Cô gái bán hàng online 10 năm ở Hà Nội review về các đơn vị giao hàng: Chất lượng đôi khi tùy thuộc vào khu vực

Mạn Ngọc,
Chia sẻ

Uyên Uyên là một chủ shop bán đa dạng các mặt hàng có thâm niên 10 năm trong nghề và đã thử nghiệm hầu hết các đơn vị giao hàng trong nước.

Đối với các chủ shop bán hàng online thì ngoài việc mong muốn "nổ" nhiều đơn ra thì cũng bận tâm rất nhiều đến đơn vị giao hàng. Phải nói rằng các đơn vị giao hàng hợp tác với sho bán hàng đôi khi có thể quyết định được đến 50% sự sống còn của người buôn bán.

Hãy thử tưởng tượng dù người bán hàng có khéo léo và chăm sóc khách hàng tốt đến đâu đi chăng nữa ngưng khi bạn nhận được hàng lại vướng phải một shipper rất không ổn thì chắc chắn trải nghiệm mua sắm của bạn sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Uyên Uyên là một cô gái đã bán hàng online được hơn 10 năm, trong suốt 10 năm này, cô đã hợp tác với rất nhiều đơn vị giao hàng khác nhau, và đây là cảm nhận chung của cô về một số đơn vị giao hàng nổi tiếng trong nước.

Cô gái bán hàng online 10 năm chia sẻ cảm nhận về các đơn vị giao hàng: Chất lượng đôi khi tùy thuộc tùy vào khu vực - Ảnh 1.

Ảnh: NVCC

1. Giao hàng tiết kiệm (GHTK)

Đơn vị giao hàng tiết kiệm (GHTK) được biết đến với một số ưu điểm nổi bật như chi phí hợp lý, hệ thống theo dõi đơn hàng tiện lợi, và dịch vụ khách hàng khá tốt. Hãng này thường được ưa chuộng bởi các shop online nhờ vào mức giá cạnh tranh, đặc biệt phù hợp với các đơn hàng có giá trị không quá lớn.

Ngoài ra, tỉ lệ thất lạc hàng của GHTK là khá thấp, tất nhiên tùy thuộc vào từng khu vực.

Tuy nhiên, GHTK cũng có nhược điểm như trong những thời điểm cao điểm, khả năng xử lý đơn hàng có thể bị chậm trễ, dẫn đến việc giao hàng không đúng hẹn. Một số khách hàng cũng phản ánh về việc gói hàng không được cẩn thận, dễ dẫn đến hư hỏng trong quá trình vận chuyển. 

Khi xảy ra thất lạc, GHTK xử lý khá chậm chạp và dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng khiến cả người bán lẫn người mua không thật sự thoải mái.

Những năm gần đây, tuy là giao hàng tiết kiệm nhưng giá cước lại tăng chóng mặt khiến cả người bán lẫn người mua đều cảm thấy không hề tiết kiệm chút nào.

Nhìn chung, GHTK vẫn là một lựa chọn phổ biến cho nhu cầu giao hàng tiết kiệm và kinh tế, nhưng khách hàng cần cân nhắc và có sự linh hoạt khi sử dụng dịch vụ này, đặc biệt là trong các dịp lễ tết hay các khuyến mãi lớn khi lượng hàng hóa vận chuyển tăng cao.

Cước phí của GHTK dao động từ 30.000 đến 55.000/0,5kg tùy thuộc vào khu vực, thời điểm và khoảng cách.

Cô gái bán hàng online 10 năm chia sẻ cảm nhận về các đơn vị giao hàng: Chất lượng đôi khi tùy thuộc tùy vào khu vực - Ảnh 1.

Ảnh: NVCC

2. Giao hàng nhanh (GHN)

Ưu điểm: GHN có mạng lưới phủ sóng rộng khắp cả nước, cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng. GHN còn có ứng dụng công nghệ thông minh để theo dõi và quản lý đơn hàng hiệu quả. 

GHN hợp tác nhiều với các sàn thương mại điện tử nên khá được lòng các shop bán hàng online vì tiện lợi hơn cho họ trong khâu lấy hàng.

Nhược điểm: Chi phí có thể cao hơn so với một số đơn vị khác; có phản ánh về trường hợp giao hàng chậm hoặc thất lạc hàng hóa.

Tùy từng khu vực nhưng bưu tá nhận hàng từ shop khá chậm chạm dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng đến tay người tiêu dùng.

Cước phí của GHN dao động từ 20.000 đến 40.000/0,5kg tùy thuộc vào khu vực, thời điểm và khoảng cách.

