Có một chung cư dành riêng cho người Chăm giữa lòng Sài Gòn
Mỗi ngày cầu nguyện 5 lần, đàn ông phải cắt bao quy đầu từ nhỏ, phụ nữ khi lấy chồng chỉ ở nhà nội trợ… là những nét văn hoá đặc trưng của cộng đồng người Chăm đang sinh sống ở chung cư 86/1 (quận Bình Thạnh, TP.HCM).
Trước đây, cộng đồng người Chăm (gốc An Giang, nhập cư vào Sài Gòn) dựng nhà sàn sinh sống ở khu vực bờ kè kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Từ sau năm 1995, những ngôi nhà ven sông được giải toả, họ được nhà nước di dời vào chung cư 86/1. Hơn 20 năm với rất nhiều sự đổi thay của xã hội, người Chăm dần hoà nhập với người Kinh nhưng vẫn giữ riêng cho mình bản sắc độc đáo của một dân tộc theo đạo Hồi.
Có gần 300 người Chăm hiện đang sinh sống hoà lẫn với người Kinh tại chung cư này. Họ làm rất nhiều nghề từ may mặc, đan lát đến buôn bán, chạy xe ôm. Vì theo đạo Hồi nên mỗi ngày họ phải cầu nguyện thượng đế 5 lần. Các mốc thời gian cầu nguyện lần lượt là 4g30, 12g30, 15g30, 18g30 và 19g30.
Thánh đường được người Chăm xây ở tầng trên cùng ngay từ khi chuẩn bị đến đây sinh sống. Theo tục lệ, chỉ nam giới mới được bước vào thánh đường cầu nguyện (trừ những ngày đặc biệt và ngày lễ), còn phụ nữ thì làm tại nhà. Trước khi cầu nguyện bắt buộc phải tắm rửa sạch sẽ và bận đồ lễ riêng biệt.
Chú Mohamdaly (50 tuổi) đang cùng các anh em của mình cầu nguyện trong giáo đường. Chú cho biết, trong lúc cầu nguyện không ai được đụng vào nhau và chỉ được nghĩ đến thượng đế. Người nào phát sinh tạp niệm thì người đó sẽ mang tội.
Anh Mohamad Yusus (22 tuổi, bìa trái hàng dưới cùng) vẫn còn chưa quen việc cầu nguyện. Trước đây anh tên là Hồ Thanh Phúc, nhưng vì lấy vợ là chị Massina nên phải cải đạo và đổi tên. Nhưng đây chưa phải là điều đặc biệt nhất. Chàng trai cho biết thêm, trước khi kết hôn, anh phải tiến hành nghi thức cắt bao quy đầu để bảo đảm bản thân luôn sạch sẽ nhất. Thường thì việc cắt bao quy đầu sẽ tiến hành với những trẻ em người Chăm từ nhỏ. Từ ba ngày đến một tuần lễ, vết cắt sẽ lành hẳn. Ngoài ý nghĩa tâm linh, việc này còn nhằm mục đích giúp người nam và người nữ tránh được những loại bệnh sau khi giao hợp.
Chị Afatima (47 tuổi) đang chuẩn bị cầu nguyện lần 3 trong ngày. Chị nói trong những ngày “không sạch sẽ”, phụ nữ cũng không được hành lễ trước thượng đế. Đó là điều cấm kỵ.
Khác với người nam, phụ nữ khi cầu nguyện phải trùm kín từ đầu đến chân, họ lạy liên tục và niệm thầm những bài kinh đã học thuộc. Trong văn hoá của người Chăm, từ hành lễ đến ăn uống đều phải có những tấm thảm trải trước mặt.
Có tất cả 16 khu vực người Chăm sinh sống tại Sài Gòn. Ngoài tháng ăn chay Raman phải hành hương, họ thường có một số ngày đi viếng thăm anh em khu vực khác. Món ăn tiếp khách của họ thường là bánh plata, loại bánh ăn kèm với đường, sữa hoặc cà ri.
Bánh plata làm bằng bột mì và trứng. Cô Saphia (54 tuổi) là người chuyên làm bánh này cung cấp cho các hộ trong chung cư. Cô nói người Chăm chỉ ăn đồ ăn do chính dân tộc mình tự làm để đảm bảo không lẫn những thứ cấm kỵ (như mỡ heo).
Xế chiều, chị Mariah cùng các chị khác trong xóm xúm tụm chuẩn bị đi đám cưới. Họ ăn mặc sặc sỡ và không khí vô cùng náo nhiệt. Đám cưới của người Chăm rất vui, mọi người được ăn chơi thoải mái và hoàn toàn miễn phí.
Theo tục lệ, phụ nữ Chăm khi lấy chồng sẽ không phải làm bất cứ việc gì. Nhưng theo thời gian, mọi thứ phải dần thay đổi cho phù hợp. Trong ảnh, những người phụ nữ đang may quần áo, kiếm thêm thu nhập phụ chồng.
Buổi tối là thời gian lớp học tiếng Chăm tại chung cư hoạt động để giúp trẻ em, phụ nữ, người già không quên tiếng mẹ đẻ, văn hoá dân tộc. Tiếng ê a học bài khiến không khí trong chung cư trở nên sống động hẳn.
Thoắt cái lại đến giờ cầu nguyện, những cụ già lớn tuổi lại tất bật chuẩn bị lên thánh đường. Họ vẫn ngày ngày làm công việc này để văn hoá của người Chăm không bị hoà lẫn vào nhịp sống hiện đại.