Cô gái Digan là ai mà được ví von với sông Hương trong tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" ở đề thi môn Ngữ văn THPT Quốc gia 2019

L.T,
Chia sẻ

Cô gái Digan mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn nhắc tới là người con gái mang vẻ đẹp hoang dã, phóng khoáng, tự do, đầy khỏe khoắn.

Sáng 25/6, gần hàng trăm ngàn sỹ tử trên khắp cả nước đã hoàn thành bài thi môn văn THPT quốc gia 2019. Bài thơ "Trước biển" của nhà thơ Vũ Quần Phương và tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông" của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã được đưa vào đề thi. Trong đó, câu chiếm một nửa tổng số điểm thuộc về tác phẩm viết về sông Hương. Trong đoạn trích dẫn có câu ví von đầy ấn tượng: "Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời mình như một cô gái Digan phóng khoáng và man dại". 

Dù đã từng học qua hoặc từng biết đến tác phẩm này nhưng không mấy người biết được hình ảnh "cô gái Digan" là ai và đẹp đến nhường nào để tác giả phải thốt lên "phóng khoáng và man dại" khi miêu tả về dòng sông Hương.

Cô gái Digan mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường muốn nhắc tới là người con gái mang vẻ đẹp hoang dã, phóng khoáng, tự do, đầy khỏe khoắn - đặc trưng vốn có của bộ lạc du mục Digan.

Khi nhắc đến cô gái Digan, người ta nhớ ngay đến những bộ váy xếp tầng đầy màu sắc với chất liệu chủ yếu từ vải xô, ren và da thuộc, những trang sức cầu kì được làm bằng răng thú và lông vũ. 

co-gai-digan-2

Những cô gái Digan trong những bộ váy màu sắc sặc sỡ.

Những điều thú vị đầy bất ngờ về người Digan

Người Di-gan là một trong những tộc người bí ẩn nhất thế giới. Tên chính thức của người Digan là "Rom" (số nhiều là Roma).

Thực chất tên của người Digan rất đa dạng vì họ sống ở nhiều nơi rải rác, chẳng hạn: nhóm thiểu số này được gọi là Gitanos ở Tây Ban Nha, Gitan ở Pháp, Tsingani ở Trung và Đông Âu. Người Digan cũng tự gọi mình bằng nhiều tên khác nhau như: Kale ở Phần Lan và Bồ Đào Nha, Manush ở Pháp và Sinti ở Đức và Đông Âu. 

Gypsy xuất phát từ tiếng Hy Lạp cổ, có ý ám chỉ, kỳ thị tộc này ("gyp" có nghĩa là lừa đảo). Nhiều người cho rằng, cái tên ấy là có ý mỉa mai, tuy nhiên nó được sử dụng phổ biến nên chính những người Digan cũng sử dụng từ ấy để chỉ bản thân.

Có nguồn gốc từ Ấn Độ

Có khá nhiều bằng chứng cho thấy người Digan có nguồn gốc ban đầu từ một nhóm người nói tiếng Hindi ở phía bắc Ấn Độ. Nhiều từ ngữ và quy tắc ngữ pháp trong ngôn ngữ của người Digan có những đặc điểm gần như giống y hệt tiếng Hindi.

digan-9

Bằng chứng di truyền cũng cho thấy người Digan có thể có nguồn gốc ở miền bắc Ấn Độ. Theo một nghiên cứu năm 2012, được công bố trên tạp chí Cell Biology, các dữ liệu gene được phân tích từ 13 cộng đồng người Digan ở khắp châu Âu cho thấy những người Digan rời miền bắc Ấn Độ khoảng 1.500 năm trước. Những người Digan hiện sống ở châu Âu đã di cư qua vùng Balkans bắt đầu từ khoảng 900 năm trước.

Thói quen sống di cư

Sau khi đi khỏi vùng đất phía bắc Ấn Độ, hầu hết người Digan đều di cư đến một số nước đông Âu như Romani và Bulgari, tổng số người Digan chiếm khoảng 12% dân số khu vực. Người Digan cũng sống nhiều ở Thổ Nhĩ Kỳ với số dân khoảng 2,75 triệu người. Một vài quốc gia khác có khá nhiều người Digan sinh sống bao gồm: Nga, Slovakia, Hungary, Berbia, Tây Ban Nha và Pháp.

digan-5

Một gia đình người Digan.

Mặc dù tập trung chủ yếu ở châu Âu, người Digan vẫn được phát hiện ở những lục địa khác. Có khoảng 1 triệu người Digan sống ở Mỹ và khoảng 800.000 người sống ở Brazil. Tuy nhiên, cho dù ở đâu, người Digan vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và bị đàn áp.

Từng bị đàn áp dã man

Sau khi di cư đến châu Âu, người Digan trở thành nô lệ ở nhiều vùng đất, tình trạng ấy kéo dài mãi cho đến thế kỷ 19 tại Romania. Ở Anh, Thụy Sĩ, Đan Mạch, người Digan bị giết hại trong suốt giai đoạn trung cổ. Còn ở các nước như Đức, Italy và Bồ Đào Nha, chính quyền từng ban lệnh trục xuất tất cả những người Digan.

