Có một công việc được trả lương cao ngất ngưởng để “không làm gì cả", lại còn trở thành xu hướng
Một nhân viên làm việc tại ngân hàng nổi tiếng ở Mỹ chia sẻ với Fortune rằng đa số các nhà phát triển phần mềm đều rơi vào tình trạng “vô công rồi nghề” khi mới được tuyển dụng.
Vị trí chuyên gia công nghệ tại các công ty lớn
Buổi sáng thứ hai đầu tuần bắt đầu với tiếng chuông báo thức. Bạn thức dậy, uống một cốc cà phê sau đó bắt đầu kiểm tra nhật ký làm việc. Cuộc họp kéo dài khoảng một tiếng sắp được diễn ra, tại đây, nhóm trưởng sẽ thông qua một số vấn đề cho tuần làm việc mới, và nhiệm vụ của bạn cũng được thông báo: không phải làm gì cả.
Đây được xem là lịch trình thực tế của một nhóm đối tượng là các chuyên gia công nghệ - những người được săn đón, giành giật bởi các doanh nghiệp thuộc một số ngành công nghiệp quan trọng như ngân hàng, viễn thông và du lịch.
Hiện tượng này thực chất không quá kỳ lạ, thay vào đó, nó là một xu hướng ở thời điểm hiện tại. Trong trường hợp này, một số ít các ứng viên sẽ được doanh nghiệp tuyển dụng, và thay vì làm việc liên tục như những vị trí khác, họ chỉ cần xuất hiện trong những trường hợp cần thiết.
Tiến sĩ Emmanuel Maggiori chia sẻ với tờ Fortune rằng ông quyết định rời bỏ công việc nghiên cứu chuyên sâu vì muốn tạo ra sự ảnh hưởng ở lĩnh vực thương mại, thế nhưng tất cả những gì ông làm được chỉ là “không làm gì cả". Maggiori từng làm việc cho các công ty toàn cầu với tư cách chuyên gia AI và nhà khoa học dữ liệu. Hiện nay, ông cũng đang làm việc tự do cho một ngân hàng đầu tư đa quốc gia.
Vị tiến sĩ chia sẻ: “Tôi đã dành một vài tháng để làm một dự án và các sếp cảm thấy vô cùng hài lòng với nó. Một trong số họ nói với tôi rằng: ‘Bạn thực sự đã hoàn thành nó rồi. Nếu bạn muốn, chúng tôi có thể trả lương cho bạn trong suốt một năm mà không cần làm gì cả'”. Tuy nhiên, Maggiori đã từ chối vì ông không muốn nhận thù lao nhưng lại không tạo ra giá trị gì.
Trong những năm sau đó, Maggiori gắn bó với nghề kỹ sư phần mềm tự do. Ông tiếp tục làm việc với một loạt các doanh nghiệp lớn và nhận ra rằng dù là ở đâu, sự trì trệ vẫn cứ xảy ra như cũ.
Các đồng nghiệp thường mất cả tuần để hoàn thành công việc mà họ có thể làm chỉ trong vòng 10 phút. Thậm chí, có người còn thoải mái đi lặn biển ngay trong giờ hành chính hoặc xem các khoá học trực tuyến cả một ngày.
Theo nhóm Nghiên cứu và Đánh giá DevOps (DORA) của Google Cloud, số lượng người có hiệu suất làm việc “kém" trong lĩnh vực thiết kế phần mềm vào năm 2022 đã tăng hơn gấp đôi so với năm trước đó (từ 7% lên đến 19%).
Số giờ làm việc ít ỏi
Là kiểu người chủ động, Maggiori thường đề nghị cấp trên giao nhiều công việc hơn cho mình. Mặc dù vậy, những việc ông làm cũng chỉ là thu thập thông tin từ mọi người và cập nhật cho hệ thống.
Trong số những lĩnh vực từng tham gia, ngân hàng chính là nơi tiến sĩ Maggiori chứng kiến hiệu suất làm việc thấp nhất. Cụ thể, theo hợp đồng lao động, ông được trả 978 USD/ngày. Tuy nhiên, phải mất 2 tháng thì cấp trên mới giao nhiệm vụ đầu tiên.
“Trong hai tháng đó, tất cả những gì tôi phải làm là tham dự cuộc họp hàng tuần dành cho quản trị viên, đại loại là mọi người sẽ dặn dò những điều như: Hãy đăng ký chỗ ngồi trước nếu bạn muốn đến làm việc trực tiếp tại văn phòng", tiến sĩ chia sẻ.
