"Cô gái đến từ hôm qua": Xin gửi lại thanh xuân đã mất!
"Cô gái đến từ hôm qua" là để dành cho tất cả những ai đã từng đi qua tuổi thanh xuân hoa mộng với niềm day dứt khôn nguôi...
"Tình yêu đầu trôi xa dư âm để lại
Và nếu thuộc về nhau em sẽ trở lại..."
Trong đầu tôi cứ vang vang những câu hát ngày cũ khi Cô gái đến từ hôm qua khép lại trong rạp chiếu. Khán giả hối hả ra về, nhưng cũng có những người còn nán lại thật lâu, để lắng nghe những giai điệu cuối cùng, để chìm vào dòng cảm xúc còn lắng đọng lại sau những thước phim trong trẻo, đáng yêu...
Với một nội dung nên thơ hoa lá cành, mộng mơ quên đường về, người ta nghĩ rằng bộ phim này có lẽ phù hợp hơn với các thiếu nữ và phụ nữ. Thế nhưng cá nhân tôi nghĩ rằng Cô gái đến từ hôm qua là để dành cho tất cả những ai đã từng đi qua tuổi thanh xuân hoa mộng, đi qua cái thời lá thư giấu dưới ngăn bàn, cánh phượng hồng ép trong trang vở... Và bộ phim, đặc biệt dành tặng cho những chàng trai, cô gái đã từng trải qua một mối tình học trò đầy những dở dang, tiếc nuối, vừa ngọt vừa đắng, mộng mơ thôi mà nhớ tới suốt đời...
Teaser trailer phim "Cô gái đến từ hôm qua"
Cô gái đến từ hôm qua là câu chuyện về cậu học trò tên Thư (Ngô Kiến Huy đóng) và mối tình đơn phương mà cậu dành cho cô bạn Việt An (Miu Lê). Thư mơ mộng và ngốc nghếch, Việt An lại lạnh lùng băng giá và là chuyên gia "bóp nát trái tim" cậu bạn cùng lớp. Tốn bao nhiêu là ô mai với kẹo, bao nhiêu cóc với xoài, bao nhiêu những vần thơ, tranh vẽ, và cả những lần dụng công mời nàng đi xem phim.. Ấy thế nhưng Việt An vẫn "sừng sững" như một bức tường chẳng bao giờ đổ. Thư đau khổ, Thư muốn phát điên, còn Việt An vẫn mãi là cô nàng tinh quái, chỉ một cái liếc xéo của nàng cũng đủ khiến anh chàng "thơ thẩn" rụng tim.
Cùng với câu chuyện của Thư - Việt An, bộ phim còn tái hiện song song một câu chuyện khác, là của Thư lúc nhỏ với cô bé hàng xóm có cái tên dễ thương Tiểu Li. Điều thú vị là dường như, Thư lúc nhỏ càng "hành hạ" và làm khó cô bé hàng xóm Tiểu Li bao nhiêu, thì Tư khi lớn như thể phải gặp "quả báo", bị Việt An "quay như quay dế" bấy nhiêu...
Ấn tượng đẹp nhất mà Cô gái đến từ hôm qua để lại, ấy là bộ phim cũng giống như một "câu chuyện đến từ hôm qua", câu chuyện của tôi, của bạn, của bất kỳ ai đã từng đi qua thanh xuân sôi nổi và đáng nhớ, với một mối tình thơ dại khắc ghi. Đừng ngại thú nhận, khi bộ phim làm bạn nhớ đến chàng trai ngồi bàn trên, người luôn lạnh lùng với cặp kính trắng, nhưng lại rất rộng lượng giúp đỡ bạn trong những giờ kiểm tra... Đừng ngại thú nhận, khi bộ phim khiến bạn nhớ da diết cô nàng học giỏi nhất lớp, cô gái có nụ cười tan chảy và mái tóc dài thắt bím xinh xinh ngày đó, cái cô gái được tất cả con trai trong lớp theo đuổi, nhưng vẫn mãi kiêu kỳ chẳng chịu phải lòng ai...
Tôi cũng chẳng ngại thú nhận đâu, khi bộ phim làm tôi nhớ tới em, mối tình thuở dại khờ và câu chuyện vu vơ không đầu không cuối, chỉ có một đoạn giữa chơi vơi, chẳng biết phải kể từ đâu... Nhưng có lẽ chính bởi thế, nên nó cứ day dứt mãi...
Bộ phim đưa bạn trở lại thời học sinh, với những giờ cúp học, quà vặt trong ngăn bàn, những tiết trống rủ nhau chơi caro búng tai, trang lưu bút truyền tay, lá thư kẹp trong trang sách... Cái thời ấy chưa có facebook hay internet, cũng chẳng có điện thoại di động, cái thời ấy chỉ có tình cảm gửi trao qua giấy bút, qua những chương trình quà tặng âm nhạc trên radio. Cứ thế, cứ thế, từng kỷ niệm trở lại với khán giả, từng hồi ức dào dạt ùa về qua những thước phim trong trẻo, trong như ánh mắt nhìn của cô bạn Việt An...
Nhiều người phàn nàn rằng Cô gái đến từ hôm qua dàn trải và thiếu điểm nhấn. Phim đều đều, chậm chậm, chẳng có gì kịch tính nổi bật. Nói đi cũng phải nói lại, đây có lẽ chính là một "ca khó" khi xử lý và cũng không thể trách được đạo diễn Phan Gia Nhật Linh.
