Cô giáo 73 tuổi và lớp học gieo niềm hi vọng ở "Xóm liều"

Hà Hương, ảnh: Chí Toàn,
Chia sẻ

Đôi mắt đã mờ, chân tay run, tuổi đã cao nhưng chưa bao giờ cô Nguyễn Thị Côi hết tâm huyết với những học trò có hoàn cảnh đặc biệt ở lớp học của mình.

Đồng cảm với những số phận

Đến phố Trương Định, chẳng ai là không biết cô giáo Nguyễn Thị Côi, 73 tuổi, hàng ngày cô vẫn hết lòng tận tâm chăm bẵm, dạy học cho những trẻ thiệt thòi ở quận Hoàng Mai này.
Cứ 7 giờ sáng, cô giáo Côi lại chầm chậm đi bộ hoặc đi xe ôm tới lớp học tình thương tại nhà văn hóa phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng. Lớp học của cô nằm sâu trong ngõ nhỏ trên phố Trương Định ( Hà Nội), hoặc ngoài giờ trên lớp, cô có tổ chức lớp học ngay tại nhà mình ở địa chỉ 33 tổ 4/8 Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ngày nắng cũng như ngày mưa, cô Côi vẫn lạch cạch với phấn trắng và bảng đen, tận tình dạy dỗ cho những em thiệt thòi, khiếm khuyết. 
Hiện tại, lớp học của cô Côi có 15 học sinh, em bị động kinh, em bị thiểu năng trí tuệ, tự kỷ, nhiễm chất độc hóa học, nghèo khó, trẻ lang thang, cơ nhõ... Lớp trưởng của lớp đã ngoài 30 tuổi, nhỏ nhất cũng 8 tuổi.15 học sinh ở lớp này là 15 hoàn cảnh, số phận rất đáng thương khác nhau, có em từ bé đã theo người mẹ tâm thần sống ở bãi rác, quanh năm chỉ biết bới và nhặt rác, bán đồng nát, có những em bị động kinh, bố đi tù, mẹ chết, sống với bà, có những em sinh ra bị di chứng chất độc màu da cam mắt không còn nhìn thấy gì... nhưng các em đang được học chữ từ cô giáo già tận tâm. Chính vì vậy người ta gọi lớp học của cô là lớp học hi vọng.
 “Tôi thấu hiểu sự mất mát, khiếm khuyết ngay từ khi mình còn rất nhỏ. Sinh ra, tôi chưa từng được nhìn mặt bố mình vì bố đã ra đi mãi mãi do bệnh tật, lớn lên trong sự yêu thương của người mẹ. Có lẽ vì có sự đồng cảm như vậy nên khi đang làm hiệu trưởng trường Hoàng Văn Thụ, quận Hai Bà Trưng, nhận được lời mời tham gia dạy học cho trẻ cơ nhỡ, tôi tham gia ngay không chút đắn đo. Ban đầu, gia đình tôi cũng lo lắng tôi không đủ sức khỏe để làm nhưng rồi cuối cùng mọi người cũng ủng hộ. Bởi nếu ai tiếp xúc với các em bé này cũng sẽ đều nhận ra rằng các em đã thiệt thòi quá rồi. Giúp cho những đứa trẻ biết được mặt chữ, con số cũng sẽ khiến các em đỡ thiệt thòi hơn".
Cô bảo, mở lớp đã khó, nhưng việc vận động trẻ em ở "xóm liều" bãi rác này đến lớp học chữ càng gian nan. Những đứa trẻ ở đây đến tuổi lên 4, lên 5 đã phải theo cha mẹ mưu sinh. “Tôi đã từng phải đến từng nhà để vận động nhiều lần trẻ con mới đến lớp, nhưng chỉ học được vài ba hôm lại bỏ học để theo cha mẹ mưu sinh”, cô nói. 
Trong suốt 20 năm qua, người giáo viên già ấy vẫn ngày ngày lặn lội đi tìm học trò ở khắp nơi: trên đường phố, xóm liều, bãi rác, khu trọ của công nhân nghèo. Và cô đã tìm thấy biết bao ánh mắt tròn vô tư, ham học của những em bé mà với bố mẹ của em đều cho rằng “không cần biết chữ vẫn biết kiếm ra tiền”.
Nơi gieo hi vọng cho những số phận không may mắn

Nhìn cô bé Lê Hồng Tâm, 15 tuổi xinh xắn đáng yêu không ai nghĩ cô bé phải thường xuyên chịu đựng những cơn động kinh do thời tiết thay đổi hay do bé phải suy nghĩ quá nhiều. Bố bé là bác Lê Hồng Côn, (ngõ 389 Trương Định, quận Hoàng Mai, Hà Nội) là bộ đội về hưu, bác mang trong mình chất độc màu da cam trong thời chiến. Gia đình bác đau quặn khi cả hai người con đều chịu di chứng nặng nề của chiến tranh để lại. Con cả bị tâm thần phân liệt, bé Tâm đang theo học lớp cô thì bị dị tật chân tay, động kinh. 

