Cô dâu Việt xứ Đài - Hạnh phúc đến từ sự tự lập

Việt Hùng,
Chia sẻ

Ở Đài Loan hiện có hơn 100.000 cô dâu Việt, tập trung đông nhất ở 2 huyện Đài Bắc, Đào Viên và thành phố Cao Hùng.

Thân gái dặm trường, họ sống theo nhiều cách khác nhau, làm các công việc khác nhau, và cũng mang những thân phận khác nhau...

Tự khẳng định

Xinh xắn, còn rất trẻ, nhưng Đặng Thị Giang (quê Sóc Trăng) đã có 7 năm làm dâu xứ Đài và vào làm việc ở Công ty Hán Quang được gần 4 năm. Cô cho biết, gia đình chồng làm nông, thu nhập không dư dả bao nhiêu, nên sau khi nhập tịch Đài Loan, cô quyết định đi làm để có thể tự chủ về tài chính. Ngày làm 8 tiếng, thu nhập mỗi tháng gần 30.000 NT (khoảng 15 triệu đồng), cô không phải quá lo lắng cho những khoản chi tiêu cá nhân cũng như gửi về gia đình ở Việt Nam.
Vợ chồng chị Phùng Thị Hương
 

Ở Công ty Hán Quang có 16 cô dâu Việt Nam làm công nhân. Đây là nhà máy cơ khí, chuyên sản xuất linh kiện ô tô cung ứng cho các hãng nổi tiếng châu Âu như Mercedes - Benz, BMW, Wolfswagen... Là phụ nữ lại đi làm cơ khí, nghe có vẻ không hợp lý cho lắm. Nhưng ông Xie Ming Fu, Tổng Giám đốc Công ty, khi trao đổi với chúng tôi, lại hết lời khen ngợi các cô gái gốc Việt: “Họ không chỉ tiếp thu công việc rất nhanh, mà còn rất chăm chỉ, khéo léo, đạt năng suất cao”.

Ngọc Diễm, cô gái quê Cần Thơ, cũng là người được lãnh đạo Công ty đánh giá cao. Diễm kể về cuộc sống của mình ở xứ Đài: “Gia đình chồng em ở Miêu Lật, chồng làm thợ xây phải nuôi cha mẹ già. Công việc của anh ấy không ổn định, nên nhiều khi thu nhập của em trở thành nguồn sống chính trong gia đình”.

Vì thế, từ vị thế của một nàng dâu, Diễm trở thành người chủ thực sự trong gia đình, có quyền tự quyết mọi vấn đề, được gia đình chồng nể trọng. Vai trò của cô càng trở nên quan trọng khi năm ngoái, cô sinh cho dòng họ chồng một cậu con trai kháu khỉnh. Bây giờ, sáng sáng cô chở con đến nhà trẻ, sau đó đến nhà máy làm việc, chiều về lo công việc nội trợ.

16 cô gái ở nhà máy này, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều có chung một điểm, đó là ý chí tự lập, không cam phận sống bám vào gia đình chồng. Nhờ thế, họ đã xác lập được vị trí xứng đáng trong xã hội, khẳng định được giá trị của người phụ nữ Việt Nam nơi đất khách quê người.

Một cô dâu Việt làm việc tại Công ty Hán Quang

Hạnh phúc

Trong một cuộc gặp gỡ cộng đồng người Việt ở thành phố Bản Kiều (huyện Đài Bắc), chúng tôi gặp một cô gái Việt tươi tắn bên cạnh ông chồng Đài trẻ măng. Trông họ thật đẹp đôi và hạnh phúc. Cô gái đó là Phùng Thị Hương, trước đây là công nhân nhà máy in Trần Phú (TP. Hồ Chí Minh).

Năm 2001, Hương đi XKLĐ sang Đài Loan, làm việc tại một nhà máy điện tử ở Đài Bắc. Người chồng của cô làm cùng nhà máy. Hai người tình cờ gặp nhau qua công việc, yêu nhau, rồi về Việt Nam kết hôn.

Cách đây hơn một năm, Hương theo chồng sang Đài Loan, trở lại làm việc tại nhà máy cũ. Hiện hai vợ chồng sống trong một căn hộ riêng đầy đủ tiện nghi ở Đài Bắc. Cô vui vẻ bày tỏ: “Hiện chúng em chỉ thiếu mỗi một... em bé. Kế hoạch là sang năm sau phấn đấu để... hoàn thành chỉ tiêu!”.

Không đầy đủ, sung túc như Hương, chị Ti Na, một phụ nữ gần năm mươi, xuất thân là người buôn bán ở chợ Cầu Muối, cũng sống rất hạnh phúc. Chị gặp ông chồng trong một chuyến ông sang Việt Nam du lịch. Gia đình chồng nghèo, ông chồng gần sáu mươi làm nghề chạy taxi thu nhập tháng chỉ hơn 20.000 NT, chị một tay chăm lo cho hai đứa con, một tay bươn chải với gánh hàng rau ngoài chợ, tháng nào cũng đều đặn đóng góp vào ngân quĩ gia đình hơn 30.000 NT. Chị em trong Hội người Việt ở Bản Kiều nói vui: “Chị Ti Na mới thực sự là... chồng. Bởi ngoài giờ chạy xe, ông chồng phải ở nhà lo nội trợ giúp vợ”.

Cùng sinh hoạt tại Hội người Việt ở Bản Kiều còn có chị Bùi Tống Ngọc Trinh, trước đây sống ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Gặp phải ông chồng nghèo, nhưng được cái rất thương vợ. Chị sang Đài Loan được 12 năm, cũng chừng đó năm lăn lộn, bươn chải buôn bán kiếm sống nuôi chồng, nuôi con. Sáng, sau khi dọn dẹp nhà cửa xong, chị đẩy xe ra chợ bán cá. Chiều, chị xoay sang bán chè, bán bánh. Chị kể: “Ổng đâu có để chị làm một mình, việc gì cũng đòi phụ giúp. Những lúc ấy, chị thấy sao mà thương ổng quá chừng...”.

Tiều Tuyết, một anh chồng khá đẹp trai khi được chúng tôi hỏi về người vợ của mình, anh đáp lại bằng thứ tiếng Việt còn bập bẹ: “Yêu, yêu lắm, yêu nhiều nhiều!...”.

Tại chợ đêm Đào Viên, chúng tôi gặp Xuyên, một cô gái quê An Giang, sang Đài Loan được bốn năm, hiện đang phụ bán hàng tạp hóa tại chợ. Chồng Xuyên làm đầu bếp cho một nhà hàng ở Đào Viên. Họ lấy nhau qua môi giới, nhưng số trời run rủi, ông chồng rất thương vợ, khiến cô gái trẻ cũng cảm động.

Cô cho biết: Kể từ khi “khai thông” vấn đề ngôn ngữ, vợ chồng hiểu nhau, tình cảm của họ càng đằm thắm hơn. Đêm nào xong việc, ông chồng cũng ghé đón vợ, đưa đi ăn khuya rồi về căn hộ riêng mà họ mới tậu được. Cô tâm sự với chúng tôi: “Em thật là may, lấy được ông chồng tốt. Nhìn sang mấy đứa bạn mới thấy cám cảnh...”
 
Theo Việt Hùng
TGPN
Chia sẻ