Nhiều tài liệu báo cáo công bố các trường hợp trẻ em Digan thường bị người khác bắt cóc khỏi bố mẹ ruột, phụ nữ Digan bị cắt tai, người Digan nói chung bị dí bàn là nóng vào người. Để đồng hóa người Digan, các quốc gia khác cấm người Digan sử dụng tiếng mẹ đẻ, một số nơi khác ban lệnh cấm những người Digan kết hôn với nhau.

Theo BBC, có lẽ cuộc đàn áp tàn khốc nhất đối với người Digan là vào thời Thế chiến II, khi họ trở thành một trong những mục tiêu đầu tiên của Đức Quốc xã. Ước tính có khoảng 2 triệu người Digan đã chết trong các trại tập trung và hoặc bị giết theo nhiều cách khác nhau.

Thời kỳ hậu chiến, người Digan vẫn tiếp tục bị áp bức, đặc biệt là ở Liên Xô. Vào những năm 1980, phụ nữ Digan ở Tiệp Khắc đã bị ép triệt sản để hạn chế số người Digan gia tăng.

Văn hóa đặc sắc nhưng cũng đầy phức tạp

Văn hóa đặc sắc của người Digan được thể hiện ở phong cách âm nhạc độc đáo, có những ảnh hưởng phần nào đến nhạc jazz, bolero, nhạc flamenco.

digan-16

Trong khi người Digan được cho là có nguồn gốc từ Ấn Độ, nhưng suốt hàng thế kỷ, hầu hết người Digan đã theo các tôn giáo ở những nước mà họ di cư và sinh sống. Phần lớn cộng đồng người Digan hiện theo đạo Hồi hoặc đạo Kito.

Xã hội Digan truyền thống vẫn giữ phong tục kết hôn từ 12 tuổi. Các cô dâu nhỏ đôi khi trở thành vật trao đổi và buôn bán giữa các cộng đồng người Digan, cảnh báo tình trạng buôn bán người ở châu Âu. Theo một báo cáo của Tổ chức An ninh và Hợp tác tại châu Âu (OSCE), một số cộng đồng người Digan còn có hoạt động buôn bán trẻ em bất hợp pháp.

"Đại bản doanh" của người Digan ở đâu?

Đúng là theo truyền thống thì người Digan là tộc người du mục. Nhưng thời gian trôi đi, họ dần ổn định cuộc sống tại một số vùng, thị trấn nông nghiệp và Buzescu (Romania) chính là "đại bản doanh" của người Digan. Ước tính, ở đây có khoảng 5.000 người Digan đang định cư.

Trái với nhiều suy nghĩ, những người Digan sống khổ cực, Buzescu lại là một thiên đường thật sự - một ngôi làng giàu có, trù phú. Ở đây, đàn ông làm công việc kinh doanh, còn phụ nữ dù giàu hay nghèo cũng chỉ có nhiệm vụ nội trợ và chăm sóc con cái.

Cha mẹ ở đây luôn muốn dành những gì mà họ thiếu trong quá khứ cho con cái: đồ chơi, thức ăn… Tuy nhiên, trong quan niệm của họ, người Digan không hướng con cái vào việc học tập, họ muốn con trai nhanh chóng đi kiếm tiền còn con gái thì lấy chồng và phụ giúp gia đình.

Thế hệ trẻ người Digan hiện nay vẫn sống du mục giống như ông cha họ trước đây nhưng có phần trẻ trung và hiện đại hơn. Ở đâu âu đó, sống ở vùng đất nào, họ lại hòa mình với nền văn hóa ở vùng đó và dần dần phong cách của những người dân Digan cũng mang nhiều nét pha trộn, khá giống với những thanh niên châu Âu khác, trong họ cũng thấm đẫm chất văn hoá đường phố phương Tây và không còn nhiều những nét kỳ bí đặc trưng như trước.

Cô gái Digan trong các tác phẩm văn học nước ngoài

Không chỉ xuất hiện trong văn học Việt Nam, hình ảnh cô gái Digan đã từng có mặt trong khá nhiều tác phẩm văn học thế giới, tiêu biểu là cô gái Digan Esmeralda trong tác phẩm "Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà" và nàng Digan Carmen trong vở nhạc kịch cùng tên.

Người đẹp Digan - nàng Esméralda - thì mang vẻ đẹp trong trắng, ngây thơ và có số phận bất hạnh. Nàng là tình si trong câm nín của thằng gù Quasimodo, một tên gù mồ côi giữ nhiệm vụ kéo chuông tại Nhà thờ Đức Bà Paris, là một tâm hồn đầy thống khổ với nỗi cô đơn và tình yêu, sự hy sinh cao cả dành cho người con gái mà mình tôn thờ.

digan-17

Còn nàng Digan Carmen thì mang vẻ đẹp hoang dại và bốc lửa hớp hồn anh sĩ quan chất phác Don José. Vướng vào tình yêu với Carmen, Don José đã chối bỏ lời hẹn ước với người yêu tại quê nhà. Theo quan niệm thời đó, người Digan không được luật pháp thừa nhận và bị coi thường nên Don José rời bỏ quân ngũ.

digan-18

Với trái tim hoang dã, tính tình phóng khoáng, yêu tự do, khi gặp người hùng đấu bò Escamillo hào hoa, Carmen nhanh chóng rũ bỏ tình yêu với Don José để rồi nàng phải trả giá cho tình yêu, cho sự lựa chọn của mình bằng chính cái chết do sự ghen tuông của Don José gây ra.

(Tổng hợp)

Chia sẻ