Tương tự như Maggiori, các chuyên gia công nghệ làm việc tại Big Tech (những tập đoàn công nghệ lớn) cũng gặp trường hợp tương tự. Brit Levy, một cựu nhân viên của Meta, cho biết cô đã phải “đấu tranh để được giao nhiệm vụ". Trong khi đó, các đồng nghiệp của cô lại dành hàng giờ để tìm kiếm lỗi của Metaverse - một cách để tỏ vẻ bận rộn.
Trong một cuộc khảo sát ẩn danh được đăng trên ứng dụng Blind, một người dùng đã đặt câu hỏi: “Kỹ sư phần mềm dành bao nhiêu giờ mỗi ngày để tập trung làm việc?”
71,3% trong số 4.246 người tham gia khảo sát cho biết thời gian làm việc mỗi ngày của họ là từ 6 giờ trở xuống. Trong đó, 32,4% người dành 3 đến 4 giờ để làm việc, chỉ có 26,7% người thực sự làm từ 5 đến 6 giờ. Thậm chí, có đến 12,2% cho biết thời gian làm việc của họ chỉ từ 1 đến 2 giờ mỗi ngày.
Giải thích về lý do của hiện tượng, người này cho hay: “Công việc phần mềm vô cùng phức tạp cùng với nhiều quy tắc. Điều này còn tồi tệ hơn trong lĩnh vực tài chính”.
Theo đó, các doanh nghiệp cần phải cân nhắc việc trao quyền ở mức độ phù hợp để những kỹ sư phần mềm có thể hoạt động mà không làm lộ những thông tin “tối mật” của công ty. Chính điều này đã khiến khả năng làm việc của họ bị giới hạn, thậm chí đôi khi họ phải làm việc trong tình trạng không thể truy cập vào hệ thống.
Những công ty sẵn sàng trả lương cho sự rảnh rỗi
Theo tiến sĩ Maggiori, có nhiều động lực thúc đẩy các doanh nghiệp liên tục tuyển dụng thêm người dù không có nhiệm vụ dành cho họ. Đầu tiên, công nghệ phần mềm là một lĩnh vực vô cùng phức tạp và tinh vi, chính vì thế mà chỉ những chuyên gia trong ngành mới có thể làm được vị trí này.
Ngoài ra, việc thu hút thêm người giúp doanh nghiệp có sẵn nguồn nhân lực để triển khai khi cần thiết, hoặc đơn giản là họ chỉ muốn mở rộng số lượng nhân viên để đáp ứng các chỉ số thể hiện ra bên ngoài.
Được trả một khoản lương cao ngất ngưởng chỉ để “không làm gì" nghe giống như một công việc trong mơ. Tuy nhiên trên thực tế, nó lại dễ tạo ra sự nhàm chán và mất động lực.
“Việc không ai quan tâm đến sẽ khiến bạn cảm thấy dù bản thân có làm gì thì cũng không quan trọng. Đó không phải là sự lười biếng, chỉ đơn giản là bạn đang bị mất động lực làm việc", Maggiori giải thích.
Ignatius Nothnagel, người đã làm việc cho Amazon trong 6 năm trước khi thành lập công ty của riêng mình, tin rằng để có thể thay đổi tình trạng này, các chủ doanh nghiệp cần phải biết cách để thúc đẩy tinh thần làm việc của những người được thuê.
Chẳng hạn như Amazon đã khuyến khích nhân viên “suy nghĩ như người chủ", điều này giúp họ có thêm tinh thần sáng tạo và chủ động, tự giác tìm việc để làm thay vì ngồi chờ đợi.
Những trường hợp ngoại lệ
Trong khi đa số người làm trong lĩnh vực công nghệ khẳng định rằng họ hoàn toàn rảnh rỗi trong thời gian làm việc, thì một số ý kiến khác lại phản đối. Adam Machanic, người đã làm việc với vai trò kỹ sư dữ liệu trong ngành tài chính hơn 20 năm, nói rằng trạng thái không có việc gì làm là một điều quá viển vông đối với anh.
“Việc ai đó chỉ cần ngồi làm 3 giờ mỗi tuần là một điều hoàn toàn xa lạ với tôi. Tài chính chưa bao giờ là một ngành mà bạn chỉ cần đến công ty và ngồi chơi, chúng tôi luôn làm việc chăm chỉ và nhận phần thưởng xứng đáng cho việc mình đã làm".
Đồng thời, Machanic cho cũng cho rằng “sự lười biếng” này không bắt nguồn từ người được thuê, mà là do các nhà quản lý đã âm thầm dung túng cho nó. Đó là nguyên nhân khiến các tập đoàn công nghệ lớn như Meta, Google và Salesforce dù sa thải hàng nghìn công nhân nhưng vẫn có thể hoạt động như cũ. Đơn giản là vì một số lượng nhỏ nhân viên hoạt động hiệu quả sẽ tốt hơn so với số lượng lớn nhưng không làm được gì.