Có hẳn một "sa mạc" khổng lồ đang nằm giữa Thái Bình Dương, và đến bây giờ khoa học mới biết thứ gì đang sống ở đó

J.D,
Chia sẻ

Một khu vực bao bọc bởi nước, nhưng cằn cỗi đến mức tưởng như không có thứ gì tồn tại được. Đó là Vòng hải lưu Nam Thái Bình Dương - nơi được xem là "sa mạc" của đại dương.

Nằm ở trung tâm phía Nam Thái Bình Dương, có một khu vực cách xa đất liền hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nó được gọi là "Cực bất khả tiếp cận" - Point Nemo, hay điểm Nemo, đồng thời cũng là nơi khoa học xem là "nghĩa địa vũ trụ" dành cho các vệ tinh và trạm vũ trụ "hết hạn sử dụng" rơi xuống. 

Point Nemo là một phần của Vòng hải lưu Nam Thái Bình Dương (SPG), và điều quan trọng là đại dương ở đây cũng khác với phần còn lại của thế giới. Dù chiếm đến 10% diện tích biển trên thế giới và là dòng biển lớn nhất hiện nay, mức độ đa dạng sinh học vẫn là cực thấp. Thậm chí, nó còn được xem là "sa mạc" của đại dương vì quá "cằn cỗi" cho sinh vật sống tồn tại. 

Nguyên nhân đầu tiên là vì khu vực biển này ở quá xa đất liền, khiến cho lượng dưỡng chất từ đất gần như là không có. Thứ 2, các xoáy nước ở đây đã cô lập dòng biển này với phần còn lại của đại dương. Và cuối cùng, nồng độ tia UV ở khu vực này là cực kỳ cao. 

Có hẳn một sa mạc khổng lồ đang nằm giữa Thái Bình Dương, và đến bây giờ khoa học mới biết thứ gì đang sống ở đó - Ảnh 2.

Mô phỏng SPG - vùng biển "cằn cỗi" như sa mạc của đại dương

Dẫu vậy, SPG vẫn chưa được xem là dòng biển chết. Trong sa mạc nóng nhất thế giới vẫn có sinh vật sống tồn tại, thì ở SPG cũng vậy. Chỉ là hiểu biết về nó chưa được nhiều do việc nghiên cứu vẫn còn nhiều khó khăn: SPG ở quá xa, và quá rộng với diện tích chiếm 37 triệu km2.

Nhưng cuối cùng thì mới đây, một nhóm chuyên gia nghiên cứu quốc tế tuyên bố đã có được manh mối đầu tiên về các sinh vật tồn tại ở vùng biển này. Trong chuyến thám hiểm kéo dài 6 tuần từ 12/2015 - 1/2016, nhóm nghiên cứu đến từ Viện Hải dương học Max Planck đã di chuyển hơn 7000km, đi từ Chile đến New Zealand bằng cách băng qua SPG. 

Trong hành trình này, họ đã lấy một số mẫu nước ở nhiều độ sâu khác nhau, dao động từ 20 - 5000m, đồng thời sử dụng hệ thống phân tích tiên tiến nhất, cho phép xác định tế bào hữu cơ chỉ trong vòng tối đa 35h.

Có hẳn một sa mạc khổng lồ đang nằm giữa Thái Bình Dương, và đến bây giờ khoa học mới biết thứ gì đang sống ở đó - Ảnh 3.

"Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhận ra các tế bào hữu cơ trên bề mặt SPG có số lượng chỉ bằng 2/3 so với khu vực tương tự ở Đại Tây Dương." - Bernhard Fuchs, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết.

"Đây là con số thấp nhất từng đo được trên mặt biển."

Các vi sinh vật được tìm thấy có khoảng 20 loài phổ biến như SAR11, SAR116, SAR86, Prochlorococcus... Mật độ của chúng phụ thuộc vào độ sâu của nước, do sự thay đổi về nhiệt độ, lượng dinh dưỡng và ánh sáng. Nhưng đáng chú ý, trong đó có một loại tên AEGEAN–169 xuất hiện rất nhiều trên bề mặt biển ở SPG, trong khi các nghiên cứu trước đó chỉ thấy chúng ở độ sâu tối thiểu 500m. 

"Điều này cho thấy có một chi tiết khá thú vị về khả năng thích ứng trong môi trường nước khắc nghiệt và có độ bức xạ Mặt trời cao." - Greta Reintjes, chuyên gia hải dương học trong nhóm nghiên cứu chia sẻ.

"Rõ ràng đây là thứ chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu sâu hơn."

Có hẳn một sa mạc khổng lồ đang nằm giữa Thái Bình Dương, và đến bây giờ khoa học mới biết thứ gì đang sống ở đó - Ảnh 4.

Về tổng thể, kết quả nghiên cứu xác nhận rằng ngay cả ở một nơi "cằn cỗi" như SPG, vẫn tồn tại một hệ sinh thái độc đáo và riêng biệt. Các loài vi sinh vật đã tìm cách thích nghi với điều kiện khắc nghiệt ở đây: dưỡng chất thấp, bức xạ cao... để tồn tại và vươn lên.

Ở thời điểm hiện tại, SPG có lẽ vẫn chưa thể rũ bỏ cái danh "sa mạc đại dương", nhưng nhìn về hướng tích cực hơn thì đây được xem là vùng biển trong xanh nhất thế giới do cách quá xa đất liền - hay đúng hơn là xa loài người.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Microbiology.

Tham khảo: Science Alert

Chia sẻ