Cô bé “lưng rùa” và khát khao giản dị: Thoát khỏi chiếc mai quái ác để được mặc áo đầm

Mộc Cát,
Chia sẻ

“Tới bến xe rồi, hai mẹ con tranh thủ bắt xe sớm đi. Lên Sài Gòn ráng lo chữa bệnh, đừng chạy nhảy quậy phá nha con. Ba chờ bé Thắm của ba lành lặn về nhà. Còn có 600 ngàn đồng, thôi thì phước chủ may thầy, tới đâu hay tới đó…”.

Bé Trần Thị Ngọc Thắm (10 tuổi) nhớ mang máng lời cha nói lúc chia tay hai mẹ con. Từ đó đến nay đã hơn một tuần, gia đình họ chỉ đôi lần nhận ra nhau bằng tiếng nói xa xăm trên sóng điện thoại. Chưa kịp nghĩ ngợi gì thêm, Thắm bỗng gục mặt vào người mẹ, huơ hai tay ra phía sau. Chiếc lưng áo cũ mèm phù lên một mảng lớn, và hai tay của cô bé làm cho nó nhăn nhúm hơn khi cố sức cào cấu bên trên.

2
Sợ bị mọi người xung quanh nhìn thấy "chiếc mai", bé Thắm nằm úp mặt vào lòng mẹ.

“Chiếc mai rùa” ác nghiệt

Chị Thạch Thị Đa Ni (34 tuổi) tiếp lời con: “Sau 5-6 tiếng đồng hồ ngồi xe, hai mẹ con mới tới bến xe miền Tây. Đã lên Sài Gòn một lần nhưng lâu lắm rồi nên tôi bỡ ngỡ lắm, gặp gì cũng không biết. Có mấy trăm ngàn lận lưng, hai mẹ con không dám ăn uống gì. Đi xe buýt lòng vòng một hồi sợ lạc, cuối cùng mới kêu xe ôm chở tới bệnh viện Nhi Đồng 1 luôn. Đến đây lại tốn cả ngày trời làm thủ tục nhập viện, vì tôi không biết chữ.”.

Quả thực với người phụ nữ sống tại một vùng quê hẻo lánh thuộc xã Nhơn Bình, ấp Trà Ông, huyện Trần Đề (Sóc Trăng), ăn đủ ba bữa một ngày đã là chật vật, nói chi chuyện chữ nghĩa. Mới tí tuổi đầu, chị đã theo cha mẹ ngang dọc làng trên xóm dưới nhổ cỏ thuê, gặt lúa mướn. Đến khi thành thiếu nữ, chị say nắng một chàng trai cùng quê chân chất thật thà, rồi theo anh về sống chung mà không một chút đắn đo. 

9
Cô gái bé nhỏ mắc căn bệnh cực kỳ hiếm gặp trên thế giới: Bướu hắc tố bẩm sinh.

3
Ngoài chiếc bướu lớn trên lưng, trên người Thắm còn có 232 nốt ruồi lớn nhỏ.

Tưởng hạnh phúc đã mở cửa với đôi vợ chồng nghèo khi đứa con trai đầu lòng khoẻ mạnh ra đời thì bước ngoặt bất ngờ xảy ra vào năm 2006, khi chị Đa Ni mang thai đứa thứ hai. Tám tháng trời siêu âm không phát hiện gì, đến khi lâm bồn, người mẹ tá hoả với dị vật trên lưng con. “Mới đầu cục u chỉ nhỏ bằng quả chanh, vợ chồng tôi đều nghĩ chắc là cục thịt dư. Đến khi nghe bác sĩ nói là bướu thì cũng hơi lo nhưng đành chịu, vì lấy tiền đâu mà mổ”.

Mang tâm lý “tới đâu hay tới đó” ấy, hai vợ chồng chị Đa Ni đem đứa nhỏ về nhà như chưa có chuyện gì xảy ra. Chồng lại đi phụ hồ, vợ lại nhổ cỏ mướn nuôi con. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu “quả chanh” ấy không lớn dần theo thời gian. Và khi bé Thắm đến tuổi đi học, nó đã trông như một chiếc…mai rùa. Vác khối thịt đen đủi nặng nề ấy trên lưng, cô bé không thể nào đứng thẳng người lên được.

