Có bệnh tìm... thầy pháp: Kiểu chữa bệnh hoang đường khiến nhiều người tiền mất tật mang!
Cho đến năm 2019 vẫn có rất nhiều nơi trọng dụng cách chữa bệnh không có cơ sở khoa học và vụ chùa Ba Vàng chính là đỉnh điểm trong thời gian này.
Hàng ngàn người chấp nhận nộp tiền để trục vong và khỏi bệnh
Mấy ngày gần đây, dân cư mạng xã hội được phen dậy sóng về vụ chùa Ba Vàng tổ chức "giải vong" cho rất nhiều người, thu tiền từ những người đến "thỉnh oan linh oan gia trái chủ".
Trong nhiều clip, bà Yến cho rằng mọi bệnh tật đều do tạo "nghiệp" và oán hồn gây nên, đó chính là tội nghiệt trong kiếp trước. Bà dẫn ra cụ thể các bệnh như: Bị ung bướu, khối u là do kiếp trước làm cho người khác uất ức đến tận cùng, bị bệnh sùi mào gà là do tà dâm kiếp trước...
Chính vì hù dọa tất cả bệnh tật là do bản thân đã tạo nghiệp từ kiếp trước hoặc vô số kiếp trước, đến giờ phải chịu quả báo mà cách "chữa bệnh" của bà đều tuân thủ theo công thức "cúng dường + tu tập + chuyển nghiệp" kết hợp một phương thuốc thần kì nào đó "xin của thánh thần". Nói cách khác, muốn thoát nạn, buộc chúng ta phải "trả nợ" cho vong từ vài triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa.
"Bác sĩ nhà trời" chữa bệnh bằng cách tự tưởng tượng mình đang uống thuốc
Chữa bệnh không có cơ sở khoa học kiểu này không phải bây giờ mới xuất hiện. Từ lâu, không thiếu những người theo kiểu "có bệnh thì vái tứ phương" và chữa bệnh đúng theo kiểu mê tín dị đoan và đi kèm theo đó là những hậu quả không lường.
Vào tháng 4 năm ngoái, bệnh nhân Nguyễn Thị T.T. (SN 1988, trú Cầu Giấy, Hà Nội) đã tử vong trước khi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương chữa trị. Điều đáng nói là bệnh nhân này trước đó đã đi chữa bệnh bằng hình thức "đuổi vong".
Một "bác sĩ nhà trời" xuất hiện ở tỉnh Yên Bái gần đây càng làm cho trào lưu chữa bệnh kiểu mê tín thêm sôi sục. Theo đó, bà Đỗ Thị Huệ (SN1952) bị mắc bệnh thần kinh năm 1989, đi điều trị không khỏi. Đến năm 2006, bà khỏi bệnh và tự nhận mình là "bác sĩ nhà trời" có khả năng chữa nhiều bệnh.
Từ đó bà tiến hành khám và chữa bệnh cho nhiều người bằng phương pháp hết sức ngây ngô và phản khoa học như hướng dẫn bệnh nhân há miệng tự tưởng tượng mình đang uống thuốc, tay xoa vào chỗ đau sau đó đọc câu thần chú là khỏi bệnh.
Rất nhiều người dân đã đến chỗ bà chữa bệnh. Vụ việc sau đó khiến ban quản lý phải vào cuộc xử lý hành vi chữa bệnh kiểu mê tín dị đoan, cực hoang đường.
Chuyện hành xác của thầy pháp dẫn đến người bệnh phải nhập viện gấp
Năm 2017, chúng ta từng được nghe chuyện hành xác của thầy pháp dẫn đến người bệnh phải nhập viện gấp. Đó là chị N.T.Th (47 tuổi) và N.T.N (34 tuổi) cùng sống ở Bình Dương, nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, chẩn đoán vùng cổ có tụ máu lớn nên bị suy hô hấp, suy thận cấp.
Theo người nhà của bệnh nhân cho biết thì để trục xuất yêu ma, thầy dùng roi bằng cây dâu tằm rất to đánh liên tiếp vào người chị. Lần làm phép đầu tiên kéo dài hơn một giờ, bệnh nhân bầm tím người. Thậm chí, khi người chị ngất xỉu, thầy cho rằng hồn ma đã nhập sang cô em gái 34 tuổi nên lại dùng roi "làm phép" với cô em, đến mức cả 2 người phải đưa đi cấp cứu.
Chữa bệnh không có cơ sở khoa học: Lạc hậu lại khiến bạn mất tiền lại thêm bệnh
Trước một nền y học trong nước rất phát triển và giao lưu mở cửa với y học hiện đại trên thế giới, cho đến hiện tại ở một số vùng miền, người dân nước ta vẫn tin vào những phương pháp chữa bệnh kiểu mê tín dị đoan – phương pháp chưa cho thấy hiệu quả mà đã thấy ngay những hậu quả nhãn tiền.
GS.TS Nguyễn Bá Đức (Nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Hà Nội) khẳng định: "Chữa bệnh kiểu mê tín dị đoan là phương pháp phản khoa học. Chữa bệnh bằng bất cứ phương pháp nào không có cơ sở khoa học, nhất là bệnh nan y, chữa bệnh kiểu này hoàn toàn không chữa được bệnh, thậm chí còn thêm bệnh vào thân".
Vị chuyên gia này khẳng định, chữa bệnh kiểu mê tín dị đoan sẽ làm người bệnh bỏ qua cơ hội vàng để được phát hiện và điều trị sớm. Khi bệnh không được điều trị kịp thời, càng để lâu thì bệnh càng nặng hơn, khó cứu chữa.
Chưa hết, đây còn là kiểu chữa bệnh trái pháp luật. Trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh có quy định rõ việc nghiêm cấm hành vi sử dụng hình thức mê tín dị đoan trong khám, chữa bệnh. Việc sử dụng hình thức mê tín trong khám chữa bệnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hành sự.
Giới chuyên gia khuyên, người dân cần hết sức tỉnh táo, có bệnh thì phải tìm đến bác sĩ để có hướng điều trị đúng và kịp thời. Tránh tuyệt đối chữa bệnh kiểu mê tín dị đoan để bảo vệ sức khỏe cũng như túi tiền của bạn. Nên nhớ khi có bệnh thì phải đến gặp bác sĩ chứ không phải thầy tu hay pháp sư…