Có 4 dấu hiệu này ở miệng thì coi chừng cao răng đang "bành trướng", gây ê buốt lẫn hàng tá bệnh nha chu

Minh Võ,
Chia sẻ

Nếu không phát hiện sớm các dấu hiệu của cao răng, nó sẽ phát triển thành bệnh lý răng miệng nghiêm trọng và ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe.

Cao răng là một chất lắng cặn cứng của các loại muối vô cơ, thường xuất hiện trên bề mặt răng. Sau khi ăn khoảng 15 phút sẽ có một lớp màng mỏng bám trên bề mặt răng. Nếu lớp màng này không được làm sạch, các vi khuẩn sẽ kéo đến và tích tụ ngày càng dày lên, tạo thành từng mảng cao bám cứng trên thân răng.

Có 4 dấu hiệu này ở miệng thì coi chừng cao răng đang "bành trướng", gây ê buốt lẫn hàng tá bệnh nha chu - Ảnh 1.

Cao răng là những mảng cứng màu vàng trên thân răng, gây hại cho sức khỏe.

Để cao răng tích tụ nhiều có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và sinh sôi. Lâu ngày sẽ dẫn đến các bệnh như viêm lợi, chảy máu nướu lẫn nhiều bệnh nha chu nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy, một khi trong khoang miệng bắt đầu xuất hiện 4 dấu hiệu sau thì nên đến nha sĩ ngay:

1. Răng ngày càng xấu đi

Vì cao răng luôn bám chặt trên bề mặt răng nên bạn để ý kỹ là nhìn được ngay. Cách đơn giản nhất để phát hiện chính là soi trước gương: Lớp cao này thường là một lớp vỏ màu vàng hoặc nâu nằm trên thân răng, hay thấy nhất là dọc theo đường viền nướu. Chúng sẽ làm ảnh hưởng đến nụ cười bên ngoài lẫn sức khỏe của chị em.

Có 4 dấu hiệu này ở miệng thì coi chừng cao răng đang "bành trướng", gây ê buốt lẫn hàng tá bệnh nha chu - Ảnh 2.

Nếu cao răng nhiều thì chỉ cần cười lên là thấy ngay, chị em nên chú ý kỹ.

Bên cạnh đó, nếu sau khi đánh răng vẫn thấy răng còn bẩn và vẩn đục khi dùng lưỡi chà vào thì cao răng đang nhiều, cần phải đến nha sĩ để loại bỏ sớm. Việc lấy cao chỉ diễn ra trong vòng vài phút, không gây đau nhiều nên đừng quá lo lắng.

2. Răng bị ố vàng

Răng ố vàng và chuyển màu khó nhìn là trường hợp mà răng của bạn chuyển sang màu ngà hoặc màu vàng, nâu đen. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nếu xuất phát từ yếu tố bên ngoài do uống cà phê, trà đậm thì tự hết sau vài ngày. Còn ngược lại, răng sẽ vàng liên tục trong thời gian dài và dần biến chuyển thành những bệnh lý nghiêm trọng.

Khi mảng cao răng xuất hiện, chúng sẽ bám chặt lại và khiến răng đổi sang màu trắng xỉn hoặc ngả vàng. Lớp cao này càng nhiều thì răng cũng vàng hơn, khiến nụ cười của chị em không còn sáng đẹp. Chưa kể chúng còn gây hôi miệng mãn tính, dù vệ sinh sạch sẽ mấy cũng không hết mùi được.

3. Sưng nướu và chảy máu nướu

Theo Jyoti Sonkar – giáo sư nha khoa tại Đại học Boston (Mỹ) chia sẻ, một trong những dấu hiệu cho thấy cao răng đang "hãm hại" sức khỏe chính là sưng nướu và chảy máu trong khi đánh răng. Quá nhiều mảng bám sẽ gây kích ứng nướu, khiến chúng sưng to và mềm hơn nên dễ bị tổn thương.

Thêm vào đó, những mảng cao răng cũng có thể gây nhiễm trùng nướu do lượng vi khuẩn khổng lồ. Cơn đau này rất khó chịu, âm ỉ trong tủy răng suốt cả tuần liền nếu không điều trị sớm. Giáo sư Jyoti cũng từng mắc phải và ông miêu tả "hệt như bị con gì đó gặm nhấm răng mãi chẳng thôi".

Có 4 dấu hiệu này ở miệng thì coi chừng cao răng đang "bành trướng", gây ê buốt lẫn hàng tá bệnh nha chu - Ảnh 3.

4. Răng bị ê buốt

Theo thời gian, những mảng cao này sẽ dày lên và khiến nướu bị tuột khỏi răng. Từ đó làm lộ dây thần kinh của răng và làm răng đau buốt, nhạy cảm hơn rất nhiều. Bệnh có thể diễn tiến nặng tới mức chỉ cần gió thổi qua thôi cũng đau, chứ chưa nói đến việc ăn uống hàng ngày.

Làm thế nào để loại bỏ và ngừa cao răng tại nhà?

Đương nhiên, để ngăn ngừa và chặn cao răng phát triển mạnh thì không gì khác là phải vệ sinh răng miệng sạch sẽ, nhưng chúng ta cần phải tuân theo 3 cách sau để việc này hiệu quả hơn:

- Đánh răng 2 lần mỗi ngày bằng bàn chải lông mềm hoặc bàn chải điện. Bạn nên chải răng thật chậm, chuyển động nhẹ nhàng theo vòng tròn và đảm bảo chải sạch mọi mặt của răng.

- Dùng chỉ nha khoa 1 lần mỗi ngày, đặc biệt là sau khi ăn để loại bỏ phần thức ăn thừa tồn đọng lại. Nếu duy trì thường xuyên còn giúp cao răng lỏng dần và dễ loại bỏ hơn.

- Sử dụng các loại nước súc miệng chuyên dụng 2 lần mỗi ngày. Hãy lựa chọn các thương hiệu uy tín, có nguồn gốc xuất xứ để không làm hại men răng.

Theo Insider, Healthline

Chia sẻ