Cô gái 26 tuổi nhập viện tổn thương não do ngộ độc khí cười
Ngày 12-5, theo thông tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), tại đây vừa tiếp nhận bệnh nhân N.H.N (26 tuổi, ở Sơn La) nhập viện do ngộ độc khí N2O (khí cười).
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng không thể đi lại, ăn uống mất cảm giác, cơ thể mệt mỏi, tay chân tê bì.
Được biết, bệnh nhân N. sử dụng bóng cười (có bơm khí N2O) lần đầu tiên vào năm 2018. Khoảng một năm trở lại đây, N. hít nhiều và thường xuyên hơn. Cách đây hơn 1 tháng, nhận thấy độ nguy hiểm của khí N20, N. quyết định "cai bóng". Chỉ 10 ngày sau đó, cô gái trẻ bắt đầu có cảm giác mệt mỏi, chán ăn và sốt nhẹ. Dù vậy, N. hoàn toàn không nghĩ đây là ảnh hưởng của bóng cười gây ra.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương não và tổn thương tủy sống rất đặc trưng của ngộ độc khí cười. Những tổn thương này khiến bệnh nhân có biểu hiện rối loạn cảm giác và dẫn tới yếu cơ, liệt chi.
Những năm gần đây, tình trạng ngộ độc khí N2O được ghi nhận khá phổ biến. Các bệnh nhân nhập viện ở độ tuổi trung bình từ 20-30, trường hợp trẻ nhất là 15 tuổi.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên lưu ý, N2O tác động tới hàng loạt các cơ quan khác của cơ thể, trong đó gây ức chế tủy xương khiến thiếu máu, làm giảm khả năng sinh sản ở nữ giới và dễ sảy thai... Có những bệnh nhân sử dụng N2O trong 10 ngày đã ghi nhận tổn thương trên cơ thể.
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã giao Bộ Y tế quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng khí N2O trong lĩnh vực y tế, đồng thời, nghiên cứu, đánh giá tác động của việc sử dụng khí N2O đối với sức khỏe con người để kiến nghị các biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp. chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường quản lý địa bàn, phát hiện, xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh khí N2O; đôn đốc, phối hợp với các bộ, cơ quan thực hiện các nhiệm vụ trên, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-12-2020.