7
Cận cảnh chiếc "mai rùa".

Tệ hơn, bé Thắm bị bạn bè đồng trang lứa lánh xa vì cho rằng em khác người. Chẳng biết khi nào, biệt danh cô bé “rùa” xuất hiện, và cứ thế theo bé gái suốt quãng đường từ nhà đến trường, khiến em dần trở nên thụ động, nhút nhát. Nhiều đêm đang ngủ, bé Thắm chợt tỉnh giấc, ôm chiếc bướu lớn phía sau nói mớ: “Mẹ ơi, con mắc cỡ lắm. Mẹ làm sao có tiền mổ cho con…” khiến người mẹ tan nát cõi lòng.

1
Nét mặt buồn của người mẹ khi nhớ về những ngày con chị bị bạn bè xa lánh.

“Một lần, đám bạn theo đến tận nhà, chặn đường lại, nói nó là đồ xấu xí, không thèm chơi với nó nữa. Nó khóc đến sưng mắt, rồi nhất quyết không đi học nữa. Ba nó biết chuyện cũng chiều theo ý con. Hết năm lớp ba, vợ chồng tôi cho nó nghỉ”.

Tưởng chấp nhận thui thủi ở nhà là yên thân thì chiếc bướu lớn trên lưng bắt đầu trở chứng, làm cô bé ngứa ngáy liên tục. Thấy tần xuất khó chịu của con ngày một dày hơn, vợ chồng chị Ni bắt đầu lo sợ. Đỉnh điểm là việc cô con gái út bị túa máu trong một lần bị chiếc mai hành hạ. Đến nước này thì cha mẹ cô bé phải vét sạch những tờ tiền dành dụm ít ỏi mong cứu mạng cho con.

Hai mẹ con cô bé "lưng rùa".
Ước thoát khỏi chiếc mai để mặc đầm đẹp

Thế nhưng trước ngày đưa con gái út lên thành phố chữa bệnh, đứa con trai lớn bỗng lên cơn bụng dữ dội. Chi phí mổ ruột thừa tại bệnh viện tỉnh Sóc Trăng đã ngốn cạn số tiền hai vợ chồng tích cóp. Đó cũng là lý do chỉ hai mẹ con chị Ni lên Sài Gòn. Họ phải phân thân để chăm sóc cho hai giọt máu yếu ớt của mình.

6
Chị Đa Ni gãi lên cục bướu lớn khi nó làm cho con chị ngứa ngáy.

Nghe mẹ nhắc đến anh trai, bé Thắm nhanh nhảu bảo, ngày nào anh cũng gọi lên, kêu con ráng chữa cho nhanh rồi mau về quê. Trong ký ức của cô bé, cậu nhóc Trần Hoàng Thái (12 tuổi) là một người anh tuyệt vời, vừa đen vừa “ốm nhom”, nhỏ thó nhưng hễ ai đụng tới em là quyết ăn thua đủ đến cùng. Ngày bé Thắm xin mẹ cho nghỉ học, Thái cũng nhất quyết đòi nghỉ theo để ở nhà chơi với em, cha mẹ năn nỉ cách nào cũng không chịu.

Thấy hai anh em ở nhà buồn, có đôi bông tai duy nhất, chị Ni đem đi cầm, lấy tiền mua mấy chục con gà giống đem về cho hai anh em chăm sóc. “Bữa giờ con út lên đây, con trai lại bệnh, nghe ba nó nói gà ở nhà chết nhiều lắm” – chị Ni cất giọng.

Niềm an ủi hiếm hoi và cũng cực kỳ lớn lao với cô bé “lưng rùa” khi đi chữa bệnh là có bạn chơi chung. Từ ngày nhập viện, em hay chạy ra mấy chiếc xích đu với đám nhóc cùng phòng. Giữa những phút vui ấy, đôi lúc các bạn hơi giật mình, đẩy Thắm ra vì đụng phải mảng thịt lớn màu đen, xung quanh tua tủa ra những chiếc lông. Thấy con gái đang vui vẻ bỗng bị tách ra một mình, chị Ni chỉ biết cúi đầu, bất lực vì làm mẹ mà sanh con ra không toàn vẹn.