3. Ninja Van

Đơn vị giao hàng Ninja Van được đánh giá cao về khả năng phục vụ nhanh chóng và hiệu quả, với mạng lưới giao hàng rộng lớn, bao gồm cả các khu vực ngoại ô và tỉnh lẻ. Họ cung cấp dịch vụ theo dõi đơn hàng chính xác, giúp khách hàng dễ dàng theo dõi trạng thái giao hàng của mình.

Ngoài ra, Ninja Van cũng nhận được lời khen ngợi về cách thức đóng gói cẩn thận và chăm sóc khách hàng. 

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp phản ánh về việc giao hàng chậm trễ hoặc gặp vấn đề trong quá trình vận chuyển, điều này phần nào ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng.

Một điều khiến những shop bán hàng online khá e dè khi hợp tác với Ninja Van là đơn vị vận chuyển này không có nhiều bưu cục dẫn đến người bán hàng khó chủ động trong việc giao hàng.

Mặc dù có những nhược điểm nhất định, Ninja Van vẫn là một trong những sự lựa chọn ưa thích của người tiêu dùng và các doanh nghiệp cần gửi hàng hóa, nhất là đối với những ai cần dịch vụ giao hàng đáng tin cậy và có phạm vi phủ sóng rộng.

Cước phí của Ninja Van dao động từ 22.000 đến 40.000/0,5kg tùy thuộc vào khu vực, thời điểm và khoảng cách.

Ảnh: NVCC

4. Viettel Post (VTP)

Ưu điểm: Được hỗ trợ bởi tập đoàn viễn thông quân đội, Viettel Post có lợi thế về cơ sở hạ tầng và mạng lưới rộng lớn, bảo đảm an ninh thông tin.

Giá thành khá thấp so với mặt bằng chung, app theo dõi có giao diện khá thân thiện nên tiện lợi cho cả người bán và người mua.

Do có nhiều bưu cục nên tiện lợi cho các shop bán hàng nhỏ và vừa trong khâu chủ đông giao hàng mà không quá phụ thuộc vào bưu tá.

Nhược điểm: Dịch vụ khách hàng đôi khi không được đánh giá cao; một số trường hợp giao hàng không đúng hẹn.

Tỉ lệ thất lạc hàng ở VTP là khá cao, đi kèm với đó là xử lý không rõ ràng, thường xuyên kéo dài thời gian xử lý sai phạm từ phía đơn vị vận chuyển.

Cước phí của VTP dao động từ 15.000 đến 70.000/0,5kg tùy thuộc vào khu vực, thời điểm, khoảng cách và dịch vụ khách hàng lựa chọn, giá hỏa tốc sẽ cao hơn hẳn so với những dịch vụ khác.

5. J&T Express

Ưu điểm: J&T Express nổi bật với dịch vụ giao hàng nhanh và việc sử dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý đơn hàng. 

Chăm sóc khách hàng được đánh giá cao. Nhiều bưu cục nên tiện lợi cho cả người bán lẫn người mua. 

Hầu hết bưu tá, shipper của J&T được đào tạo kĩ càng nên thái độ làm việc được đánh giá cao ở rất nhiều khu vực.

Khi có phản ánh về thái độ làm việc hoặc vấn đề liên quan đến đơn hàng, J&T đều có cách xử lý hợp lý và được lòng đối tác.

Nhược điểm: Giao hàng khá chậm, đặc biệt với những dịp lễ tết.

Cước phí của J&T dao động từ 20.000 đến 70.000/0,5kg tùy thuộc vào khu vực, thời điểm, khoảng cách và dịch vụ khách hàng lựa chọn. Nội thành Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành khác nhau sẽ có giá cước khác nhau.

6. VNPost (Bưu điện Việt Nam)

Ưu điểm: Là đơn vị vận chuyển có mạng lưới rộng khắp đến từng vùng xa xôi của Việt Nam, VNPost có ưu điểm về khả năng tiếp cận địa bàn rộng lớn. Giá cước có thể coi là rẻ nhất so với các đơn vị giao hàng trong nước.

Nhược điểm: Tốc độ giao hàng không nhanh bằng các đơn vị tư nhân; dịch vụ khách hàng và quy trình xử lý khiếu nại cần được cải thiện.

Việc rút tiền COD từ VNP rất phức tạp và mất thời gian. Hay xảy ra tình trạng thất lạc hàng.

Cước phí của VTP dao động từ 12.000 đến 50.000/0,5kg tùy thuộc vào khu vực, thời điểm, khoảng cách.

Trên đây là cảm nhận của Uyên Uyên về những đơn vị mà cô đã từng hợp tác trong suốt 10 năm bán hàng online. Hầu hết các đơn vị bán hàng đều có ưu và nhược điểm nhưng cũng tùy thuộc vào từng khu vực. Nên chủ động tìm hiểu các bưu cục xong quanh khu vực shop của mình để có sự lựa chọn hợp lý nhất.

Chia sẻ