Có loại lá quen thuộc để ăn kèm thịt nướng, mang đi muối chua lại ngon bất ngờ
Kim chi lá vừng dùng làm món ăn kèm rất hợp vị, dù cơm trắng hay thịt nướng đều ưng cái bụng.
Kim chi là món ăn chính trong nền ẩm thực lâu đời của Hàn Quốc. Đó là các loại rau muối chua lên men, chủ yếu là cải bắp, củ cải, hẹ, dưa chuột. Lá vừng là món ăn kèm thường xuyên khi bạn thưởng thức món thịt nướng trứ danh của người Hàn. Gọi là tía tô Hàn Quốc, nhưng vị lá vừng rất đặc trưng, mang làm kim chi là một biến tấu bất ngờ và thú vị. Hãy thử xem cách làm kim chi lá vừng có gì đặc biệt nhé.
Cách làm kim chi lá vừng
Nguyên liệu cần thiết
- Lá vừng (khoảng 100g)
- Nước tương, nước mắm, đường, dầu mè, mè rang, bột ớt đỏ
- Hành tươi/hành boa rô, 1/4 củ hành tây, 4 tép tỏi, cà rốt nửa củ
Thực hiện
Rửa sạch lá vừng và để ráo.
Băm tỏi, hành. Hành tây thái mỏng, cà rốt thái que.
Làm nhân: Trong một bát nhỏ, cho nước tương, nước mắm, đường, dầu mè, mè rang và bột ớt. Thêm tiếp tỏi, hành boa rô, hành tây, cà rốt đã thái vào. Trộn đều tất cả.
Phết nhân vừa trộn vào hai mặt lá vừng. Có thể ghép hai lá một lần mà không phải làm từng lá.
Làm lần lượt đến khi hết số lá vừng. Sau đó cho vào hộp kín, để trong ngăn mát tủ lạnh.
Trước khi dùng có thể rắc một ít mè rang lên trên.
Cách làm kim chi lá vừng cực kỳ đơn giản và nhanh chóng. Lá vừng muối chua cay thơm ngon được dùng như món ăn kèm với cơm và các món phụ khác trong bữa ăn của người Hàn. Và bạn cũng có thể dùng chúng như một sự bổ sung tuyệt vời cho các món thịt cá vì hương vị dễ chịu. Đặc biệt lá vừng có thể át mùi tanh của cá.
Thực tế, kim chi lá vừng được người Hàn dùng làm bí quyết để lấy lại vị giác và cảm giác thèm ăn. Hơn nữa, lá vừng chứa nhiều dinh dưỡng như canxi, sắt và các vitamin A, K, C. Nhiều nghiên cứu cho rằng lá vừng tốt cho da và có đặc tính chống ung thư lẫn kháng viêm.
Chúc bạn thành công với cách làm kim chi lá vừng này nhé!
Tác dụng của lá vừng với sức khỏe
Lá vừng, hay còn được gọi là lá tía tô Hàn Quốc. Chúng được sử dụng như một nguồn cung cấp axit béo omega-3. Ngoài tác dụng để trang trí món ăn hay ăn kèm các món như thịt nướng thì lá vừng cũng được dùng làm kim chi để tăng hương vị.
Theo các nghiên cứu, lá vừng có khả năng tăng cường miễn dịch. Các hợp chất trong lá vừng được công nhận có tác dụng kích thích hoạt động interferon - giúp thúc đẩy sức khỏe của hệ thống miễn dịch.
Bên cạnh đó, lá vừng chứa flavonoid, giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu ở dạ dày, chẳng hạn như đầy hơi, buồn nôn và trào ngược. Lá vừng được cho là hiệu quả cao trong việc kháng viêm. Các chất chống oxy hóa được tìm thấy trong lá vừng hoàn toàn có khả năng quét sạch các gốc tự do độc hại trong cơ thể.
Đặc biệt, lá vừng được coi là lá chắn chống nắng hiệu quả. Bột lá vừng, lá tía tô khi đắp lên da có tác dụng làm dịu tổn thương da do ánh nắng. Ngoài ra, uống nước tía tô, nước lá vừng cũng giúp thải độc, làm da khỏe mạnh, sáng hồng hơn.