Cô gái về quê cứu xưởng gia đình sắp phá sản, cùng các dì sáng tạo làm giàu bằng sản phẩm "vừa độc vừa chất"

Trung Hạ,
Chia sẻ

Trong một ngôi làng bình thường ở Triều Sán, Quảng Đông (Trung Quốc), có một nhóm phụ nữ cả ngày tụ tập cùng nhau móc len, mẫu mã thì cực kỳ thời trang. “Cầm đầu” nhóm các bà dì này là cô gái với nickname “Chuối”, 32 tuổi.

"Cứu" xưởng gia đình, "cứu" các dì trong làng, "cứu" luôn bản thân

Tôi là Chuối, năm nay 32 tuổi, đến từ Triều Sán, Quảng Đông, đã cùng gia đình làm công việc móc len tại quê nhà suốt 10 năm.

Cô gái về quê cứu xưởng gia đình sắp phá sản, cùng các dì sáng tạo làm giàu bằng sản phẩm "vừa độc vừa chất"- Ảnh 1.

Móc len là một nghề thủ công đặc trưng của vùng Triều Sán, tay trái xoắn chỉ, tay phải cầm móc, có nhiều kỹ thuật linh hoạt đa dạng.

Năm 2014, máy móc lên ngôi, xưởng của gia đình tôi vắng khách đặt hàng, đối mặt với nguy cơ đóng cửa. Đúng lúc đó tôi tốt nghiệp thiết kế thời trang, nghĩ mình có thể tạo ra một số thiết kế mới, để giữ lấy xưởng móc len của gia đình mình.

Nhân viên của xưởng chủ yếu là các dì trong làng, từ những chị mới 30 tuổi, cho đến các dì trên 70 tuổi, có người đã theo chúng tôi 30 năm (bao gồm thời gian ở xưởng trước khi gặp biến động).

Ban đầu các dì rất lấy làm lạ những sản phẩm mà tôi muốn hướng đến, nhưng rồi họ cũng dần chấp nhận. Đôi khi tôi sẽ "ép" họ tự suy nghĩ nhiều hơn, sáng tạo hơn nữa, tự do thể hiện cá tính.

Rất nhiều phụ nữ Triều Sán cả đời hiến dâng cho gia đình, rất ít có thời gian của riêng mình. Nhưng khi móc len, họ sẽ cảm thấy đây là thời gian thoát ra khỏi gia đình, được thể hiện giá trị bản thân, kiếm được tiền phụ thêm trong nhà hay mua quà cho cháu, họ sẽ cảm thấy rất tự hào.

Tôi nhớ có một lần ấn tượng sâu đậm, vào một ngày ở xưởng, tôi thấy một dì đang khóc vì mâu thuẫn với con trai. Bà vừa khóc, tay vẫn đang móc len, sau khi tâm sự xong, lại cười tươi rói.

Tôi luôn muốn các dì có cảm giác tồn tại và nhận ra giá trị của mình hơn. Vì vậy mỗi khi các dì móc xong một sản phẩm, tôi sẽ để họ ký tên mình lên. Có những dì thậm chí không biết chữ, nhưng cũng cố gắng học ký tên mình.

Đi theo chất riêng

Ban đầu khi bắt đầu làm móc len, tôi không có bất kỳ vốn khởi nghiệp nào, vì ba mẹ cũng đang trên bờ vực phá sản, nên tôi chỉ có thể đi khắp nơi để mở quầy ở các phiên chợ, mang theo sản phẩm để kết nối với khách hàng.

Cô gái về quê cứu xưởng gia đình sắp phá sản, cùng các dì sáng tạo làm giàu bằng sản phẩm "vừa độc vừa chất"- Ảnh 4.

Thời gian đó thực sự khá khó khăn. Valentine, Giáng sinh, Tết Dương lịch, mọi người đều vui vẻ, nhưng tôi một mình kéo vali trên tàu điện, chạy đua đến các hội chợ. Toàn bộ tài sản chỉ có 3.000 NDT (hơn 10 triệu VNĐ), thế mà cũng cầm cự được một thời gian.

Cứ thế bán hàng một năm rưỡi, bước ngoặt xảy ra ở Đại Lý, nam diễn viên Lý Á Bằng đã mua và đội chiếc mũ móc len của quầy tôi. Cứ thế được đà mở cửa hàng đầu tiên, sau đó cuộc sống mới tốt hơn một chút.

Cảm hứng thiết kế của tôi đều đến từ cuộc sống. Chẳng hạn như tôi xem phim, đi du lịch, biến những hình ảnh nhìn thấy thành thiết kế của mình.

Trong tất cả sản phẩm của mình, tôi thích nhất là series "Tín hiệu cơ thể", trước đây tôi có một thời gian cảm xúc sụp đổ, khiến cho mắt và tuyến vú gặp vấn đề. Tôi cảm thấy không thể như vậy, cần phải coi trọng việc này, nên đã dành một tháng để móc len "Tín hiệu cơ thể".