5
Nhờ đi chữa bệnh, bé Thắm đã có bạn.

Chẳng thế mà khi biết bé Thắm sẽ được tiến hành điều trị bởi những ekip chuyên nghiệp nhất của bệnh viện Nhi Đồng 1, cả hai mẹ con đều vỡ oà. Chị Ni luống cuống gọi về cho chồng, bảo anh thu xếp lên Sài Gòn gấp, vì chị rối quá không biết làm gì. Cô bé Thắm thì tíu tít: “Bác sĩ dặn con phải giữ sức khoẻ, ngủ đủ giấc, tối chủ nhật chỉ uống nước đường cầm hơi chứ không được ăn uống, để thứ hai mổ. Con mà hết bệnh thì uống liền bây giờ cũng được”.

10
Hai mẹ con dìu nhau đi trên những bậc thang chông chênh của cuộc đời.

Chia tay phòng 101 khoa Nội Tổng hợp, tai chúng tôi vẫn còn văng vẳng giọng nói của cô gái bé nhỏ: “Con ước thoát khỏi chiếc mai để được mặc đầm đẹp, không bị gù lưng nữa. Để các bạn chơi với con”. 

Ước mơ đã thành hiện thực

Chiều 29-8, chúng tôi như vỡ oà khi hay tin ca phẫu thuật lóc bướu hắc tính cho cô bé Trần Thị Ngọc Thắm đã thành công. Ca mổ kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ, với thành quả là "chiếc mai" nặng hơn 1kg, đường kính 22 cm đã tách rời khỏi cơ thể bé nhỏ. Tiếp chúng tôi, gương mặt chị Thắm rạng rỡ, pha lẫn những giọt nước mắt lo lắng đè nặng suốt từ lúc bé con rời khỏi vòng tay mẹ. Đứng kế bên, anh Trần Thân (chồng chị Thắm) cũng đã có mặt để động viên vợ trong giây phút sinh tử của con.

Đêm trước khi mổ, anh Thân vội vã bắt xe đò từ Sóc Trăng lên sau ca làm việc mệt nhọc. Đến bệnh viện, anh chỉ mua tạm ổ bánh mì nhưng không thể nuốt nổi, vì vừa lo cho con gái sắp lên bàn mổ, vừa sợ bệnh đau ruột thừa của con trai lớn ở nhà tái phát. 

"Cả đêm không ăn gì, nên đến sáng con Thắm nó mệt mỏi lắm. Thấy nó uể oải hai vợ chồng cũng lo, không biết có đủ sức mà chịu đau không..." - Anh Thân nhớ lại.

1
Hai vợ chồng anh Trần Thân lo lắng chờ gặp mặt con.

Giờ đây mọi chuyện suôn sẻ, sáng sớm mai người cha phải về sớm, vì nghỉ ngày nào sẽ đói ngày nấy. Mấy con gà ở nhà không ai chăm sóc, sơ hở là trộm lẻn vào bắt mất. Với lại, anh về sớm để nhường hành lang ngoài cửa cho vợ nằm, vì ở bệnh viện rất chật chội.

Với cô bé "lưng rùa", em vẫn còn hôn mê sau cuộc "lột xác" dài. Cái biệt danh mà bạn bè hay trêu chọc giờ chắc đã đi vào dĩ vãng. Rồi đây khi mặc đầm, em sẽ hoá thành cô Thắm xinh đẹp, rạng rỡ trong ánh mắt mọi người.

Nếu không có gì trở ngại, hai tuần nữa cô bé sẽ xuất viện. Hi vọng sau khi thức dậy, ánh nắng vàng sẽ chiếu rọi vào cuộc đời vốn đã quá nhiều bất hạnh kia.

Chia sẻ