Cô gái nói chuyện không rõ, dưới lưỡi sưng phồng và có màu xanh giống như bụng nhái, bác sĩ kinh ngạc khi phát hiện khối u 6cm

TÚ UYÊN,
Chia sẻ

Khi cô Diệu há miệng, bác sĩ nhận thấy sàn miệng của bệnh nhân sưng phồng, dưới lưỡi sưng phồng và có màu xanh giống như bụng nhái.

Bác sĩ Từ Chính Minh, khoa tai mũi họng, bệnh viện Chang Gung Memorial Hospital, Đài Loan, chia sẻ về trường hợp một nữ sinh là cô Diệu, đến bệnh viện khám trong tình trạng nói chuyện không rõ ràng, giống như trong miệng mắc nghẹn một quả trứng, dưới lưỡi có dấu hiệu sưng phồng, không thể duỗi lưỡi ra bình thường, dưới cằm có dấu hiệu căng chướng.

Khi cô Diệu há miệng, bác sĩ nhận thấy sàn miệng của bệnh nhân sưng phồng, dưới lưỡi sưng phồng và có màu xanh giống như bụng nhái. Kết quả kiểm tra cho thấy, dưới lưỡi của bệnh nhân có một khối u 6cm, được chẩn đoán mắc bệnh nang nhái sàn miệng. Sau khi tiến hành phẫu thuật, lưỡi của bệnh nhân hồi phục bình thường, dưới cằm không để lại sẹo.

Cô gái nói chuyện không rõ, đến bệnh viện khám bác sĩ kinh ngạc khi thấy khối u 6cm - Ảnh 1.

Dưới lưỡi của bệnh nhân là khối u 6cm.

Cô gái nói chuyện không rõ, đến bệnh viện khám bác sĩ kinh ngạc khi thấy khối u 6cm - Ảnh 2.

Trước và sau phẫu thuật bóc tách khối u của nữ bệnh nhân.

Bác sĩ Từ Chính Minh giải thích, có 2 loại u nang sàn miệng thường gặp là nang nhái sàn miệng và u nang biểu bì. Nguyên nhân chủ yếu gây ra nang nhái sàn miệng là do viêm tuyến nước bọt, tỉ lệ mắc bệnh là 2/10.000 người, rất hiếm trường hợp do tuyến cận giáp gây ra. Đáy lưỡi của bệnh nhân sẽ xuất hiện u nang mềm và có màu xanh giống như bụng nhái. Bệnh nang nhái sàn miệng thường gặp ở bệnh nhân trẻ tuổi.

Ngoài ra, một loại khối u khác là u nang biểu bì, nếu lấy kim chọc sẽ ra chất dịch màu trắng như đậu hũ, thường xuất hiện ở sàn miệng, cằm hoặc dưới tai, đối tượng mắc bệnh là lứa tuổi trẻ nhỏ và thanh thiếu niên, tỉ lệ mắc bệnh là 1/10.000 người.

Bệnh nhân mắc một trong 2 loại u nang sàn miệng sẽ có dấu hiệu là u nang chiếm kích thước lớn khiến lưỡi nhô cao. Phương pháp phẫu thuật có thể bắt đầu từ khoang miệng hoặc cổ tiến vào bóc tách khối u, khối u càng lớn thì càng khó xử lý.

Theo kinh nghiệm lâm sàng, chị em phụ nữ do cảm thấy xấu hổ, ngại ngùng nên khi mắc bệnh thường trì hoãn đến bệnh viện khám. Các loại u nang sàn miệng có khả năng diễn biến thành ung thư khoang miệng hoặc ung thư tuyến nước bọt, do đó, khi có dấu hiệu mắc bệnh, mọi người cần đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời.

Bệnh nang nhái sàn miệng là gì?

Nang nhái sàn miệng là nang nhầy, khu trú ở sàn miệng. Lòng nang chứa dịch nhầy có nguồn gốc từ tuyến nước bọt dưới lưỡi, hoặc tuyến dưới hàm, hoặc tuyến nước bọt phụ ở sàn miệng.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh đến nay vẫn chưa rõ ràng, một số chuyên gia cho rằng cơ chế gây nang là do ống một tuyến nước bọt bị tắc, giãn phình.

Biểu hiện bệnh

- Có khối phồng ở sàn miệng, kích thước thường khoảng 1-3cm hoặc lớn hơn.

- Bề mặt khối phồng có màu tím nhạt giống bụng nhái, ranh giới rõ.

- Niêm mạc mỏng căng, có thể tự vỡ ra dịch nhầy trong như lòng trắng trứng có albumin và mucin, dễ nhiễm khuẩn, hay tái phát.

- Nang phát triển từ từ, trường hợp to có thể lấn qua đường giữa, đẩy lệch lưỡi, ảnh hưởng chức năng.

- Thể lâm sàng hiếm gặp là nang nhái ở cổ, xảy ra khi nang xuyên qua cơ hàm móng và biểu hiện thành khối phồng ở vùng cổ.

Bệnh nang nhái sàn miệng nếu bị bội nhiễm có thể gây sưng tấy vùng sàn miệng và ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan trong khoang miệng.

Phòng bệnh

Khám sức khỏe răng miệng định kỳ để phát hiện nang sớm và điều trị kịp thời.

Theo Ettoday

Chia sẻ