Cô gái đến từ hôm qua được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của tác giả Nguyễn Nhật Ánh. Truyện làm sao phim làm vậy. Thậm chí đạo diễn đã sáng tạo thêm rất nhiều tình huống để khiến phim trở nên hấp dẫn hơn. Nhưng để đem sự thú vị, dí dỏm, tinh tế và nhẹ nhàng nhưng lại giàu cảm xúc của câu từ lên màn ảnh, nơi mà tất cả chỉ có thể thể hiện bằng hình thức nghe - nhìn, thực sự là một điều thách thức. Đó là chưa kể, bộ phim còn lựa chọn cách kể hai câu chuyện quá khứ - hiện tại song song, trong một thời lượng giới hạn. Dường như khó càng chất chồng thêm khó!
Điều duy nhất có thể cứu được một kịch bản thiếu cao trào, một câu chuyện nhẹ nhàng như Cô gái đến từ hôm qua, đó là phải tìm được một dàn diễn viên thu hút. Điều này thì bộ phim làm tốt, dẫu rằng phải nói một cách công tâm là cả nam - nữ chính đều già hơn tuổi khá nhiều.
Cả 4 diễn viên Ngô Kiến Huy - Miu Lê - Hoàng Yến và Jun Phạm đều diễn được ở mức "tròn vai" trở lên. Đáng yêu nhất phải kể đến cặp bạn thân Thư - Hải do Ngô Kiến Huy, Jun Phạm thủ vai. Đôi bạn này quả thực "dễ thương muốn xỉu", và xét về "phản ứng hóa học", thậm chí còn vượt mặt cả cặp nam - nữ chính. Trong khi đó, Hoàng Yến hầu như không cần phải diễn, nhân vật của cô chỉ việc bê từ đời lên phim là đã đủ. Diễn viên duy nhất chưa phát huy được hết năng lực chính là Miu Lê.
Ở Miu có sự trong trẻo, dễ thương đậm chất "cô gái đến từ hôm qua", điều ấy thể hiện qua ánh mắt trong veo, bờ môi tinh nghịch, nụ cười tỏa nắng của cô... nhưng dẫu có thế nào, thì một Miu Lê 26 tuổi chẳng thể quay ngược thời gian để làm một Việt An ở độ tuổi 17, 18. Hơn thế nữa, Miu Lê trong phim không làm bật lên được cái duyên hay sự thông minh của Việt An. Nhân vật của cô khá nhạt nhòa và thiếu điểm nhấn.
So với Việt An của thời thanh xuân, thì Tiểu Li của thời niên thiếu ra dáng là một "cô gái đến từ hôm qua" hơn. Cặp đôi diễn viên nhí Minh Khang - Hà Mi thực sự trở thành một điểm sáng đầy đáng yêu, thu hút, mang đến những cảm xúc trong trẻo, bay bổng cho bộ phim.
Minh Khang - Hà Mi - cặp đôi nhí góp phần đem lại nhiều cảm xúc cho "Cô gái đến từ hôm qua"
Cảm xúc bay bổng cùng những thước phim còn được nâng lên cao hơn với phần âm nhạc đầy chất thơ. Thả hồn vào những "Tình thôi xót xa", hay "Tình thơ", có trái tim nào lại không bồi hồi trở lại ngày tháng cũ, những buổi tối nằm vắt vẻo trên tầng gác mái, tận hưởng ca khúc mình gửi cho người thương, bạn bè vang vang trên radio. Cùng với những ca khúc đầy hoài niệm, đó còn là những ca khúc rất mới, rất văn minh, tràn ngập sự trẻ trung, phóng khoáng của Vũ Cát Tường và Nguyễn Hải Phong (do Trúc Nhân thể hiện).
Nhạc phim "Cô gái đến từ hôm qua": Ca khúc "Ngồi hát đỡ buồn" - Trúc Nhân
Nếu có điều gì đó đủ sức "đánh tụt" cảm xúc của khán giả trong bộ phim này, thì có lẽ đó chính là phần kỹ xảo sáng tạo một cách... không cần thiết. Phần hình ảnh được quay tại những địa danh như Hội An, Đà Nẵng hẳn đã quá đẹp và nên thơ, cũng như mang lại đủ cảm xúc cho người xem, thì hà cớ gì đạo diễn lại phải sử dụng thêm phần kỹ xảo "làm màu" quá giả, đôi khi còn khiến người xem phải... giật mình đến vậy? Cùng với phần kỹ xảo thừa này, thì một câu chuyện khác được sáng tạo so với kịch bản gốc là chuyện tình cảm của một cặp đôi nhân vật phụ, cũng được xử lý nửa vời và khá khó hiểu.
Điều cuối cùng mà người viết bài muốn nhắn nhủ tới những khán giả xem phim, là khi đã ra rạp, thì đừng bao giờ so sánh phim với truyện. Đừng bao giờ phàn nàn rằng tại sao Thư trong truyện như vậy mà lên phim lại thành thế này... Việt An như vậy mà lên phim thành thế khác... Mọi sự so sánh đều có thể làm đứt dòng cảm xúc. Có chăng, hãy cứ xem truyện và phim, mỗi thứ như một tác phẩm độc lập hoàn chỉnh, để nhẹ lòng thưởng thức.
Và nếu bỏ đi câu chuyện kỹ xảo, bỏ đi những tình tiết được sáng tạo thừa, bỏ đi một vài lỗi diễn xuất hay nhân vật được xây dựng chưa đạt, thì cuối cùng, Cô gái đến từ hôm qua là một chiếc gương nơi mỗi người soi vào đều nhìn thấy bóng dáng của mình. Bộ phim còn là một bài thơ, một câu hát gửi lại ngày xưa cũ, những ngày tháng đã nằm ngủ yên trong miền ký ức, chỉ thi thoảng trỗi dậy trong nỗi nhớ niềm thương.
Phim được khởi chiếu từ ngày 21/7/2017.