Cô con gái đi học về, vừa nhìn thấy "điểm lạ" trên cánh cửa phòng liền bật khóc nức nở: Cha mẹ làm như này chính là hại con!

Thanh Hương,
Chia sẻ

Sự yêu thương sai cách của cha mẹ có thể khiến trẻ tổn thương về mặt tinh thần.

Một câu chuyện được chia sẻ trên mạng xã hội xứ Trung mới đây đã khiến nhiều phụ huynh phải suy nghĩ. Nữ sinh nọ cho biết, em đã rất vui mừng khi lên năm nhất trung học, bản thân đã có một căn phòng riêng.

Cứ tưởng đây là bước đầu tiên thể hiện việc bố mẹ em đã có sự tôn trọng không gian riêng của con. Tuy nhiên đến cuối tuần, khi đi học về, em ngỡ ngàng, sốc nặng vì thấy cửa phòng đã tháo khóa trái. Bố mẹ em tháo khóa để có thể ra vào thoải mái. Đồng nghĩa với việc em vẫn không hề có không gian riêng. 

Vì vậy, nữ sinh và bố mẹ đã cãi vã to. Nữ sinh cho rằng bố mẹ nên tôn trọng quyền riêng tư của em, vì dù sao em đã học cấp 3. Ngược lại, bố mẹ chỉ thờ ơ cho rằng: "Con vẫn còn nhỏ, riêng tư cái gì? Khi nào con vào đại học thì bố mẹ lắp cửa mới cho". 

Cứ như vậy, nữ sinh này trải qua ba năm cấp ba dưới sự giám sát của cha mẹ, bất lực và tuyệt vọng.

Cô con gái đi học về, vừa nhìn thấy "điểm lạ" trên cánh cửa phòng liền bật khóc nức nở: Cha mẹ làm như này chính là hại con!  - Ảnh 2.

Căn phòng của nữ sinh này bị bố mẹ tháo khóa cửa.

Sau khi vào đại học, nữ sinh này đã chuyển sang căn phòng khác trong nhà có khóa cửa với ý nghĩ bố mẹ sẽ không giám sát mình nữa. Tuy nhiên nhân lúc em không có ở nhà, bố mẹ lại tiếp tục lén... tháo khóa cửa. Nhìn thấy cảnh này, cô gái trẻ lập tức sụp đổ.

Em thật sự không hiểu, mình đã là sinh viên đại học rồi, tại sao cha mẹ vẫn không học được cách tôn trọng quyền riêng tư của con cái? Tại sao ham muốn khống chế con cái của họ lại mạnh mẽ như vậy?

Nếu như ở trường trung học, cha mẹ có thể sợ con cái nổi loạn, ảnh hưởng đến tiến độ học tập nhưng hiện tại, em đã là nữ sinh đại học rồi? 

"Tôi chỉ có một điều ước nhỏ, đó là có một căn phòng khóa kín của riêng mình", cô gái trẻ tâm sự trên mạng xã hội.

Thực chất, đây chính là tâm tư của rất nhiều đứa trẻ đang bị bố mẹ kiểm soát quá mức. Nói về điều này, nhiều cư dân mạng để lại bình luận: "Cách giải quyết chuyện này cũng đơn giản thôi. Hãy nói với cha mẹ, có việc gì cần thì gõ cửa. Mỗi người đều có không gian riêng tư của mình. Nếu không cho con khóa cửa, con sẽ trực tiếp ra ngoài ở". 

Hay: "Không hiểu tại sao nhiều cha mẹ lại có ham muốn kiểm soát mạnh mẽ như vậy. Chẳng lẽ là bởi vì họ không thể kiểm soát những thứ khác, cho nên chỉ có thể kiểm soát con cái của mình?". Thậm chí, một cư dân mạng còn chia sẻ: "Mẹ tôi cũng thích xông vào phòng tôi. Cho nên tôi đã chuyển ra ngoài ở 10 năm nay không về rồi". 

Sự kiểm soát thái quá của cha mẹ có thể bóp nghẹt tinh thần trẻ

Có thể mục đích của việc "tháo khóa cửa" hay hàng loạt hành động kiểm soát quá mức khác của cha mẹ không hề xấu mà chỉ vì lo lắng cho con. Tuy nhiên hành động đó thực chất gây hại nhiều hơn là có lợi. 

Cha mẹ cần hiểu rằng, trẻ là cá thể riêng, có suy nghĩ độc lập và không phải là tài sản riêng của cha mẹ. Chúng ta không thể nhân danh tình yêu để giam hãm con trong vòng tay của mình, tước đi cơ hội trưởng thành của con về mặt tinh thần.

Các chuyên gia giáo dục đã không ít lần nhấn mạnh: Những bậc cha mẹ thực sự yêu thương con cái sẽ hiểu rằng để yêu thương con thì phải học cách tôn trọng những mong muốn, cảm xúc và quyền quyết định của con.

Một nghiên cứu về tâm lý cũng đã chỉ ra: Cha mẹ muốn kiểm soát quá mức sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc của trẻ, điều này gần với mức độ mất đi những người thân yêu. 

Cô con gái đi học về, vừa nhìn thấy "điểm lạ" trên cánh cửa phòng liền bật khóc nức nở: Cha mẹ làm như này chính là hại con!  - Ảnh 3.

Cha mẹ biết tôn trọng con cái chính là thành công lớn nhất của giáo dục gia đình! (Ảnh minh họa)

Thực tế, sự kiểm soát quá mức của cha mẹ không khiến trẻ cảm thấy được bảo vệ mà chỉ cảm giác sợ hãi giống như chú cá mắc phải tấm lưới, vùng vẫy chẳng thể thoát ra. Và khi trẻ phản kháng một chút, cha mẹ liền lấy "tình cảm gia đình" ra để ép buộc trẻ phải ngoan ngoãn phục tùng. 

Mỗi thế hệ đều có những giá trị và thói quen sống riêng, nhưng là cha mẹ, bạn phải học cách buông bỏ. Đừng nhân danh "tình yêu" lấy đi quyền tự do cá nhân của con và đừng để ham muốn kiểm soát thái quá của mình hủy hoại cuộc đời con.

Hãy nhớ rằng, cha mẹ biết tôn trọng con cái chính là thành công lớn nhất của giáo dục gia đình!

Nguồn: Sohu

Chia sẻ