Kết hợp rất nhiều sáng tạo, chẳng hạn như hoa tai trở thành đồ chơi phát ra âm thanh, còn làm một chiếc gương có chi tiết bộ ngực, nhắc nhở bản thân phải kiểm tra tình trạng cơ thể mọi lúc.

Tốn thời gian lâu nhất là một con rồng dài 20 mét, từ khi có ý tưởng cho đến khi thực hiện, mất nửa năm, do 12 dì cùng móc. Con rồng ấy được cấu thành từ nhiều bộ phận, vảy hình trái tim, râu, răng, viên ngọc... Trước tiên, tôi móc từng miếng nhỏ, phân chia phụ kiện cho các dì, mỗi người dì chọn lựa kỹ thuật móc len mà họ thạo và cảm thấy thoải mái nhất, sau đó mới ghép nối từng bộ phận lại với nhau.

Dẫu ban đầu gặp không ít khó khăn, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Mọi quyết định của tôi đều xuất phát từ trực giác, đắm chìm theo cảm xúc của khoảnh khắc, không cân nhắc quá nhiều, tôi có thể vui vẻ chấp nhận những kết quả hiện tại.

Đam mê thổi tan cảm xúc tiêu cực

Năm nay tôi 32 tuổi, không yêu đương, không kết hôn, bố mẹ nghĩ rằng tôi cần một người để cùng chia sẻ cuộc sống, nhưng thực tế tôi quá bận rộn, không có thời gian để yêu đương. Bà, các dì thúc giục chuyện hôn nhân, tôi chỉ cười và nói rằng tôi vẫn muốn tận hưởng cuộc sống.

Nhiều người nhận xét về tôi rằng tôi có vẻ ngoài thời trang, phóng khoáng, nhưng thực chất tôi khá là hướng nội, cách ăn nói cũng không dịu dàng. Tôi chẳng qua chỉ là một cô gái đơn giản, không theo đuổi những xu hướng thịnh hành, không chạy theo thương hiệu. Tôi chỉ chọn những gì mình yêu thích và thoải mái, chọn cách im lặng và lắng nghe bằng đôi mắt.

Cô gái về quê cứu xưởng gia đình sắp phá sản, cùng các dì sáng tạo làm giàu bằng sản phẩm "vừa độc vừa chất"- Ảnh 11.

Tôi chưa bao giờ phải làm công ăn lương, luôn được làm những điều mình yêu thích. Nhưng cũng có những lúc cảm thấy kiệt sức, tôi sẽ dành thời gian cho riêng mình, đi ngủ trong rừng, dạo bước bên bờ biển, tìm cách cân bằng lại tinh thần. Khi bạn cảm thấy không tự tin vào chính mình, những năng lượng tiêu cực sẽ dễ dàng tiếp cận bạn.

Vì vậy, trong quá trình sáng tạo, tôi luôn đảm bảo rằng mình phải cảm thấy hạnh phúc. Ví dụ, khi muốn biểu đạt điều gì đó, tôi sẽ dành thời gian để suy nghĩ và lắng đọng, sau đó mới tiếp tục với công việc móc len. Tôi tin rằng mọi cảm xúc đều sẽ được phản ánh trong sản phẩm, và mọi người có thể cảm nhận được điều đó.

Cô gái về quê cứu xưởng gia đình sắp phá sản, cùng các dì sáng tạo làm giàu bằng sản phẩm "vừa độc vừa chất"- Ảnh 12.

Một khách hàng từng gửi cho tôi đoạn chia sẻ: “Cảm ơn bạn đã mang lại sự tự tin cho tôi, trước kia tôi không dám chụp ảnh selfie cận mặt, nhưng giờ đây sau khi đeo thiết kế của bạn, tôi nhận được nhiều lời khen ngợi, và tự tin hơn”. Tôi rất trân trọng những mối liên kết này với khách hàng.

Bây giờ, cả gia đình tôi đều tham gia vào công việc móc len. Trong quá trình này, chúng tôi cùng điều chỉnh và thấu hiểu nhau hơn. Tôi nhận ra, dù là được chăm sóc hay được yêu thương, tất cả đều là quá trình của việc cho đi và nhận lại.

Khi tôi còn nhỏ, những người lớn tuổi trong làng thường dạy lớp trẻ cách móc len, nhưng bây giờ họ lại cho rằng trẻ em cần ưu tiên việc học hành. Vì thế, khi còn sức lực, tôi cũng sẽ tổ chức một số hoạt động, để giới trẻ có cơ hội tiếp xúc và yêu thích móc len, không bao giờ quên đi nghệ thuật này.

Nguồn: Yi Tiao

Chia sẻ