị mất chất trong quá trình bóp phân và rửa lại ruột ngao nữa".
"Mẹ chồng bạn cứ khó tính chứ tớ thấy các nhà ăn lẩu nhà nào chẳng thả ngao nguyên con vào nồi. Bình thường ăn thế được thì con dâu nấu thế cũng bình thường mà sao phải nhìn như người ngoài hành tinh thế chứ" - Linh Vũ bình luận.
Thanh Tú thì nói rằng: "Miền biển vẫn nấu như thế này. Nhà mình vẫn nấu ngồi "ăn chắt" rất vui. Mình nghĩ là do thói quen và đặc trưng mỗi vùng miền. Chả có gì sai cả. Những con người khác quê về ở cùng nhau thì dần thay đổi nhau cho phù hợp. Các bạn đừng chê trách khi chưa thực sự hiểu".
Bát canh ngao để nguyên con nhìn rát hấp dẫn mà lại ngọt hơn nữa chứ. (Ảnh minh họa)
Ngoài chuyện cãi nhau về cách nấu để vỏ hay bỏ vỏ, một số mẹ khác còn suy đoán nguyên nhân khiến mẹ chồng nhìn con dâu chằm chằm là vì nguyên liệu cho vào nồi canh."Thông thường ngao sẽ dùng để nấu canh chua hoặc canh mùng tơi là chủ yếu chứ ít người nấu rau cải. Có lẽ người mẹ này chưa ăn ngao nấu cải bao giờ nên mới thế đấy. Hãy giải thích cho bà rằng ăn rất ngon, nấu thêm vài lần nữa thì bà sẽ xuôi thôi. Bạn đừng bi quan quá" - tài khoản tên là Bích Nguyễn an ủi.
Một số tài khoản khác thì lại tỏ ra bênh vực cô con dâu vô điều kiện. Đại ý họ cho rằng lại vẫn là cái chuyện khác biệt vùng miền, con dâu từ nơi khác về nhà chồng ăn uống cũng khác mà sao chẳng có ai để ý chiều chuộng nhỉ? Các mẹ chỉ biết soi mói xem con dâu nấu có hợp nhà mình không mà chẳng hỏi han xem nó ăn có hợp khẩu vị không, sao không thử nấu theo cách của cô ấy xem thế nào rồi hãy phán xét nhỉ. Đúng là chẳng công bằng chút nào cả.
Câu chuyện của một nàng dâu khác bị mẹ cho ăn mì nấu cá và trứng lúc đang ở cữ là một ví dụ khác cho thấy "cuộc chiến gian bếp" giữa mẹ chồng và nàng dâu đôi khi thiếu công bằng. (Ảnh: Facebook)
Chuyện nấu nướng ăn uống tuy không phải cái gì quá đao to búa lớn nhưng nó lại là linh hồn của cả gia đình. Một căn bếp luôn nguội lạnh sẽ bị người ta đánh giá và không thể nào nuôi dưỡng cho cả nhà được. Tuy nhiên, sự lộn xộn về ý tưởng trong nhà bếp đó thì lại càng nguy hiểm hơn.
Lẽ thường, vợ chồng khác nhau đã khổ lắm rồi bây giờ đến cả mẹ chồng cũng cảm thấy không hợp chuyện ăn uống với con dâu thì đúng là khó giải quyết thật. Mà hỏi ra thì thấy, 9 người 10 ý, ngay cả thế hệ trẻ cùng nhau còn có cách nấu nướng khác nhau, thế nên, nếu có gặp "chiến tranh" trong bếp giữa hai thế hệ, các mẹ hãy cố gắng thông cảm và góp ý bằng lời hay ý đẹp để đôi bên cùng cố gắng, chứ đừng để tới lúc cả nhà cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt nữa thì không có thuốc nào chữa nổi đâu nha.