Cô giáo 73 tuổi và lớp học gieo niềm hi vọng ở
Cứ 7h30 sáng từ thứ 2 tới thứ 6, 15 em học sinh đặc biệt này luôn cần mẫn tới học


Cô giáo 73 tuổi và lớp học gieo niềm hi vọng ở
Trong lớp có 2 chiếc bảng, một chiếc dành cho trẻ bình thường, 1 chiếc dành cho trẻ mắt kém. 

Cô giáo 73 tuổi và lớp học gieo niềm hi vọng ở
Bé Giang bị di chứng chất độc màu da cam, đôi mắt quá kém khiến bé học khá khó khăn

Cô giáo 73 tuổi và lớp học gieo niềm hi vọng ở
Ngày nhà giáo Việt Nam năm nào cùng vậy, bên bục giảng của bà giáo Côi không hoa, không thiệp chúc mừng nhưng cô lúc nào cũng vui bởi "chỉ cần nhìn xuống bục giảng, sẽ thấy khuôn mặt đầy vui tươi của lũ trẻ".
 
Cô giáo 73 tuổi và lớp học gieo niềm hi vọng ở
Bé Nguyên viết chữ đẹp, bé ham học hỏi. Mẹ bé là cô Chiến cho biết: "Từ ngày đi học, Nguyên hiểu ra nhiều điều, chứ trước cháu nó không biết gì, suốt ngày ngây ngây ngô ngô"


Cô giáo 73 tuổi và lớp học gieo niềm hi vọng ở
Cô Côi luôn lặng thầm cống hiến với tâm nguyện vơi đi bất hạnh của các em. 

Cô giáo 73 tuổi và lớp học gieo niềm hi vọng ở
Ở đây, các em được học hành và tìm thấy niềm vui

Cô giáo 73 tuổi và lớp học gieo niềm hi vọng ở
Bé Hồng Tâm (áo kẻ đỏ), phía bên phải cô Côi, đang miệt mài tập viết

Cô giáo 73 tuổi và lớp học gieo niềm hi vọng ở
20 năm gắn bó với lớp học tình thương, không bằng khen, không kỷ niệm chương, nhưng cô Côi luôn nhận được sự biết ơn, kính trọng của hàng trăm học sinh và phụ huynh có hoàn cảnh đặc biệt.



Cô giáo 73 tuổi và lớp học gieo niềm hi vọng ở
Tình yêu học sinh, yêu nghề và sự nhẫn nại chính là điều mà ai cũng có thể nhận ra ở người giáo viên này.

Cô giáo 73 tuổi và lớp học gieo niềm hi vọng ở

Bác Côn tâm sự: “Nếu không có cô Côi, những người bố người mẹ có con khiếm khuyết như chúng tôi có lẽ sẽ còn chịu nỗi đau dài vô tận. Cô Côi không chỉ là người thầy của con gái tôi  mà cô còn là ân nhân là người thầy của cả gia đình tôi”. Bác Côn xúc động chia sẻ, từ một em bé tự ti, thu mình, không biết gì thì giờ Tâm đã biết đọc biết viết, cộng trừ nhân chia, có bạn bè. 

Sự tâm huyết, hết lòng vì công việc của bà giáo Nguyễn Thị Côi, những người lớn tuổi cũng thực sự nể phục. Bác Trung – nhà ở gần lớp học cho biết: “Cô Côi là người vô cùng nhân hậu, yêu thương trẻ con, kiên nhẫn và đầy trách nhiệm với các bé, ở trong phố này, ai cũng gọi cô là người mẹ của những đứa trẻ thiểu năng, cơ nhỡ". 

Chia sẻ về lớp học này, cô Côi nói: "Dạy học trò bình thường đã khó, dạy trò bị thiểu năng trí tuệ hay khuyết tật còn khó hơn nhiều lần. Cũng có lúc tôi từng  mệt mỏi, thất vọng khi các em không thể ghi nhớ, học trước quên sau, có những em phải 5 năm mới học xong giáo trình lớp 1 nhưng nghĩ lại, tôi thấy thương bọn trẻ đó vô cùng, bởi các em quá thiệt thòi".

Cô giáo 73 tuổi và lớp học gieo niềm hi vọng ở
Cô Côi tận tình chỉ cho các em từng nét chữ

Cô giáo 73 tuổi và lớp học gieo niềm hi vọng ở
11 giờ, lớp tan học

Bên cạnh lớp học, nhà cô giáo, thì chính vỉa hè, gốc cây cũng được cô tận dụng để dạy học, ôn bài cho các em bán báo, đánh giầy. Nhớ lại năm nào, cô dạy học trong căn phòng nhỏ, dột nát, nắng xiên tới mặt, mưa dột trên đầu, biết bao cái cốc, xô chậu, túi nilon được cô trò trải ra để hứng mưa. Với cô đó là giai đoạn khó khăn nhưng quả thực đầy ý nghĩa.  

Bao nhiêu năm miệt mài đứng lớp, điều cô Côi băn khoăn nhất là tuổi giờ đã cao, sức không còn tốt, sợ không còn đủ khỏe mạnh để tiếp tục đứng lớp, cô trăn trở cho tương lai của những em học sinh mình sẽ đi về đâu...


Chia sẻ