Có 3 triệu chứng, cô gái Hà Nội đi khám, phát hiện điếc 1 bên tai: Bác sĩ hé lộ nguyên nhân

Ngọc Minh,
Chia sẻ

Cô gái trẻ đi khám do bị hoa mắt, chóng mặt, ù tai và bất ngờ được bác sĩ chẩn đoán bị điếc đột ngột tai phải.

Nội dung chính

- Cảnh giác với điếc đột ngột.

- Nguyên nhân gây điếc đột ngột.

- Cách phòng ngừa điếc đột ngột.

Cảnh giác với điếc đột ngột

Cô gái trẻ 28 tuổi, ở Hà Nội đến khám do xuất hiện các triệu chứng bất thường như hoa mắt, chóng mặt, ù tai.

Theo chia sẻ của bệnh nhân, tối hôm trước khi đi khám, cô đột ngột thấy ù cả hai bên tai, cảm giác như có tiếng ve kêu trong tai và bị hoa mắt, chóng mặt. Cô gái rất lo lắng vì cơ thể đột nhiên xuất hiện các triệu chứng bất thường nên đã đi khám để tìm nguyên nhân.

ThS.BS Nguyễn Thị Hồng Tuyết - Chuyên khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Medlatec đã chỉ định cho bệnh nhân thực hiện nội soi tai mũi họng, làm các xét nghiệm sinh hóa và chụp MRI sọ não.

Kết quả nội soi tai mũi họng chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tiền đình ốc tai. Chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não - động mạch não không phát hiện dấu hiệu bất thường. Bệnh nhân bị viêm xoang sàng, xoang hàm hai bên, có polyp xoang hàm trái. Kiểm tra thính lực, nhĩ lượng kết luận bệnh nhân bị điếc tai phải mức độ nhẹ.

Bệnh nhân được chẩn đoán điếc đột ngột tai phải do viêm xoang sàng, xoang hàm hai bên. Bệnh nhân được nhập viện điều trị nội trú. Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã khỏi hẳn tình trạng chóng mặt, thính lực trở về bình thường, ăn ngủ được.

Có 3 triệu chứng, cô gái Hà Nội đi khám, phát hiện điếc 1 bên tai: Bác sĩ hé lộ nguyên nhân - Ảnh 2.

Hình ảnh chụp MRI đáy sọ xương đá của bệnh nhân. (Ảnh BSCC)

Nguyên nhân gây điếc đột ngột

Theo bác sĩ Hồng Tuyết, điếc đột ngột là một cấp cứu tai mũi họng. Bệnh có thể diễn biến trong vòng vài giờ đến vài ngày. Mức độ điếc và tính chất rất khác nhau, điếc có thể xảy ra một bên tai hoặc cả hai tai, mức độ từ nhẹ như nghe kém đến nặng như điếc nặng hoàn toàn trên ít nhất ba tần số liên tiếp. Bệnh nhân bị điếc đột ngột cần được điều trị kịp thời.

Điếc đột ngột có thể liên quan tới các bệnh lý như: đái tháo đường, bệnh tim mạch, nghiện rượu, tình trạng mệt mỏi, stress, mang thai…

Nguyên nhân gây điếc đột ngột cũng có thể là do bị nhiễm virus, nhiễm khuẩn đường hô hấp, do tiếng ồn, u dây thần kinh VIII, co thắt mạch máu, huyết khối, xuất huyết tai trong, có bệnh tự miễn,…

Bác sĩ Hồng Tuyết khuyến cáo, điếc đột ngột có thể tự hồi phục một phần, hoặc hoàn toàn thính lực một cách tự nhiên trong vòng 1 đến 2 tuần. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, điếc đột ngột cũng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng phục hồi thính lực. Chuyên gia khuyến cáo khi người dân nếu xuất hiện một trong các dấu hiệu bất thường như hoa mắt, chóng mặt, ù tai, nghe kém... cần tới cơ sở y tế để được thăm khám, tìm chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Để bảo vệ thính lực, tránh điếc đột ngột, người dân cần lưu ý một số điều dưới đây:

- Chú trọng bảo vệ và tuyệt đối không để vùng đầu, tai bị chấn thương;

- Sử dụng dụng cụ riêng để lấy ráy tai;

- Tránh đến nơi có tiếng ồn lớn, hoặc nghe nhạc với âm lượng to trong thời gian dài;

- Khi ra đường nên đeo khẩu trang để tránh nguy cơ lây bệnh siêu vi;

- Thực hiện chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, hạn chế bia, rượu, thuốc lá...

- Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Chia sẻ